Thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản:

Thống Nhất... khát vốn

Cập nhật lúc 07:48, Thứ Ba, 30/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Có lẽ nếu chúng tôi không giới thiệu  về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì anh Nguyễn Duy Viên, Chủ nhiệm HTX Thống Nhất sẽ chẳng bao giờ biết. Biết rồi, anh khẳng định luôn: “Thống Nhất đang khát vốn”.

Nhắc đến HTX Thống Nhất là nhắc đến trọng điểm lúa của xã An Ninh và của cả huyện Quảng Ninh. Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh, cơ giới hóa, giống mới vào sản xuất nên qua từng năm năng suất lúa đông - xuân của Thống Nhất liên tục tăng: từ 65 tạ/ ha đến 70 tạ/ ha, đông - xuân 2012 tăng lên 71 tạ/ ha. Theo anh Nguyễn Duy Viên thì năng suất này đã gần chạm đến đỉnh và không thể tiếp tục tăng thêm được nữa.

Vậy phải làm gì để cải thiện hiệu quả xã hội trên một đơn vị diện tích? Đây là một bài toán rất khó giải cho HTX thuần nông này. Tổng diện tích đất nông nghiệp của HTX hơn 235 ha trên tổng số 307 hộ dân. Khi đang loay hoay với bài toán tìm hướng đi mới thì nông dân quay lại với cách thức canh tác cũ: làm lúa tái sinh với khoảng 100 ha, năng suất bình quân 2 tấn/ ha. Nhiều người dân cho biết: “Làm lúa tái sinh đầu tư ít, chỉ cần 10 kg phân bón cho một sào, chi phí khoảng 120 nghìn đồng lại rất có lãi”. Hiệu quả kinh tế đối với từng hộ gia đình khá khả quan, nhưng năng suất xã hội lại giảm rõ rệt, bằng chứng hè - thu 2012, HTX Thống Nhất chỉ gieo được 30 ha, năng suất đạt 40 tạ/ ha.

Sửa chữa lại hệ thống giao thông nội đồng, chuẩn bị cho vụ đông-xuân 2012-2013 ở Quảng Ninh.
Sửa chữa lại hệ thống giao thông nội đồng, chuẩn bị cho vụ đông-xuân 2012-2013 ở Quảng Ninh.

HTX Thống Nhất được xem là nơi tiên phong trong phong trào dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Riêng dồn điền đổi thửa, từ 10 mảnh manh mún ban đầu, sau dồn điền chỉ còn lại 2 đến 3 thửa. Chưa dừng lại đó, Ban quản lý HTX đang động viên bà con nông dân tiếp tục thực hiện dồn điền trước khi bước vào sản xuất đông - xuân 2012- 2013, chỉ còn lại từ 1 đến 2 thửa, tạo điều kiện cho cơ giới hóa, giải phóng sức lao động của con người.

Hiện tại HTX Thống Nhất có 7 máy cày cỡ lớn, 2 máy cày cỡ trung, 1 máy gặt đập liên hợp, 1 hệ thống xay xát, đánh bóng gạo. Tuy nhiên, kể từ khi sử dụng nguồn nước Rào Đá thì cánh đồng Thống Nhất bị ngập lầy nhiều hơn, nhất là các chân ruộng sâu nên 7 máy cày lớn không thể sử dụng được, nhiệm vụ cày bừa chỉ trông chờ vào 2 máy cày cỡ trung.

Người dân Thống Nhất có kinh tế khá ổn định dù sản xuất thuần nông. Nhiều hộ gia đình như: Nguyễn Đại Ơn, Nguyễn Phong Bình, Nguyễn Phong Hiển... ngoài diện tích đất được chia, còn đấu thêm đất 5% của xã, mỗi hộ như vậy canh tác từ 5 ha trở lên, một năm bình quân thu về từ 30 đến 50 tấn lúa. Họ thực sự là những triệu phú từ lúa.

Để bảo đảm an sinh, người dân có thể làm giàu và cân bằng với lợi ích xã hội, theo anh Nguyễn Duy Viên, HTX cần đổi mới phương thức sản xuất, đầu tư thêm máy móc, lựa chọn các bộ giống mới cho năng suất cao, mở rộng thêm các mô hình trang trại kết hợp như lúa- cá, lúa- vịt... Sản phẩm nông nghiệp được bảo đảm đầu ra chứ không thể phụ thuộc mãi vào sự bấp bênh của thị trường như hiện tại.

Muốn vậy, HTX rất cần vốn, “khát vốn”. Vì 7 chiếc máy cày lớn của HTX không sử dụng được khi chân ruộng bị lầy nên để giúp nông dân thuận lợi trong khâu làm đất sẽ cần thêm 2 đến 4 máy cày cỡ trung. Giá một chiếc máy cày loại này khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra HTX cũng cần hỗ trợ vốn để nâng cấp hệ thống máy xay xát, đánh bóng gạo, tạo ra sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu. Tổng số tiền cần vay xấp khoảng 1 tỷ đồng.

“Nếu HTX Thống Nhất tiếp cận được chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, hy vọng rằng sẽ có được nguồn vốn vay để mở rộng quy mô, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu”- Chủ nhiệm HTX Thống Nhất khẳng định.

                                                                                    P. V











 

,
.
.
.