Sự hấp dẫn của "làng mới"...

Cập nhật lúc 07:21, Thứ Sáu, 26/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Là địa phương có số hộ ở vùng thấp lụt khá lớn nên xã Thanh Thuỷ (Lệ Thuỷ) đã coi việc di dời dân lên vùng cao là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế thiệt hại do lũ. Từ năm 2010 khi có dự án di dời dân vùng ngập lụt, xã đã triển khai quyết liệt và xây dựng khu tái định cư (KTĐC) có sức hấp dẫn người dân, manh nha một "làng mới" để khai thác tiềm năng phía đông...

Chúng tôi có mặt ở KTĐC xã Thanh Thuỷ khi nắng chiều thu đang lấp loáng trên những ruộng khoai chạy dài theo con đường cấp phối còn đỏ tươi màu đất. Những người nông dân đang mải miết vun luống, bón phân cho khoai, tiếng nói cười rộn rã. Đã quá quen với những bức xúc của người dân vùng tái định cư nhiều nơi trong tỉnh, chúng tôi sẵn sàng đón nhận những "đề xuất, kiến nghị"... từ họ.

Nhưng khá bất ngờ, những câu chuyện làm ăn trên vùng đất mới đã cuốn hút chúng tôi. Anh Dương Văn Bình cùng vợ đang cho cá ăn dừng tay để tiếp chuyện chúng tôi, anh cho biết: Gia đình anh ở thôn Thanh Mỹ 3 thuộc diện "ưu tiên" lên KTĐC này. Anh giải thích "ưu tiên" vì có nhiều hộ trong thôn cùng muốn lên đây, nhưng vì số lô đất KTĐC có hạn nên phải lựa chọn ai được lên trước, ai còn phải chờ dịp khác.

Trên diện tích 1.500 m2 được xã cấp, gia đình anh chia làm nhiều loại hình sản xuất, là trồng khoai lang lấy củ, đào ao thả cá và thả thêm vài trăm con gà đẻ trứng... Ao cá chừng 300 m2 anh đã thả hơn 2.000 cá trê phi, sau mấy tháng chăm sóc, cá nặng khoảng 5-7 lạng/con, tính sơ bộ ao cá anh có thể hơn 1 tấn cá thương phẩm. Trên đất vườn, mùa hè vừa rồi đã cho một lứa dưa, mùa này trồng khoai lang lấy củ. Với ba mũi giáp công, gia đình anh thu nhập từ mảnh vườn tái định cư cũng tạm nuôi sống cả gia đình với 5 miệng ăn. Còn đất ruộng dưới nơi ở cũ? Thì vẫn cứ trồng lúa như lâu nay- Anh Bình trả lời.

Đường vào khu tái định cư.
Đường vào khu tái định cư.

Liền kề với gia đình anh Bình là gia đình anh Phan Xuân Lâm ở thôn Thanh Tân 1. Câu chuyện rôm rả hơn khi anh Lâm, chị Hường hướng chúng tôi vào một kế hoạch "làm ăn lớn" ngay trên trảng cát này. Chị Hường cho biết, giống khoai lang mà gia đình chị và bà con địa phương đang trồng chính là giống khoai gốc để làm khoai deo nổi tiếng ngon đã thành thương hiệu của tỉnh ta. Khoai trồng trên trảng cát là quanh năm, nhưng trồng lấy củ có năng suất nhất là lứa trồng từ tháng 10, 11 dương lịch đến sau Tết sẽ thu hoạch, năng suất lên đến 11-12 tấn/ ha.

Chị Hường cho biết gia đình chị sẽ mở đại lý mua bán khoai lang từ củ đến ngọn để cung ứng cho xã Hải Ninh (Quảng Ninh). Được biết, giá khoai lang củ để làm khoai gieo có giá từ 9-10 ngàn đồng/kg, và như vậy mỗi ha cho thu nhập 100-120 triệu đồng mỗi vụ trồng khoai. Có lẽ đến lúc này chúng tôi mới lý giải được tại sao người ta trồng khoai lang nhiều thế, những vườn rau lang xanh mát suốt dọc đường từ khi rời quốc lộ 1A vào đây và các hộ trên KTĐC đều có những ruộng khoai xanh tốt. Sau vụ khoai là vụ dưa các loại.

Trở lại bên những luống khoai, chị Hường cho biết, kỹ thuật trồng khoai lấy củ đã khác trước, khái niệm "khoai to vồng tốt củ" hình như không được áp dụng ở đây, khoai trồng rất dày, mỗi luống cách nhau độ 20-25 cm. Về phân bón,  ngoài phân hoá học, phân hữu cơ người ta lót xuống đất một ít rơm để tăng độ xốp của đất và làm khoai nhiều củ... Phân hữu cơ thì nhà nào cũng có từ chăn nuôi trâu bò, lợn, còn rơm rạ thì có đầy ngoài đồng mỗi dịp thu hoạch mùa, chỉ việc bỏ chút công chở về xây thành "cây" tích trữ để làm nguồn phân quanh năm...

Trước khi rời KTĐC, chúng tôi hỏi anh Lâm, anh Bình, điều các hộ dân cần nhất lúc này là gì? Địa phương sớm hoàn thành lưới điện để thắp sáng và phục vụ một số sinh hoạt khác- Hai anh đồng thanh trả lời và còn nói thêm, đề nghị xã tiếp tục mở rộng KTĐC cư để có thêm nhiều bà con lên đây sinh sống cho vui...

Bà con ở khu tái định cư đang chăm sóc ruộng khoai.
Bà con ở khu tái định cư đang chăm sóc ruộng khoai.

Có lẽ chừng ấy là đã đủ để nói về sự hấp dẫn của KTĐC xã Thanh Thuỷ với người dân vùng thấp lụt mà như anh bạn đồng nghiệp gọi là làng mới này. Để có được điều đó, theo ông Nguyễn Bá Xuy, Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỷ tập trung ở 3 vấn đề chính. Thứ nhất là tìm được vùng tái định cư có xu thế phát triển tốt, tiếp đó là xây dựng hạ tầng chỉnh chu trong khuôn khổ ngân sách cho phép. Thứ hai là tạo quỹ đất phù hợp với sản xuất nông nghiệp của người nông dân (như ở đây là 1.500 m2). Thứ ba là trong quá trình xây dựng hạ tầng phải theo sát trên thực địa để khắc phục ngay những sự cố phát sinh. Mặt khác  có cơ chế ràng buộc bà con, như cam kết sau khi lên ở mới cấp tiền (10 triệu đồng/ hộ)...

Vấn đề thứ nhất, chúng tôi nhận ra ngay khi vừa đặt chân đến vùng trảng cát có tên Miền Đông này. Vùng đất này khá rộng, lại bằng phẳng, theo ông Xuy, diện tích đến 60 ha, đất cát mềm mại, có rừng cây tràm, dương liễu xung quanh, phía đông là một triền cát nhô cao có cây xanh tạo lá chắn phía biển...

Đặc biệt nguồn nước ở đây rất dồi dào mà không úng ngập... Khi dự án khởi động, một tuyến đường nối liền từ quốc lộ 1 với KTĐC được nhựa hoá phẳng phiu đã làm gần lại với "chốn cũ" của bà con. Ngoài đường trục chính là hệ thống đường ngang cũng được đắp biên hoà chắc chắn, nền đường rộng 10 mét, tạo thành thế bàn cờ cho KTĐC. Kinh phí đầu tư xây dựng đường theo ông Xuy hơn 4,8 tỷ đồng. Cùng với đường, điện thắp sáng được đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng để nối từ trạm biến áp vào KTĐC. Đến nay hệ thống điện đã cơ bản hoàn thành trục chính.

Với người nông dân sống với mảnh ruộng, góc vườn nên không gì níu kéo họ, giữ chân họ hơn là đất sản xuất. Xuất phát từ điều đó mà UBND xã Thanh Thuỷ đã bàn bạc và đi đến quyết định, cấp đất cho bà con mỗi hộ tại KTĐC là 1.500 m2 thay cho 1.000 m2 như trước đây...  

Dự án di dời dân vùng ngập lụt xã Thanh Thuỷ khởi động từ cuối năm 2010. Sau gần 2 năm đến nay đã có 22 hộ dân lên KTĐC trong số 57 hộ thuộc diện được xét lên KTĐC. Nói được xét bởi toàn xã có đến 160 hộ đăng ký lên KTĐC, trên tổng số hơn 220 hộ vùng thấp lụt. Và dù có những khởi đầu khá ấn tượng nhưng đây cũng chỉ mới là kết quả bước đầu, theo chúng tôi chưa thực sự vững chắc. Để KTĐC thành một làng mới còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước. Những ngôi nhà dân tại KTĐC còn quá đơn sơ (xây theo mẫu 10 triệu đồng/căn) khó để chống chọi với bão tố và nắng lửa vùng cát. Mặt khác, hạ tầng cũng mới là những nét cơ bản. Để điện về đến từng hộ dân còn phải có những khoản chi phí không nhỏ.

Theo ông Xuy, địa phương cần nguồn kinh phí trên 3-4 tỷ đồng nữa mới hoàn chỉnh hạ tầng KTĐC. Đấy là khoản ngân sách không nhỏ với một địa phương chưa thể nói là khá giả như Thanh Thuỷ...Điều quan trọng nữa là đất ở và đất sản xuất ở đây xã mới tạm cấp nên người dân chưa yên tâm, nhất là khó làm thủ tục vay vốn mở rộng sản xuất...

Chúng tôi trao đổi những trăn trở của người dân và lãnh đạo xã với ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ. Ông Thảo cho biết: Xã Thanh Thuỷ đã làm khá tốt việc xây dựng KTĐC, rất có trách nhiệm với người dân. Nhưng còn nhiều việc phải làm tiếp ở KTĐC, huyện đồng tình với việc tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, nhất là điện thắp sáng. Về đất đai của người dân, xã lập hồ sơ theo quy định để báo cáo UBND huyện có hướng giải quyết...

                                                                                               Văn Hoàng

 








 

,
.
.
.