Nỗi lo nợ xấu

Cập nhật lúc 10:44, Thứ Năm, 25/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo báo cáo, nợ xấu của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tuy không lớn, nhưng không ngừng tăng lên trong thời gian gần đây, đặc biệt khi môi trường kinh doanh không thuận lợi, khiến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp yếu dần. Tính đến 30-9-2012, nợ xấu toàn tỉnh chiếm 1,57% tổng dư nợ, tăng 16,9% so đầu năm. Trước thực trạng trên, đâu là hướng xử lý vấn đề này?

Những con số "đen"

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 3.123 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký hơn 12.708 tỷ đồng. Trong đó có 2.383 doanh nghiệp có vay vốn các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn (có 259 doanh nghiệp vay vốn 2 tổ chức tín dụng, 68 doanh nghiệp vay vốn 3 tổ chức tín dụng, 14 doanh nghiệp vay vốn từ 4 tổ chức tín dụng trở lên) với dư nợ 9.869 tỷ đồng, chiếm 61,3% tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu toàn tỉnh 257 tỷ đồng, chiếm 1,57% tổng dư nợ, tăng 16,9% so đầu năm; trong đó, nợ xấu của các doanh nghiệp là 130 tỷ đồng, chiếm 1,3% dư nợ cho vay doanh nghiệp.

Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình cho biết: Thực chất nợ xấu của các doanh nghiệp còn lớn hơn nhiều so với báo cáo và việc xử lý nợ xấu gặp rất nhiều khó khăn, trong điều kiện hàng tồn kho cao không tiêu thụ được, nợ phải thu còn nhiều, các tài sản, nhất là đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị khó bán. Đặc biệt nợ vay ngân hàng ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp phó mặc giao tài sản cho ngân hàng tự xử lý.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết một số doanh nghiệp có nợ xấu cao như: Công ty Xây dựng tổng hợp Nam Hà 10 tỷ đồng, Công ty TNHH Tư vấn - đầu tư Hoàng Gia Phát 9,5 tỷ đồng, Công ty TNHH TM-XD Thành Ngân 4,3 tỷ đồng, Công ty TNHH XD-TM Lân Thành 4,1 tỷ đồng, Công ty TNHH Xuân Thịnh 3 tỷ đồng, và còn nhiều doanh nghiệp tuy chưa phát sinh nợ xấu nhưng phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn giải thể, phá sản, dẫn đến nợ xấu sẽ phát sinh tăng cao trong thời gian tới, nếu không có giải pháp quyết liệt từ 2 phía ngân hàng và doanh nghiệp.

Trước thực trạng trên, các TCTD trong tỉnh đang đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, vì dư nợ cho vay bất động sản (trực tiếp và gián tiếp) chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi đó, trước đây khi cho vay, các TCTD định giá giá trị tài sản bảo đảm (chủ yếu là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất) thường cao hơn so với giá quy định của UBND tỉnh; nhưng hiện nay, giá trị tài sản bảo đảm đã hạ rất nhiều. Do vậy, hiện tại giá trị tài sản bảo đảm sau khi đánh giá lại không đủ giá trị để bảo đảm cho khoản nợ vay (giá trị tài sản bảo đảm nhỏ hơn dư nợ vay).

Riêng đối với tài sản hiện nay khách hàng đã giao cho TCTD để xử lý, các TCTD xử lý gặp rất nhiều bất cập do: khó bán và giá bán thấp (thường thu hồi được 40-50% giá trị nợ vay), nhiều tài sản thông báo bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua...

Một trong những vấn đề khó khăn mà các TCTD đang gặp phải trong thời gian vừa qua khi xử lý tài sản bảo đảm, là các TCTD chưa nhận được sự phối hợp của các sở, ngành liên quan; cá biệt có khách hàng không am hiểu pháp luật, khởi kiện nhiều lần để kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm của TCTD.

Đâu là hướng "ổn cả đôi đường"?

Trước mắt các TCTD đang cố gắng tập trung xử lý nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn bằng nhiều biện pháp như: bán nợ thông qua các công ty mua bán nợ, tư vấn cho doanh nghiệp bán hàng tồn kho, tái cơ cấu lại doanh nghiệp, rút bớt quy mô hoạt động, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp... Đồng thời tiến hành cơ cấu lại nợ, hạ lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp đang duy trì sản xuất kinh doanh và có khó khăn tạm thời, chưa trả nợ vay đúng hạn. Riêng đối với dư nợ cho vay bất động sản (trực tiếp, hoặc gián tiếp), phải tìm mọi biện pháp để thu hồi nợ, kể cả phát mại tài sản thông qua trung tâm bán đấu giá tài sản, nhằm bảo đảm được tính pháp lý và giảm thiểu tổn thất cho người vay.

Có thể nói làm giảm nợ xấu xuống đến mức tối đa đang là mục tiêu hướng tới của nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Với nhiều chiêu thức của riêng mình, trong đó có chiêu thức "lạt mềm buộc chặt" nghĩa là thực hiện tuyên truyền vận động là chính, ngân hàng không thực hiện việc xử lý cưỡng chế tài sản để thu nợ. Theo phần lớn các TCTD, chính sách chủ yếu xử lý nợ quá hạn, nợ xấu bước đầu vẫn là việc tuyên truyền và vận động vì cách thức này nhằm tạo lối mở, động viên, khích lệ doanh nghiệp để " cứu mình và cứu người"  và đây đang là phương châm nhiều ngân hàng lựa chọn.

                                                                               Hiền Phương
 

,
.
.
.