Chung sức xây dựng nông thôn mới:

Bố Trạch: Tiêu chí 17: Ngay ngáy nỗi lo! - Bài 2: Đâu là lối ra?

Cập nhật lúc 07:13, Thứ Năm, 25/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Cùng với sự nỗ lực tìm tòi, sáng tạo của huyện Bố Trạch trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nói chung và đối với tiêu chí môi trường nói riêng, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến những bài học kinh nghiệm của một số địa phương đã thực hiện tốt những cái khó mà Bố Trạch đang gặp phải, để cùng tìm ra hướng đi hiệu quả, góp phần hoàn thành chương trình XDNTM đúng lộ trình.

>> Bài 1: Thực trạng buồn

Tuyên truyền là trọng tâm

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, khẳng định: Để hoàn thành tiêu chí môi trường, công tác tuyên truyền phải đặt lên hàng đầu, điển hình là đối với việc quy hoạch nghĩa trang tập trung. Làm tốt công tác tuyên truyền, có thể khắc phục được luôn cái khó về mặt kinh phí. Vì thế, cả về trước mắt và lâu dài, các địa phương cần tiến hành công tác tuyên truyền một cách hiệu quả, để người dân nhận ra được cái lợi lớn từ chương trình XDNTM, từ đó tự nguyện di dời các phần mộ của gia đình, dòng họ, của thôn mình về tập trung tại nghĩa trang theo đúng quy hoạch.

Cũng đồng tình với ý kiến này, ông Hoàng Văn Minh, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: “Thực tế ở huyện Bố Trạch, chúng tôi đã rất coi trọng công tác tuyên truyền.

Không chỉ vậy, cán bộ Mặt trận còn là người “bắt tay chỉ việc”, tích cực đi đầu trong mọi phong trào. Đối với tiêu chí môi trường, trong đó có việc thực hiện quy hoạch nghĩa trang, chúng tôi ý thức rằng, đây là một quá trình dài bởi những quan niệm về tâm linh đã ăn sâu vào tiềm thức người dân từ bao đời nay. Vì thế, muốn thực hiện tốt việc này, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu thực hiện trước, để từ đó làm gương cho quần chúng nhân dân noi theo.

Xử lý rác thải bằng cách đốt, sự bất cập trong quá trình thực hiện tiêu chí môi trường.
Xử lý rác thải bằng cách đốt, sự bất cập trong quá trình thực hiện tiêu chí môi trường.

Thực tế, việc quy hoạch nghĩa trang thiếu khoa học trước đây đã khiến cho quỹ đất của nhiều địa phương trở nên eo hẹp, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của  người dân. Đây chính là điểm thuận lợi để chúng tôi tiến hành công tác tuyên truyền, vận động. Một khi người dân hiểu được, thực hiện tốt quy hoạch nghĩa trang sẽ mang lại những tác động tích cực đối với đời sống và sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tin rằng bà con sẽ tin tưởng và ủng hộ... Khó, nhưng nếu chúng ta biết phát huy thế mạnh của việc tuyên truyền, đồng thời gắn trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện phong trào XDNTM, tôi tin Bố Trạch sẽ giải quyết tốt vấn đề này...”.

Và không chỉ đối với việc quy hoạch nghĩa trang, vấn đề rác thải, vệ sinh môi trường nông thôn ở Bố Trạch những năm gần đây cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ công tác tuyên truyền. Những tập quán lạc hậu đã dần thay đổi. Như xã biển Đức Trạch, trước đây 100% số hộ không có nhà vệ sinh, thay vào đó là “nhà vệ sinh chung” ở bãi biển.

Đến thời điểm này, tập quán này đã dần thay đổi, hầu hết các hộ gia đình đã đầu tư xây dựng hệ thống vệ sinh kiên cố, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường. Không dừng lại ở đó, các địa phương đã thường xuyên tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức của người dân. Hiện nay, xã Đức Trạch đã tổ chức được mô hình thu gom rác thải khá hiệu quả, được huyện đánh giá cao. Cùng với sự thay đổi trong ý thức của người dân, ở Bố Trạch cũng đã xuất hiện các doanh nghiệp thu gom và xử lý rác thải, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để bảo đảm tốt việc các cơ sở sản xuất kinh doanh không có những tác động tiêu cực đến môi trường, thời gian qua, Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Bố Trạch đã phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, lấy mẫu nước thải kiểm nghiệm để đánh giá mức độ ô nhiễm của các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đối với vấn đề rác thải nông thôn, Phòng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương thành lập các mô hình thu gom rác thải phù hợp với đặc thù của từng xã, phấn đấu đến năm 2013 sẽ có 100% số xã có tổ thu gom rác thải. Về nước sạch, hiện đang đầu tư hệ thống nước sạch cho thị trấn Hoàn Lão và các xã vệ tinh từ nguồn vốn vay ADB. Bên cạnh đó, khi công trình hồ chứa nước Thác Chuối hoàn thành, các xã vùng hạ du của huyện sẽ được bổ sung lượng nước sinh hoạt bảo đảm theo yêu cầu.

Nhìn ra... huyện bạn

Một trong những địa phương có nhiều cách làm hay trong quá trình thực hiện tiêu chí môi trường là xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch). Là một xã biển, Cảnh Dương có nhiều điểm tương đồng với các xã biển của huyện Bố Trạch. Với tổng diện tích tự nhiên 152 ha, có thể nói, trong tiêu chí này, Cảnh Dương còn khó hơn nhiều lần so với nhiều địa phương khác.

Thế nhưng không phải đợi đến khi bắt tay xây dựng NTM, Cảnh Dương mới nghĩ đến chuyện quy hoạch khu nghĩa trang một cách khoa học để tăng thêm quỹ đất ở và đất sản xuất, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Những năm 2004 – 2005, xã đã tiến hành quy hoạch mới khu nghĩa trang, di dời hàng ngàn ngôi mộ để lấy đất xây dựng khu làng nghề của xã. Để hoàn thành được nhiệm vụ này, xã đã chú trọng công tác tuyên truyền với mục đích để người dân hiểu được, việc làm này sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho chính cộng đồng và cho mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong xã. “Khó, nhưng chúng tôi đã làm được và rất thành công. Hiện nay khu nghĩa trang của xã đã được sắp xếp khoa học, đất ở và đất sản xuất được mở rộng, tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất, góp phần làm giàu cho quê hương!”, ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ.

Không chỉ điển hình về việc quy hoạch nghĩa trang, Cảnh Dương còn là một trong những địa phương đầu tiên tiến hành thu gom rác thải thông qua hình thức hợp đồng với các cá nhân bảo đảm năng lực trên địa bàn. Cứ ba ngày một lần, xe chở rác sẽ đi khắp các tuyến đường của xã để thu gom rác. Rác thải sinh hoạt của các gia đình, các cơ sở sản xuất cũng như chợ đầu mối Cảnh Dương được thu gom sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường và đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, Cảnh Dương còn được đánh giá là một trong những địa phương có mô hình nước sạch hoạt động rất hiệu quả, cung cấp nước sạch cho gần 100% hộ dân trên địa bàn.

Bên cạnh những cái được của mình, Cảnh Dương vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như rác thải sau khi được tập kết về một điểm chỉ được xử lý bằng cách đốt, hoặc khi tồn đọng quá nhiều, xã sẽ mời Trung tâm y tế dự phòng huyện phối hợp xử lý bằng hóa chất. Để chở rác đến bãi rác của huyện tại xã Quảng Tiến là quá xa, địa phương chưa có xe chuyên dụng và cả khó khăn về kinh phí. Đây cũng là những cái khó chung của khá nhiều địa phương trên địa bàn Bố Trạch.

Lời kết

Để hoàn thành tiêu chí môi trường, Bố Trạch còn cần phải nỗ lực nhiều cả về công tác tuyên truyền, quá trình triển khai và đầu tư kinh phí. Tuy nhiên cái được lớn nhất vẫn là sự chuyển biến về tư tưởng của đại đa số người dân và sự bắt nhịp của chính quyền các địa phương trong việc thực hiện tiêu chí này. Dù vẫn còn đó nhiều khó khăn, nhưng khi Đảng bộ và nhân dân toàn huyện đã cùng lo nỗi lo chung, thì tin rằng, các địa phương sẽ chạm đích NTM đúng lộ trình, góp phần đưa Bố Trạch phát triển nhanh và bền vững.

                                                                                 Ngọc Mai





 

,
.
.
.