Từ "khúc dạo đầu" của thiên tai...

Cập nhật lúc 07:50, Thứ Tư, 19/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Mới đầu tháng 9, thiên nhiên đã trở chứng, mưa to gió lớn đe dọa hàng ngàn ha lúa hè -thu trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp đó, sau mấy ngày nắng ráo bà con chưa kịp phơi khô những hạt lúa gặt vội lại chịu trận mưa thứ hai lớn hơn...

"Khúc dạo đầu"...

Trong vòng hơn 10 giờ đồng hồ, kể từ rạng sáng 14-9 đến trưa cùng ngày một lượng nước phải nói là rất lớn đổ xuống các huyện phía nam tỉnh. Lượng mưa đo được ở Lệ Thuỷ là 276 mm, ở Đồng Hới là 264 mm... Nước trên sông Kiến Giang vượt báo động 2... Vốn sẵn nước trong đồng của đợt mưa trước nên nước dâng cao nhanh chóng, một số nhà dân vùng thấp trũng ở Lệ Thuỷ đã bị ngập.

Ngay ở Đồng Hới, mưa lớn dồn dập đã làm cho nhiều tuyến đường bị ngập sâu, xe ô tô 4 chỗ ngồi không di chuyển được, lực lượng chức năng đã phải sử dụng biển báo, phân luồng giao thông...

Trước đó, vào đêm 4 rạng sáng 5-9, trên địa bàn tỉnh đã có trận mưa lũ đầu mùa làm toát mồ hôi hột của nông dân toàn tỉnh. Bởi lúc này diện tích lúa hè – thu của tỉnh ta mới thu hoạch non nửa. Cũng may, lượng mưa không quá lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ gây ngập cục bộ một số khu vực như Tuyên Hoá, Đồng Hới...

Ngày 15-9 trời đã khá nhẹ nhõm, mà tình hình mùa màng cũng đã thu hoạch về cơ bản. Theo anh Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng Kỹ thuật nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 1.200 ha lúa hè-thu chưa thu hoạch. Diện tích này phần lớn ở những vùng đất cao nên không bị ảnh hưởng của đợt mưa vừa rồi, có một số diện tích của thành phố Đồng Hới bị ngập nhưng nước sẽ rút nhanh.

Dùng thuyền thu hoạch lúa ở phường Phú Hải (Đồng Hới).
Dùng thuyền thu hoạch lúa ở phường Phú Hải (Đồng Hới).

Tuy vậy, bà con nông dân cũng đang khẩn trương thu hoạch khi vừa chín tới để đề phòng bất trắc. Một số vùng ở Lệ Thuỷ nước ngập nhẹ và cũng đã rút hẳn sau một ngày. Ông Phạm Hữu Thảo, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho biết nước đã rút xuống dưới báo động 1...

Và chúng ta rút ra điều gì?

Qua những trận mưa lũ đầu mùa chúng ta cần rút ra điều gì? Trước hết, những trận mưa như một lời nhắc nhở chúng ta, mùa mưa lũ đã đến, thiên tai đã cận kề. Vâng "khúc dạo đầu" này không chỉ cảnh báo mà đã có tác động đến những công trình phòng, chống lũ trên địa bàn. Lâu ngày nắng ráo nay gặp nước trên các tuyến đê bằng đất sẽ dễ xuất hiện những chỗ bục, mưa xói lở thêm vết nứt, xuất hiện sạt lở...

Nhất là với những công trình đập, hồ chứa “bình dân” do địa phương quản lý. Với những hồ, đập này lượng nước chứa không lớn nhưng  được xây dựng đã lâu với lại kinh phí đầu tư hàng năm để tu sửa thường rất ít, thậm chí không có nên dễ bị xuống cấp, công trình lại ở gần vùng dân cư, khi có sự cố thì rất khó lường những tai họa do nó gây ra.

Vì vậy lúc này vai trò của chính quyền địa phương, ban phòng chống lụt bão các cấp cần phải phát huy, tiến hành chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc để kịp thời phát hiện sớm những sự cố để có biện pháp xử lý kịp thời không để “cái sảy nảy cái ung”. Đối với những công trình lớn do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thuỷ lợi quản lý, theo ông Nguyễn Viết Xuân, Giám đốc Công ty, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra ở cơ sở để nắm bắt tình hình, chỉ đạo xử lý những sự cố... Nhưng trong những ngày này cũng cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các bộ phận rà soát, theo dõi để nắm chắc tình hình...

Đặc biệt với những công trình liên quan đến cắt lũ ở hạ du cần có sự bàn bạc thống nhất với địa phương các phương án xả lũ, lịch xả lũ... để không làm cho nhân dân trong vùng bị động. Những công việc liên quan đến “4 tại chỗ” phải được khởi động trong từng hộ gia đình, từng làng, từng xóm đến thôn, xã...

Có thể nói rằng, một lần nữa chúng ta gặp may. Nói một lần nữa bởi năm ngoái chúng tôi cũng đã đề cập đến vấn đề này. Đó là cũng vào dịp sau lễ 2-9-2011 mưa lớn ở Hà Tĩnh, Nghệ An làm ngập úng nhiều diện tích lúa hè- thu. Lần này cũng vậy, trong những ngày 4,5-9 vừa qua, do ảnh hưởng không khí lạnh và dãy hội tụ nhiệt đới, mưa lớn tập trung ở Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương này. Còn ta lại “thoát”, nói chính xác là bị ảnh hưởng nhưng không quá nặng nề.

Có lẽ chưa biết điều gì xẩy ra nếu trận mưa ngày 4-9 lại gây ngập lụt trên diện rộng ở tỉnh ta như xẩy ra với các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá? Bởi vì lúc đó như đã nói ở trên, diện tích lúa hè- thu mới thu hoạch được 50%, nghĩa là hơn 7 ngàn ha lúa cùng với hồ ao nuôi, hoa màu... đang bị thiên tai đe dọa. Cơm áo, tiền học hành của con cái, thuốc chữa bệnh cho người già của hàng vạn nông dân đang ở cả ngoài đồng.

Trở lại thời điểm được coi là “thảm họa đang treo lơ lửng trên bầu trời”, trong mưa gió chúng tôi đã có chuyến đi về cơ sở. Nhiều địa phương nông dân đang hối hả thu hoạch lúa trong mưa gió. Nhưng hình như một bộ phận khá lớn nông dân lại không sốt ruột như chúng tôi. Tại xã Võ Ninh lúa đã chín mọng nhưng trên đồng không thấy một bóng người. Lên Tân Ninh, tình hình không khác là mấy...Có lẽ người dân cho rằng lụt chưa đến nên chủ quan để mặc cho “cơm áo”... ngoài đồng! Và trong những ngày qua họ đã gặp may, nhưng sự đời đâu phải lúc nào cũng gặp may!?

Từ vấn đề trên, có hai việc cần quan tâm. Thứ nhất là vụ hè- thu phải được gặt sớm trước 5-9 hàng năm. Đây là điều không mới, đã được khuyến cáo từ khi có...lũ. Nhưng là việc không dễ khi mùa vụ ở chúng ta lại bị phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Bởi vậy cần tuân thủ nghiêm túc lịch thời vụ. Nếu có sự cố về thời vụ thì nên chuyển sang canh tác cây, con khác chứ không nên làm rốn lúa hè-thu, nhất là vùng đất thường bị ngập lụt. Vấn đề cơ bản nữa là chọn giống ngắn ngày để rút ngắn thời gian sinh trưởng.

Ngoài bộ giống hiện có, chính quyền và các đơn vị liên quan cũng cần đưa vào thử nghiệm những giống lúa cực ngắn để tránh được lũ một cách chắc chắn trong sản xuất hè- thu. Trong điều kiện biến đổi khí hậu với những diễn biến bất thường của thời tiết, giải pháp lúa tái sinh vẫn là sự lựa chọn tối ưu ở những chân ruộng thấp.

Ông Phạm Hữu Thảo, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho rằng trong những năm tới trong điều kiện thời tiết bất thường thì lúa tái sinh sẽ tạo sự an toàn cho vụ hè –thu. Được biết trước 2-9 hàng năm Lệ Thuỷ cơ bản đã thu hoạch xong lúa tái sinh (vụ hè –thu), đất đang được cày ải chuẩn bị cho vụ đông- xuân...Một vấn đề khác, phải tạo sự chủ động trong thu hoạch, với lúa hè – thu phương châm “xanh nhà hơn già đồng” phải được quán triệt sâu rộng trong nông dân và thực hiện triệt để, tránh tư tưởng chủ quan để rồi phải chịu những thiệt hại do thiên tai.

                                                                        Văn Hoàng









 

,
.
.
.