Làm giàu nhờ biết...thức thời

Cập nhật lúc 07:47, Thứ Bảy, 15/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Từng có thời gian mưu sinh bằng nghề khai thác cát trái phép, ý thức được việc làm sai trái của mình và nhờ sự khuyên bảo, vận động của chính quyền địa phương, anh Dương Mạnh Hùng, ở thôn Sông Chứa, xã Hòa Trạch (Bố Trạch) đã mạnh dạn từ bỏ hẳn nghề “sa tặc”, chuyển sang đầu tư phát triển trang trại tổng hợp. Lối rẽ “thức thời” này của anh đã mang lại cuộc sống sung túc cho gia đình.

Một thời làm “sa tặc”.

Sinh ra ở xã Đồng Trạch đất chật, người đông, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên từ nhỏ Dương Mạnh Hùng đã phải theo ba mẹ kiếm sống ở nhiều nơi. Mong muốn tìm được nơi thuận lợi hơn để lập nghiệp, gia đình anh đã chuyển đến thôn Sông Chứa, xã Hòa Trạch, cách chỗ ở cũ của gia đình gần 20 km. Nhưng ở đây cuộc sống vẫn khốn khó trăm bề, mọi người trong gia đình anh đã cố gắng xoay xở, làm đủ nghề mà vẫn không đủ cái ăn, cái mặc. Là con trai lớn trong gia đình, đã có vợ con nên Hùng phải tự lập tìm kế sinh nhai để nuôi sống gia đình.

Năm 2004, thấy việc khai thác cát dưới lòng sông Chứa cho thu nhập cao, dù biết rằng đó là việc làm trái phép, anh vẫn dấn thân hành nghề “sa tặc”. Ban đầu chỉ là khai thác thủ công nhỏ lẻ, nhưng thấy việc khai thác cát ngày càng ăn nên làm ra nên vợ chồng anh thuê người làm, đầu tư trang thiết bị, mua sắm thuyền và hệ thống chuyền tải để khai thác, hút cát từ lòng sông lên bãi tập kết cung cấp cho các đầu nậu trên địa bàn toàn huyện. Chỉ sau hai năm hành nghề, anh đã trở thành một tay "sa tặc" thứ thiệt, được nhiều người biết đến.

Tiếng máy nổ hút cát phát ra inh ỏi hàng ngày ở sông Chứa đã khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân sống hai bên bờ bị đảo lộn. Thậm chí còn đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân  bởi tình trạng sạt lở, nhất là trong mùa mưa lũ. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã rất nhiều lần ra quân truy quét, ngăn chặn, đồng thời khuyên can Hùng sớm từ bỏ nghề khai thác cát trái phép. "Mưa dầm thấm lâu", sau nhiều lần được vận động, giải thích, vợ chồng anh Hùng đã quyết định bán hết máy móc thiết bị khai thác cát, chấm dứt hành nghề “sa tặc”.

Làm giàu từ trang trại

Anh Dương Mạnh Hùng kể rằng, ban đầu để đi đến quyết định chuyển từ nghề khai thác cát sang làm ăn chân chính của hai vợ chồng cũng khó khăn lắm. Không biết phải bắt đầu từ đâu, chăn nuôi, trồng trọt thế nào cho phù hợp với khí hậu, đất đai ở đây.

Thế rồi, việc chuyển đổi hướng làm ăn của vợ chồng anh đã được quyết định khi chị Trần Thị Thía - vợ anh tham gia khóa học kỹ thuật chăn nuôi thú y do UBND xã tổ chức. Sau khi hoàn thành khoá học, nắm được kỹ thuật cơ bản về chăn nuôi gia súc, gia cầm, chị Thía bàn với chồng nên vay vốn đầu tư chăn nuôi để phát triển kinh tế bằng việc nuôi lợn nái và phát triển đàn gia cầm.

Năm 2007, bằng nguồn vốn tích góp được, cùng với vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT huyện, vợ chồng anh Hùng đã lên kế hoạch, thiết kế xây dựng chuồng trại, chọn giống lợn tốt, năng suất chất lượng cao đưa về nuôi. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", sau nhiều năm cần mẫn, làm lụng vất vả, đến nay vợ chồng anh thực sự đã trở thành “ông chủ”, “bà chủ” của trang trại chăn nuôi lợn khá quy mô với tổng số 92 con, trong đó có 80 con lợn thịt, 12 con lợn nái, mỗi năm xuất từ 20 đến 24 lứa lợn con. Cùng với việc nuôi lợn, anh, chị còn phát triển thêm đàn gà, ngan với số lượng hàng trăm con, mỗi năm xuất từ 3 đến 4 lứa cho thu nhập cao...

Không chỉ phát triển chăn nuôi, tận dụng vườn đất rộng vợ chồng anh, chị còn trồng được hơn 300 gốc ổi xá lị theo lối quảng canh, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho kinh tế gia đình. Cùng với chăn nuôi, phát triển sản xuất, vợ chồng anh còn tiếp cận các nhà sản xuất thức ăn có uy tín trên thị trường để hợp đồng làm đại lý, cam kết với hãng cung cấp thức ăn bao tiêu sản phẩm chăn nuôi cho bà con.

Nhờ chí thú làm ăn, hiện nay, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh Hùng thu lãi trên 500 triệu đồng từ sản xuất, kinh doanh. Bằng nguồn lợi thu được từ phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm gia đình anh không những đã thanh toán hết vốn vay ngân hàng, mà còn tích góp được vốn liếng mua sắm tiện nghi đầy đủ trong gia đình, trở thành hộ khá giả ở địa phương. Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, gia đình anh Dương Mạnh Hùng luôn đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi", tiêu biểu của Hội Nông dân huyện Bố Trạch.

                                                                                Anh Tuấn

 

,
.
.
.