Sản xuất công nghiệp khó chạm đích

Cập nhật lúc 07:26, Thứ Ba, 18/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đến nay đã qua hơn hai phần ba chặng đường thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2012, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp ở tỉnh ta chỉ đạt 2.759 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Điều đó cho thấy chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp năm 2012 mà HĐND tỉnh biểu quyết thông qua từ 16-17%, sẽ khó chạm đích.

Có thể nói từ đầu năm 2012 đến nay là thời kỳ nền kinh tế tỉnh ta, trong đó có lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đang gặp phải khó khăn gay gắt chưa từng có trong nhiều năm qua. Theo phán ánh của Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8-2012 tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 12,1% so với tháng 8 năm 2011. Tính chung 8 tháng đầu năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7%  so với cùng kỳ (chỉ tiêu cả năm tăng 16-17%).

Một số ngành công nhiệp chủ lực có tốc độ tăng trưởng chậm hoặc không đạt so với dự kiến như: công nghiệp khai khoáng tăng 10,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,1%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 1,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,9%..
Đặc biệt, có một số dự án công nghiệp chủ lực không phát huy hiệu quả và không duy trì được mức tăng trưởng như: sản xuất xi măng, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,5%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 0,2%, chế biến hải sản giảm 2,2%...

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang hết sức khó khăn về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.  Một số dự án sản xuất công nghiệp có tổng mức đầu tư lớn mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng gặp sự cố về kỹ thuật, thiếu vốn sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế đã có nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản như dự án xi măng Áng Sơn công suất 50 vạn tấn/năm của Công ty cổ phần Cosevco 6, dự án giấy kraf, XN sản xuất nhôm thanh định hình. Nhà máy chế biến cao lanh Bôhemia (được khánh thành và đi vào hoạt động từ cuối năm 2010) cũng chỉ sản xuất và tiêu thụ vài ngàn tấn sản phẩm thô, dây chuyền sản xuất sơn vẫn chưa đi vào hoạt động do chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm... Do vậy nên dự ước giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) 8 tháng đầu năm 2012 thực hiện đạt 2.759 tỷ đồng, chỉ tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Gần 5 triệu viên gạch xây dựng tồn kho.
Gần 5 triệu viên gạch xây dựng tồn kho.

Bên cạnh đó, có nhiều sản phẩm sụt giảm như mực đông lạnh đạt 351 tấn, giảm 11,0%; sản phẩm giấy 4.829 tấn, giảm 3,5%. Sản xuất vật liệu xây dựng và xi măng là một trong những ngành chiếm tỷ trọng lớn của ngành công nghiệp tỉnh ta hầu như không tăng so với cùng kỳ. Một trong những mặt hàng công nghiệp có giá trị cao là cao su mủ khô, nhưng trong thời gian qua sản lượng cao su thu mua và khai thác không đạt kế hoạch, đặc biệt giá cao su giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2011, nên ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra một số mặt hàng xuất khẩu khác có giá giảm như nhựa thông, dăm gỗ, gỗ các loại... cũng làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành công nghiệp.

Trong nhiều nguyên nhân làm cho giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp, có nguyên nhân  là nguồn vốn huy động cho đầu tư, sản xuất gặp nhiều khó khăn, hạn mức tín dụng cho vay của ngân hàng thấp, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đều vay ở ngân hàng với lãi suất cao nên khó duy trì được sản xuất.
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc kế hoạch năm 2012, việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp 16-17% mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra quả là xa vời. Vấn đề đặt ra là cần có những cú "hích" hữu hiệu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp mới hy vọng nâng cao tốc độ tăng trưởng lên.

Trước hết các ngành chức năng cần chỉ đạo thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp như: giảm 50% tiền thuê đất năm 2011 và 2012, thực hiện gia hạn, miễm, giảm thuế,... Trước mắt Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai các nhóm giải pháp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đặc biệt vai trò của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình rất quan trọng, cần tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương hạ lãi suất cho vay ở ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

                                                                             Tr. Thái








 

,
.
.
.