.

Cái chữ ở Trường Sơn

Thứ Tư, 14/12/2016, 09:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Trường Sơn là cái tên mà khi nhắc đến người ta biết đó là dãy núi hùng vĩ đi qua nhiều đại ngàn của miền Trung và Tây Nguyên. Nhưng ở miền tây huyện Quảng Ninh, có một địa danh xã mang tên Trường Sơn. Con chữ ở Trường Sơn thật khó khăn, dân bản nói kiếm chữ khó như đi lên mây, mà thầy cô cũng vượt mây về với đồng bào...

Thế giới khác ở Dốc Mây, Ploang, Rìn Rìn

Xã Trường Sơn lọt thỏm giữa tứ bề núi non, người Vân Kiều và một số ít người Kinh sống trong một lòng chảo nhỏ hẹp ở cụm trung tâm rồi tỏa đi bốn hướng khác theo địa hình sông suối của thượng nguồn Long Đại với 20 bản làng. Xa thẳm là bản Dốc Mây, mất một ngày đi bộ, leo từng đỉnh núi đá tai mèo nhọn hoắt, không điện, không đường. Bản chỉ có 20 hộ dân.

Trưởng bản Hồ Văn Hải đưa cho tôi một danh sách các hộ dân đi nhận quà từ thiện, hơn một nửa phải điểm chỉ. Hải nói: "Ở trong này ngày xưa mù chữ nên phải điểm chỉ, đường sá cách trở. Người lớn ít chữ nên vậy thôi".

Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Mặt trận xã Trường Sơn kể: "Thế hệ trước ở Dốc Mây không biết chữ nên họ ý thức cần thay đổi tư duy, vì thế mà bà con yêu cầu mở các lớp tiểu học ở đây, Bộ đội Biên phòng cùng phối hợp với Trường tiểu học Long Sơn dạy chữ cho con em ở bản thiệt thòi này".

Bằng chứng của ý thức ấy là anh Tráng mở máy ảnh cho tôi xem chuyện chưa bao giờ diễn ra, vào hai năm trước, khi nghe nhà trường tặng các bộ bàn ghế để vào mở điểm trường Dốc Mây, cả 20 hộ dân cử đàn ông, đàn bà vượt đá tai mèo gùi bàn vào để con em có chữ. Lạ, vì sao ở bản có rừng, sẵn gỗ không đóng mà phải gùi vào, anh Tráng giải thích, họ bảo vệ rừng thiêng của họ. Và thành quả bây giờ là đã có 15 cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, học chung trong phòng học không được kiên cố nhưng với trưởng bản Hải thì đó là: "Cả một thế giới học hành rồi, chừ bản mình đã có 5 đứa học cấp 2 ở trung tâm xã rồi".

Dốc Mây theo người Vân Kiều giải thích là đường lên mây trời để tả cái sự khó khăn độc đạo mà không có phương tiện nào có thể vượt qua. Chỉ duy nhất đi bộ lội rừng. Mùa hè đi được, mùa mưa lũ phải 9 lần bơi suối mới có thể ra với trung tâm xã. Chung cảnh như thế còn bản Ploang, bản Rìn Rìn, không điện, không đường, nhưng cũng có các điểm trường ở hai bản phải lội bộ ngược rừng. Nơi ấy, vị khách thân quen là các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, một số thầy giáo dạy chữ và cán bộ xã. Anh Tráng cho biết thêm, ngày trước, cả ba bản này để có học sinh đi học, phải vận động, đả thông tư tưởng thâu đêm suốt ngày khi vào với đồng bào, ngày nay, người Vân Kiều biết con chữ thay đổi nhận thức, họ động viên con em phải học chữ để thế hệ sau nhất quyết không mù chữ, nhất quyết phải có ích cho bản.

Người về từ Hôi Rấy-Nước Đắng

Hai ngôi bản cũng xa khuất mây núi là Hôi Rấy và Nước Đắng với 68 hộ người Vân Kiều. Muốn vào đây chỉ có độc đạo xuôi thuyền theo 7 ngọn thác lớn nhỏ nguy hiểm để gặp những khuôn mặt giữa núi rừng hoang vu. Người Vân Kiều ở đây nâng niu con chữ như chính bản quán đất đai tổ tiên của họ.

Điểm trường Hôi Rấy thật ấn tượng như anh Tráng thông tin: "Bà con Vân Kiều thấy không có phòng học cho các cháu mẫu giáo, họ đã cùng nhau thuê thuyền lên xã, cử trưởng bản kiên trì đề nghị xã lập ra điểm trường mầm non Hôi Rấy". Trưởng bản Hồ Văn Ba lý giải: "Con người phải được giáo dục từ đầu, ngày xưa mình không được học mầm non, thiếu nhiều, chừ bọn trẻ cần phải học mầm non để được dạy dần tính nết con người". Thật ra, sâu thẳm của người Vân Kiều đang khó khăn ở đây, con em họ không thể mỗi ngày chơi đùa với lấm lem bụi đất nương rẫy, mà chúng cần được học hành để còn đến với cái chữ, không như trước đây nhiều thế hệ đã từng không biết chữ.

 Đã có 4 con em Vân Kiều trở thành giáo viên về dạy chữ cho lớp sau ở xã Trường Sơn biên giới.
Đã có 4 con em Vân Kiều trở thành giáo viên về dạy chữ cho lớp sau ở xã Trường Sơn biên giới.

Cơ sở vật chất không có, muốn xây một điểm trường ở vùng biệt lập cực kỳ tốn kém kinh phí, vậy là dân bản họp lại, đề xuất có hộ ông Hồ Kên đưa vợ con vào xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) làm ăn, căn nhà không ai ở nên mượn để làm điểm trường mầm non trước ngọn núi Hiểm. Kên gật đầu, huyện cử về hai cô giáo trẻ măng của thế hệ 9X là Trần Thị Hồng và Trương Thị Trang. Chỗ học của 18 học sinh mầm non là mái lợp bờ rô xi măng, tường dựng blog đúc, cửa bằng mấy tấm ván ghép lại, chỗ ngủ của giáo viên cũng là nơi các cháu sinh hoạt làm từ mấy tấm ván dân bản đóng góp. Đạo cụ học tập là giấy màu hai cô giáo trẻ tự cắt dán ở các góc tường. Một ít ghế nhựa được đưa về, không nhà vệ sinh, Trang và Hồng thưng lại mảnh bạt để dùng nơi rửa ráy cho các cháu. Thế mà lớp học rất nên thơ dưới bóng núi Hiểm, có người lạ vào, các cháu tự giác đứng lên vòng tay chào lễ phép. Trưởng bản tâm sự: "Khó khăn lắm, khó khăn lắm, nhưng bản mình chừ có được 24 học sinh tiểu học đang học điểm trường Hôi Rấy. Có 9 cháu học cấp 2, và 9 cháu tốt nghiệp 12. Bản mình được xem là bản hiếu học đấy. Có cháu đã làm được thợ may ở Công ty May 10 tại thị trấn Quán Hàu, nhận lương đàng hoàng đấy".

Ở Hôi Rấy hay Nước Đắng cũng chả có điện, không hề có đường từ bên ngoài đi vào. Con đường ra với thế giới là con đường chữ nghĩa của những thầy cô vào đây dạy học. Nếu miền xuôi nỗ lực một thì ở đây phải nỗ lực cả ngàn lần mới có được con chữ trong tình thế éo le núi đồi hiểm trở.

Thành quả bước đầu

Giữa khó khăn của xã Trường Sơn, có một người thầy mà 20 bản làng ở đây ai cũng biết, thầy giáo Trần Minh Tâm có thâm niên 20 năm cắm bản, gần như một bản đi một năm nếu tính bình quân. Hôm chúng tôi vào Hôi Rấy, thầy Tâm đang dạy lớp 1. Hồ Văn Ba nói: "Hồi trước, thầy trẻ lắm, lên đây lội bộ, đi thuyền, mình được thầy dạy. Sau đó thầy đi bản khác, nay thầy trở lại dạy con cháu của mình. Sức thầy 20 năm rồi, nay đã có tuổi, tóc điểm bạc phần nào rồi. Đồng bào ở đây biết ơn thầy Tâm lắm. Cái chữ đến từ cuộc sống khó khăn, nên bản nào có sắn thì mời thầy, bản nào có ngô cũng mời thầy. Có những người như thầy Tâm mà con em Vân Kiều nơi này đang dần biết thêm về kiến thức".

Anh Tráng giở sổ ra nói với tôi: "Ngày xưa kiếm ra giáo viên bản địa thật khó, nay thì con em Vân Kiều đã làm thầy cô giáo, đó là thành quả đầu tiên mà nhìn lại phải vượt qua vô vàn khó khăn về nghịch cảnh địa bàn". Hiện có 4 người con của anh em Vân Kiều làm giáo viên, Hồ Văn Quang bản Cổ Tràng dạy giáo dục công nhân THCS, Hồ Thị Lành ở bản Đá Chát dạy địa lý THCS, Hồ Thị Nhẫn bản Thượng Sơn dạy mầm non ở trung tâm, Hồ Thị Ninh bản Đá Chát dạy tiểu học. Đấy là những hạt mầm cho hơn 300 học sinh tiểu học Vân Kiều và hơn 200 học sinh THCS Vân Kiều của xã noi gương để vượt qua khắc nghiệt của Trường Sơn để phấn đấu, noi gương cho một hy vọng tương lai.

Minh Phong