.

Công đoàn Giáo dục Lệ Thủy: Quan tâm đời sống cô nuôi mầm non

Thứ Sáu, 02/12/2016, 09:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, Công đoàn Giáo dục Lệ Thủy luôn sát cánh, đồng hành cùng chuyên môn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống nhà giáo trong toàn ngành, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo trên địa bàn. Trong đó phải kể đến việc quan tâm các chế độ chính sách đối với cô nuôi mầm non trong các trường công lập – đây là một mô hình hay mà nhiều địa phương trong tỉnh cần học hỏi kinh nghiệm...

Công đoàn Giáo dục Lệ Thủy (CĐGDLT) hiện có 92 đơn vị, với 2.685 đoàn viên và lao động, trong đó nữ 2.205 người (chiếm 81,7%).

Thầy giáo Lê Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Lệ Thủy trao đổi: Công đoàn ngành luôn xác định, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức Công đoàn; trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong toàn ngành, giúp đoàn viên công đoàn yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Riêng trong năm học 2015-2016, nhiều đoàn viên được nâng lương trước thời hạn, nâng lương định kỳ, thâm niên nghề nghiệp, hơn 140 giáo viên mầm non được truy đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), hơn 550 giáo viên, nhân viên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Hiện nay ở Lệ Thủy không khí dân chủ ở các trường học đã được chú trọng hơn, trong sinh hoạt, các đơn vị đã dành nhiều thời gian để đoàn viên lao động được đối thoại trực tiếp với thủ trưởng đơn vị.  

Đặc biệt, thời gian qua CĐGDLT đã nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện một số chế độ tạm thời đối với cô nuôi trong các trường mầm non có tổ chức bán trú trên địa bàn huyện. Đây là điểm mới trong hoạt động Công đoàn của ngành Giáo dục Lệ Thủy.

Năm học 2015-2016, ngành Giáo dục Lệ Thủy có 30 đơn vị MN, với 80 điểm trường (trong đó có 16 điểm trường vùng đặc biệt khó khăn); tổng số trẻ và mẫu giáo có 8.468 cháu (các cháu ăn bán trú tại trường chiếm 97,2%); nhu cầu số lượng cô nuôi trong năm học là 137 người.

Trên thực tế các trường mầm non trên địa bàn Lệ Thủy đều có tổ chức bếp ăn cho các cháu, vì vậy nhu cầu nhân viên dinh dưỡng (cô nuôi) là không thể thiếu. Tại điều 21 của Luật Giáo dục ghi rõ: Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi. Chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc do nhân viên dinh dưỡng, hay còn gọi là giáo viên dinh dưỡng, cô nuôi đảm nhiệm. Vì vậy, cô nuôi đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện chương trình, mục tiêu giáo dục của cấp học trong các trường học mầm non.

Các cô giáo mầm non nỗ lực khắc phục hậu quả lũ kép vừa qua.
Các cô giáo mầm non nỗ lực khắc phục hậu quả lũ kép vừa qua.

Thầy Thành cho biết thêm: Từ năm học 2014-2015 trở về trước, chế độ cô nuôi trên địa bàn huyện không ổn định, thu nhập cô nuôi chủ yếu phụ thuộc vào công tác xã hội hóa theo từng ngày thực tế đi học của trẻ (nếu trẻ nghỉ học nhiều thì cô nuôi giảm tiền thu nhập), bên cạnh đó một số chính sách xã hội, quyền lợi chưa được quan tâm. Trước tình hình đó, Phòng GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch họp bàn đề ra giải pháp khắc phục và tham mưu lãnh đạo các cấp hưởng ứng, thực hiện. Với quyết tâm đó, ngày 17-12-2014, HĐND huyện khóa XIX, kỳ họp thứ 13 đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 60/2014/NQ-HĐND về việc quy định tạm thời một số chế độ cô nuôi ngoài biên chế trong các trường mầm non công lập có tổ chức bán trú. Sau khi nghị quyết được ban hành thì UBND huyện tiếp tục ban hành Quyết định số 7888/QĐ-UBND về việc quy định tạm thời một số chế độ cô nuôi ngoài biên chế trong các trường mầm non công lập có tổ chức bán trú. Từ khi có quy định trên, chế độ cô nuôi được cải thiện, thu nhập ổn định, được tham gia một số khoản đóng góp theo quy định như: BHXH, BHYT...

Nhưng trong quá trình thực hiện từ đó đến nay vẫn gặp một số khó khăn nhất định như: BHXH tỉnh không cho triển khai mức đóng hệ số 1.0; cô nuôi vẫn chưa tham gia hết các khoản đóng góp theo quy định... Trước những khó khăn đó, ngày 26-7-2016, HĐND huyện khóa XX, kỳ họp thứ 2 tiếp tục nhất trí thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại quy định kèm theo của Nghị quyết 60/2014/NQ-HĐND về việc quy định tạm thời một số chế độ cô nuôi ngoài biên chế trong các trường mầm non công lập có tổ chức bán trú. Trong đó đã tập trung giải quyết được một số nội dung quan trọng như: Về thu nhập, bảo đảm thu nhập tối thiểu của 1 tháng là: đối với người có trình độ trung cấp trở lên: mức lương cơ sở  x 1,86; đối với người có trình độ sơ cấp: mức lương cơ sở x 1,35 (và được điều chỉnh theo mức tăng lương cơ bản tối thiểu của Nhà nước qua hàng năm).

Về tham gia các khoản đóng góp, chủ sở hữu lao động và người lao động có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các khoản đóng góp theo quy định hiện hành (bao gồm BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí Công đoàn). Thời gian tham gia các khoản đóng góp: tùy thực tế công việc, nhưng sớm nhất từ 1-8 hàng năm và kết thúc vào ngày 31-5 năm tiếp theo (tối đa 10 tháng/năm học/ cô nuôi).

Đồng thời các đơn vị trường học đã nhận được nguồn hỗ trợ của UBND huyện để tham gia các khoản đóng góp cho người lao động, với mức hỗ trợ tùy theo từng vùng: đối với vùng thuận lợi, mỗi cô nuôi được hỗ trợ 200.000 đồng/ tháng, tối đa là 10 tháng/người/năm. Đối với vùng núi thấp, ven biển, bãi ngang, mỗi cô nuôi được hỗ trợ 560.000 đồng/tháng, tối đa là 10 tháng/người/năm. Đối với 3 xã đặc biệt khó khăn, mỗi cô nuôi được hỗ trợ 1.475.000 đồng/tháng, tối đa là 10 tháng/người/năm.

Như vậy, đến nay (tính từ năm học 2015-2016) các cô nuôi tại các trường mầm non trên địa bàn huyện Lệ Thủy đều có thu nhập khá ổn định từ ba nguồn thu chính: xã hội hóa từ đóng góp của phụ huynh, trích một phần từ ngân sách của đơn vị sử dụng lao động, UBND huyện hỗ trợ. Hiện nay, tổng thu nhập của một cô nuôi với mức lương dao động từ khoảng 2.200.000 đồng đến 2.700.000 đồng và được tham gia các khoản đóng góp: BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí Công đoàn.

“Để công khai minh bạch ngay từ đầu năm học, các đơn vị dựa vào số lượng cháu để xác định được số lượng cô nuôi và gửi hồ sơ về UBND huyện phê duyệt, trên cơ sở đó các đơn vị triển khai làm hợp đồng lao động. Hiện nay, thu nhập của cô nuôi trên địa bàn Lệ Thủy tuy chưa cao nhưng cơ bản đã ổn định và đặc biệt là đã nhận được sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND, UBND và các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân cùng chung tay chăm lo để chế độ cô nuôi ngày một ổn định và cải thiện, được tham gia các khoản đóng góp theo quy định. Cô nuôi đã thực sự trở thành đoàn viên Công đoàn, tạo được tâm thế yên tâm trong công tác. Chính sự quan tâm đó đã góp phần thực hiện tốt chương trình, mục tiêu giáo dục của cấp học trong các trường học mầm non hiện nay” - thầy Thành chia sẻ.   

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài các cô nuôi mầm non của ngành GD-ĐT Lệ Thủy cũng như trong toàn tỉnh rất mong các cấp, các ngành quan tâm giải quyết về chế độ cho cô nuôi ở các trường mầm non có tổ chức bán trú trên địa bàn tỉnh. Từ đó, giúp các cô nuôi ổn định về thu nhập, được tham gia đầy đủ các khoản đóng góp theo quy định và hơn hết là để họ yên tâm cống hiến sức lực của mình nuôi dưỡng thế hệ mầm non tỉnh nhà.

Nội Hà