.
Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2015):

Nguyện làm theo tấm gương của Bác

Thứ Hai, 02/02/2015, 14:34 [GMT+7]

(QBĐT) - “Người cán bộ công bộc của dân”-đó là lời nhận xét gần gũi, thân thiết của đông đảo người dân trong xã đối với đồng chí Nguyễn Khánh Hòa (sinh năm 1983), cán bộ văn hóa-xã hội xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch.

Đảng viên Nguyễn Khánh Hòa.
Đảng viên Nguyễn Khánh Hòa.

Sinh ra và lớn lên ở xã Phúc Trạch, một xã có gần 90% người dân theo đạo công giáo, cùng với việc học giáo lý, giáo luật Thiên chúa, từ khi cắp sách đến trường Nguyễn Khánh Hòa được tiếp cận, tìm hiểu về tấm gương đạo đức của Bác. Tháng 9-2009, về công tác tại UBND xã Mỹ Trạch, trong quá trình làm việc anh thường xuyên được tham gia các đợt sinh hoạt chính trị, tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Qua các hội nghị quán triệt chuyên đề về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng ủy xã tổ chức và tìm hiểu sách báo, tài liệu, các tác phẩm chính trị, văn học của Bác, đặc biệt từ khi thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh càng khâm phục hơn tấm gương đạo đức của Bác. “Nhân cách của Người thật cao cả, nhưng cũng thật gần gũi bởi được bắt nguồn từ những hành động, những việc làm cụ thể, thiết thực trong công tác, sinh hoạt hàng ngày” - Nguyễn Khánh Hòa chia sẻ.

Qua quá trình phấn đấu của bản thân, tháng 10-2011, Nguyễn Khánh Hòa được đứng vào hàng ngũ của Đảng, anh càng ý thức sâu sắc hơn về công việc và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trẻ. Anh luôn vận động gia đình, bà con lối xóm cùng thực hiện theo lời dạy của Bác: dù lương hay giáo cũng là con của dân tộc Việt Nam, phải luôn đoàn kết lương giáo, sống tốt đời đẹp đạo.

Nguyễn Khánh Hòa tâm sự: Khi được về công tác ở xã Mỹ Trạch, ban đầu rất bỡ ngỡ, bởi vốn am hiểu về tình hình địa phương, kinh nghiệm trên lĩnh vực công tác chưa có, những phong tục tập quán địa phương cũng khác lạ so với nơi tôi sinh ra... Vì vậy, tôi luôn tự nhủ, mình phải cố gắng thật nhiều để nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở đây nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mỹ Trạch là địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đời sống kinh tế của người dân còn thấp, chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (năm 2010 là 36,38%).

Mặt khác, trong nhân dân tâm lý muốn sinh con trai khá phổ biến nên công tác dân số - KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn... đây thực sự là những trở ngại lớn trong công tác phát triển văn hóa ở xã Mỹ Trạch. Từ khi triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đến năm 2010, xã Mỹ Trạch vẫn chưa có thôn nào được công nhận danh hiệu làng văn hóa.

Trước thực tế đó, sau nhiều trăn trở, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo xây dựng làng văn hóa. Là một công chức văn hóa-xã hội, anh trực tiếp tham mưu UBND xã xây dựng đề án “Xây dựng làng văn hóa giai đoạn 2011-2015” và chọn từng thôn để tập trung chỉ đạo. Anh chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thành công nhiều hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ, các giải thi đấu thể dục thể thao nhân dịp lễ, tết... tạo không khí sôi nổi trong đời sống nhân dân địa phương.

Phong trào đã thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cấp cơ sở cùng quyết tâm xây dựng làng văn hóa. Đồng thời, công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa-xã hội ngày càng được chú trọng. Nhất là công tác dân số-KHHGĐ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi đã nhận thức được việc hạn chế sinh con thứ ba trở lên, loại bỏ tâm lý trọng nam khinh nữ; kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế gia đình, tham gia giữ gìn an ninh trật tự...

Vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, từng bước phát triển. Sau một năm thực hiện đề án, cuối năm 2011, xã Mỹ Trạch vinh dự có hai thôn được công nhận làng văn hóa cấp huyện; và đến thời điểm này đã có 6/7 thôn được công nhận.

Mỹ Trạch cũng là một địa phương điển hình trong thực hiện Chương trình 167 về xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Để thực hiện chương trình có hiệu quả, Nguyễn Khánh Hòa đã chủ động đề xuất, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đến từng nhà dân ở các thôn để khảo sát, tham mưu cho UBND xã xem xét, sàng lọc đối tượng và lập danh sách các đối tượng khó khăn. Trong quá trình triển khai chương trình, anh luôn theo sát để động viên, giúp đỡ để các hộ nghèo có căn nhà vững chãi. Chỉ trong một thời gian ngắn, 86/86 hộ nghèo được xây dựng nhà ở đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Với kết quả đó, năm 2012, xã Mỹ Trạch là địa phương duy nhất của huyện Bố Trạch được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 giai đoạn I.

Nguyễn Khánh Hòa còn được UBND xã giao phụ trách công tác BHYT hộ cận nghèo. Anh đã chủ động sắp xếp thời gian gặp gỡ bà con để tuyên truyền thuyết phục, chỉ rõ những lợi ích thiết thân của thẻ BHYT mang lại... Từ đó, bà con đã dần thay đổi suy nghĩ, tự nguyện tham gia ngày càng đông. Mặc dù là một xã bãi ngang điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng hàng năm số lượng người tham gia BHYT luôn cao nhất huyện, đạt con số trên 1.000 người tham gia. Với những cố gắng của mình, năm 2011, anh được Bảo hiểm xã hội tỉnh tặng giấy khen về thực hiện tốt công tác BHYT.

Đồng chí Trần Tiến Sỹ, Phó Bí thư Huyện ủy Bố Trạch cho biết: Từ sự tôn kính đối với nhân cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý thức rèn luyện của bản thân, đảng viên trẻ người công giáo Nguyễn Khánh Hòa đã nỗ lực học tập, rèn luyện đạo đức cá nhân của mình theo tấm gương đạo đức của Bác. Dù thời gian công tác chưa dài, nhưng những kết quả bước đầu trong việc học tập và làm theo Bác sẽ là động lực, là cơ sở để bản thân anh tiếp tục có nhiều việc làm thiết thực hơn trong thời gian tới, góp phần cống hiến sức trẻ của mình vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên quê hương Mỹ Trạch anh hùng.

Nội Hà