.
Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2015):

Sức sống mới ở Tân Thủy

Chủ Nhật, 01/02/2015, 14:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi về Tân Thủy (Lệ Thủy) vào một ngày giáp Tết Ất Mùi. Nắng trải vàng rực rỡ trên những con đường làng được bê tông khang trang, cùng với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi đã tạo ra một sắc diện mới cho vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây, đêm 17-11-1931, Mỹ Thổ-Trung Lực, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Lệ Thủy được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng cuộc sống mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lệ Thủy.

Âm vang truyền thống cách mạng

Lịch sử Ðảng bộ huyện Lệ Thủy ghi lại: Ðầu năm 1931, phong trào cách mạng ở tỉnh Quảng Bình phát triển mạnh mẽ. Ở vùng phía nam của tỉnh, một số thanh niên yêu nước, có chí hướng cách mạng đã tìm cách liên lạc với tổ chức Ðảng. Ðêm 17-11-1931, chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên ở phía nam tỉnh Quảng Bình được thành lập tại miếu Thành hoàng Mỹ Thổ - Trung Lực. Chi bộ gồm ba đồng chí là Lê Thuận Chất, Lê Thuận Sản và Nguyễn Ðông. Ðây là những đảng viên - “hạt giống đỏ” đầu tiên của Ðảng ở vùng nam Quảng Bình.

Ngay sau khi thành lập, các đảng viên đã mang tài liệu của Ðảng về các xã tuyên truyền cho những nông dân yêu nước, kêu gọi nông dân đoàn kết, đứng lên lật đổ ách thống trị của quan lại, địa chủ tại địa phương. Chi bộ Đảng đã tổ chức được bảy tổ "Nông hội đỏ" với 21 người nhằm tập hợp nông dân tham gia cách mạng ở địa phương.

Ðến tháng 6-1932, chi bộ Mỹ Thổ - Trung Lực có 9 đảng viên, đồng thời thành lập thêm đội xích vệ, chuyển tải nhiều tài liệu tuyên truyền của Ðảng đến với quần chúng. Chính từ Tân Thủy, những "hạt giống đỏ" này đã nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh giành độc lập, phá bỏ áp bức nô lệ, lãnh đạo nhân dân các địa phương phía nam của tỉnh đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân.

Chi bộ đã lãnh đạo tổ chức nhiều cuộc mít tinh và đấu tranh trực diện với bọn địa chủ trong làng, thu hút hàng trăm quần chúng tham gia vạch trần tội ác của bọn thực dân, cường hào, ác bá, khơi dậy lòng căm thù giặc trong nhân dân; vừa chăm lo phát triển tổ chức và kết nạp đảng viên mới. Nhờ vậy, chi bộ Mỹ Thổ - Trung Lực đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra các vùng khác trong huyện.

Diện mạo mới của làng quê Tân Thủy.
Diện mạo mới của làng quê Tân Thủy.

Nhiều đồng chí đảng viên của chi bộ đã tích cực móc nối, giác ngộ, giáo dục, rèn luyện, giúp đỡ những người yêu nước ở các vùng lân cận, nên đã có sự ảnh hưởng rất lớn đến việc ra đời của các chi bộ như Văn Xá, Châu Xá vào năm 1933. Tiếp đến là một số các chi bộ khác như Thạch Bàn - Phú Thọ, An Xá,  Quy Hậu - Mỹ Trạch, Xuân Lai - Quảng Cư ...

Từ đó, các chi bộ Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng mà đỉnh cao là lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở Lệ Thủy trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đồng thời làm tiền đề cho sự ra đời của Đảng bộ huyện vào ngày 20-10-1945.

Sức sống mới ở Tân Thủy

Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Thủy đã nỗ lực vươn lên xây dựng tổ chức Đảng ngày càng vững mạnh, đồng thời đề ra các giải pháp phát triển kinh tế hợp lý để xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới.

Đồng chí Lê Quốc Khanh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ xã tích cực thực hiện trong những năm qua là không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Để làm được điều này, công tác giáo dục chính trị tư tưởng được xem là khâu rất quan trọng; các mặt công tác tổ chức, kiểm tra giám sát và phân loại tổ chức Đảng, đảng viên cũng phải được thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc để làm sao mỗi một cán bộ, đảng viên luôn có ý thức nâng cao năng lực công tác, tích cực tham gia phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Từ xuất phát điểm chỉ có 3 đảng viên của ngày đầu mới thành lập, đến nay, Đảng bộ xã Tân Thủy đã có 476 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 19 chi bộ. Kết quả phân loại cuối năm 2014 vừa qua cho thấy hầu hết tổ chức Đảng, đảng viên đều hoàn thành nhiệm vụ.

Đi trên những con đường làng được bê tông hóa khang trang của xã Tân Thủy hôm nay, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay rất rõ trong đời sống của người dân cả về tinh thần lẫn vật chất. Số liệu thống kê của UBND xã cho thấy, hiện tại thu nhập bình quân đầu người của địa phương đã đạt con số 19,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tốc độ tăng trưởng đạt 10,6%. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 đạt trên 5,4 tỷ đồng. Đây là con số thể hiện sự phát triển khá nhanh về kinh tế của một xã vốn nghèo như Tân Thủy.

Ông Nguyễn Danh Lập, Trưởng thôn Tân Lực (nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Lệ Thủy) cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song về cơ bản người dân nơi đây luôn nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống với một khát khao vượt qua đói nghèo rất đáng trân trọng. Thôn Tân Lực hiện có 86 hộ dân với hơn 420 nhân khẩu, dù số hộ giàu chưa có nhưng chỉ có 3 hộ nghèo.  Hầu hết người dân trong thôn đều biết tận dụng tối đa lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất bằng các mô hình kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi.

Tiêu biểu là các hộ gia đình ông Lê Văn Quyền, Nguyễn Hữu Hưng, Lê Văn Sỹ... có thu nhập bình quân hàng chục triệu đồng/năm. Thống kê đến thời điểm hiện tại, thôn Tân Lực có trên 1.000 con lợn, ước thu 60 tấn thịt/năm; đàn trâu bò gần 100 con và hơn 8 ngàn con gia cầm.

Hôm chúng tôi có mặt tại đây, niềm vui đang ngời lên trên từng ánh mắt của người dân Tân Lực khi tuyến đường nội thôn vốn lầy lội từ hàng chục năm qua đã được bê tông khang trang, nhà văn hóa thôn cũng vừa được khánh thành với khuôn viên rộng rãi, giúp nhân dân có nơi sinh hoạt vui tươi, lành mạnh. Tân Thủy-vùng quê giàu truyền thống cách mạng của huyện Lệ Thủy đang đổi thay từng ngày.

Nguyễn Hoàng