.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những ngày đầu đến Lào Cai

Thứ Bảy, 31/01/2015, 20:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong cuộc đời cách mạng, người anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần lên Lào Cai. Nhưng có lẽ lần đầu tiên đặt chân đến Lào Cai cũng là những ngày mở ra bước ngoặt mới trong tiểu sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tìm hiểu hồi ký của Đại tướng và các nhà hoạt động cách mạng đương thời, chúng tôi cố gắng dựng lại các sự kiện lịch sử khi đồng chí Võ Nguyên Giáp đến Lào Cai năm 1940.

Một ngày đầu tháng 5 năm 1940, sau giờ lên lớp ở Trường tiểu học tư thục Thăng Long, đồng chí Dương Hoài Nam (bí danh của bác Võ Nguyên Giáp sau này) chia tay người vợ Nguyễn Thị Quang Thái và con gái Võ Hồng Anh, đi tàu lên Lào Cai. Trong hồi ký "Từ nhân dân mà ra" viết năm 1964, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: "Năm giờ chiều, tan học. Tôi lững thững đi về phía Hồ Tây như một người dạo mát. Hoa phượng nở đỏ trên vòm cây. Tiếng ve sầu kêu ra rả. Tôi vừa đi, vừa để ý nhìn trước, nhìn sau xem có mật thám theo dõi không.

May sao chiều hôm đó, không thấy bóng dáng bọn chúng. Từ ngày địch bắt đầu khủng bố, trước khi tôi gặp anh Hoàng Văn Thụ, các anh cũng đã cho biết là tôi sẽ chuyển vào hoạt động bí mật. Trong nhiều lần trao đổi ở gia đình, chị Thái cũng rất muốn đi hoạt động bí mật. Nhưng chúng tôi khi đó mới có cháu nhỏ chưa đầy năm, chưa nhờ ai nuôi được. Chị Thái hẹn khi nào gửi được con, sẽ đi sau.

Đến đường Cổ Ngư, qua đường Trần Võ, tôi thấy chị Thái ẵm cháu Hồng Anh đã đứng đợi ở một gốc cây vắng người. Chị Thái rơm rớm nước mắt, thỉnh thoảng lại quay về phía hồ để mọi người khỏi chú ý. Tôi nói với chị Thái, ở nhà giữ liên lạc với các anh, tiếp tục công tác, cố gửi gắm Hồng Anh để đi bí mật. Chị Thái nhắc tôi, hết sức giữ gìn sức khỏe và cẩn thận trong khi hoạt động, gắng tìm cách cho nhà biết tin.

Một đôi người quen đi ngang chào hỏi, tưởng chúng tôi đang đứng hóng mát. Chúng tôi đang nói chuyện thì có tiếng người hỏi phía sau:

- Thầy cô đi xe không?

Tôi quay lại thấy anh giáo Minh kéo một chiếc xe tay đứng đợi. Tôi chia tay chị Thái lên xe, không ngờ phút chia tay đó là phút vĩnh biệt".

Trong hồi ký "Từ nhân dân mà ra", Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ cho biết đó là một buổi chiều thứ sáu đầu tháng 5 năm 1940, nhưng không biết rõ là ngày nào. Sau này, nhà sử học Mỹ Cecil B.Curey, trong tác phẩm "Chiến thắng bằng mọi giá - thiên tài quân sự Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp" (NXB thế giới, sản xuất năm 2013) có cho biết, ngày hôm đó là ngày mùng 3 tháng 5 năm 1940. Sáng sớm ngày mùng 4 tháng 5, Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) và Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) ra ga đầu cầu Long Biên lên xe lửa lên Lào Cai.

Đồng chí Bùi Thanh Bình (Bùi Đức Minh, tức giáo Hách) là người phụ trách đường dây liên lạc giữa Trung ương Đảng với chi bộ Vân Quý (chi bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động ở Vân Nam - Quý Châu, Trung Quốc) trực tiếp lấy vé cho các đồng chí Dương Hoài Nam, Lâm Bá Kiệt lên Lào Cai. Đến chiều ngày mùng 4 tháng 5, các đồng chí nghỉ đêm tại Yên Bái. Sáng ngày 5 tháng 5, đồng chí Bùi Thanh Bình đưa các đồng chí Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) lên Lào Cai.

Tỉnh Lào Cai là một tỉnh biên giới, nên thời điểm này thực dân Pháp và bọn tay sai quản lý rất gắt gao, ngăn chặn các nhà yêu nước Việt Nam vượt biên giới sang Trung Quốc. Vì vậy, đồng chí Bùi Thanh Bình cùng dẫn đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp không xuống ga Lào Cai mà xuống ga trước là ga Phố Mới nhằm che mắt sự kiểm soát của mật thám Pháp. Các đồng chí đi bộ quanh thị xã biên giới và đến bờ sông Nậm Thi.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể trong hồi ký: "Chúng tôi ngồi nép trong một bụi lau bên bờ sông đợi đồng chí Minh đi chuẩn bị. Anh kiếm đâu được một chiếc bè nhỏ, chèo sang sông trước. Anh vừa lên bờ bên kia thì một chiếc ca-nô của lính đoan Pháp đi tuần xình xịch tới. Chúng tôi ngồi nhìn hồi hộp. Bọn lính đoan không nhận ra có người vừa vượt sông. Chúng đi khỏi một lúc, đồng chí Minh lại chèo đò trở về đón chúng tôi".

Chỉ có mấy tiếng ở lại Lào Cai, nhưng đoàn công tác đã nhận rõ vị trí quan trọng của Lào Cai trong hành trình về nước hoạt động cách mạng sau này. Đầu tháng 6 năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được gặp Bác Hồ tại công viên Thủy Hồ ở Côn Minh. Đây là sự kiện trọng đại, là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác Hồ cùng với một số đảng viên cộng sản Việt Nam hoạt động ở Vân Nam đã vạch ra kế hoạch về nước của Bác qua ngả đường Côn Minh - Lào Cai.

Bác đã phân công đồng chí Bùi Thanh Bình về Hà Khẩu xây dựng cơ sở. Bác cử đồng chí Hoàng Văn Lộc làm việc ở một hiệu bánh tại Hà Khẩu để làm cơ sở liên lạc. Bác Hồ cũng nhận định tình hình cách mạng còn nhiều gian khó, nhưng phải kiên quyết đấu tranh vũ trang. Chắc Bác Hồ đã nhận ra năng khiếu bẩm sinh về quân sự của đồng chí Võ Nguyên Giáp nên Bác đã cử đồng chí Võ Nguyên Giáp đi học quân sự ở Diên An. Đặc biệt, mấy lần sau Bác vẫn căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: "Cố gắng học thêm quân sự". Cũng chính trong thời gian này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 6 năm 1940).

Vượt qua muôn trùng khó khăn, Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) đã lên Lào Cai. Từ mảnh đất biên giới yêu thương, dưới chân ngôi đền thờ người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn - vị tướng lừng danh trong lịch sử, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã vượt biên cương sang Côn Minh gặp lãnh tụ kính yêu. Cuộc gặp gỡ lịch sử đã mở đầu cho những hoạt động quân sự nổi tiếng của Đại tướng sau này. Năm tháng đã đi qua, người anh hùng dân tộc đã trở về với Trần Quốc Tuấn, Hồ Chí Minh, nhưng mốc son lịch sử đó vẫn còn sáng mãi...

TS. Trần Hữu Sơn,Giám đốc Sở VH-TT và DL tỉnh Lào Cai