.
Viết tiếp bài Công ty TNHH sản xuất nhôm Asia-Vina-Taiwan thuộc Tổng công ty cổ phần Đại Trường Phát: Liệu có "đem con bỏ chợ"?:

Những "đứa con" bị bỏ rơi?

Thứ Tư, 20/08/2014, 12:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Bài viết về Công ty TNHH sản xuất nhôm Asia-Vina-Taiwan (thuộc Tổng công ty cổ phần Đại Trường Phát):  Liệu có “đem con bỏ chợ”?, phản ánh việc lãnh đạo công ty này ra thông báo “ngừng hoạt động”, khiến cho quyền lợi của hàng chục người lao động ở đây không được bảo đảm. Qua quá trình xác minh, điều tra, chúng tôi tiếp tục thông tin cụ thể hơn đến bạn đọc những hệ lụy mà người lao động nơi đây đang phải gánh chịu đằng sau thông báo này.

>> Công ty TNHH sản xuất nhôm Asia-Vina-Taiwan "đem con bỏ chợ"?

Làm thuê để trả tiền bảo hiểm

Chuyện Công ty nhôm sản xuất cầm chừng và làm ăn èo uột suốt mấy năm nay, người lao động ở đây ai cũng biết. Nhưng vì sự sống còn của công ty và cả quyền lợi của chính bản thân mình, nên mấy chục con người lao động nơi đây vẫn “chung lưng đấu cật” kiên trì bám trụ. Bởi, đấy là miếng cơm manh áo, là mồ hôi, “máu thịt” suốt mấy chục năm cống hiến, và cũng là vì công ty.

Khó là khó chung, chứ có khó riêng mình ai. Giữa lúc kinh tế khó khăn này, nghe đài, xem ti vi, có ngày nào không có công ty phá sản, công nhân mất việc. Nếu cứ như mà thấy khó, chúng tôi nghỉ việc từ lâu rồi. Mắc gì phải bám ở đây. Sống phải có lý có tình, có trước có sau chứ. Ấy vậy mà, khi mọi chuyện bể bả, không thể đặng đừng được nữa, lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Đại Trường Phát lại dửng dưng ra thông báo theo kiểu “đem con bỏ chợ”. Công ty không có việc làm, chúng tôi cũng phải đi kiếm việc khác để làm, nhưng quyền lợi mấy chục năm của chúng tôi ở đây, công ty phải giải quyết cho dứt điểm, anh Nguyễn Sĩ Hiệp, Quản đốc phân xưởng Công ty nhôm bức xúc nói.

Còn anh Đỗ Bá Quý, nhân viên phòng hóa nghiệm thì cho biết: Ngay từ đầu năm 2012, công nhân chúng tôi đã thiếu việc làm. Tiền lương có khi không đủ trừ tiền bảo hiểm. Công ty buộc chúng tôi phải đóng tiền bảo hiểm tự nguyện. Trung bình tôi phải trả tiền bảo hiểm 1,6 triệu đồng/tháng. Vậy là tôi phải đi làm thợ đụng ở bên ngoài, nào phụ hồ, bốc vác vừa để mưu sinh, vừa để có tiền đóng bảo hiểm cho công ty. Khó khăn là vậy, nhưng tháng nào tôi cũng đóng đầy đủ tiền bảo hiểm cho công ty. Nhưng khi mọi chuyện vỡ lở ra, tôi mới được biết, bấy lâu họ không hề nộp tiền bảo hiểm của chúng tôi cho bên bảo hiểm.

Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân ở đây kể: Năm 2010, tôi mổ u nang  đến 2 lần và phải nghỉ dưỡng đến 20 ngày. Nhưng do tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), họ chưa đóng, nên tiền chế độ nghỉ dưỡng chữa bệnh tôi cũng không được hưởng. Nộp BHXH như thế cũng bằng không. Đến cuối năm 2013, khi Công ty nhôm không có việc, công nhân phải nghỉ việc, tôi lên BHXH tỉnh xin tự túc đóng bảo hiểm, nhưng cũng chỉ vì phía công ty chưa đóng đủ tiền nên không thể giải quyết được. 

“Đi cũng dở, ở cũng không xong”?

Cũng tại cuộc họp toàn thể sáng 31-7, lãnh đạo TCT CP Đại Trường Phát đã thông báo sẽ ngừng nộp bảo hiểm cho công nhân Công ty nhôm kể từ ngày 1-8-2014 và công ty sẽ tạo mọi điều kiện cho cán bộ, nhân viên nào có nguyện vọng chuyển công tác hoặc nghỉ việc.

Nói là vậy, tuy nhiên khi mà mọi chế độ của người lao động, Công ty nhôm vẫn còn chưa nộp đủ cho BHXH thì lấy “điều kiện” gì để họ bảo đảm cho công nhân viết đơn xin nghỉ việc? Và rằng khi họ nghỉ việc, liệu mọi quyền lợi trước đây của họ đã đóng góp có được bảo đảm? Chính kiểu làm việc “nửa nạc, nửa mỡ” của TCT CP Đại Trường Phát đã “ép” công nhân của mình vào ngõ cụt, “đi cũng dở, ở cũng không xong”. Vì theo như thông báo của lãnh đạo TCT CP Đại Trường Phát, thì về thực tế, Công ty nhôm đã chính thức bị “khai tử”.

Thêm một điều đáng nói nữa là, tại buổi làm việc với BHXH tỉnh ngày 5-8-2014, phía lãnh đạo của TCT CP Đại Trường Phát gồm ông Lê Văn Duẩn, Tổng giám đốc và ông Nguyễn Viết Mạnh, Phó tổng giám đốc còn đề nghị cơ quan BHXH tỉnh ngừng, không phát sinh tham gia BHXH, BHYT, BHTN của 84 lao động (tính đến ngày 31-7-2014) của Công ty TNHH sản xuất nhôm Asia-Vina-Taiwan. 

Trước những yêu cầu bất hợp lý của phía lãnh đạo TCT CP Đại Trường Phát, lãnh đạo BHXH tỉnh đã kiên quyết từ chối và bác bỏ với lý do: “Điều kiện để 84 lao động của Công ty TNHH sản xuất nhôm Asia-Vina-Taiwan ngừng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, công ty phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giải thể, phá sản, ngừng hoạt động... theo quy định của pháp luật”. Được biết, hiện TCT CP Đại Trường Phát còn nợ BHXH tỉnh là hơn 4,4 tỷ đồng, trong đó riêng nhà máy nhôm còn nợ hơn 1,9 tỷ đồng.

Việc nợ đọng tiền bảo hiểm của 84 công nhân Công ty nhôm của TCT CP Đại Trường Phát, đã xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi và các chế độ chính đáng cả trước mắt và lâu dài của người lao động. Và thực tế nhãn tiền của việc “đi cũng dở, ở cũng không xong” này là, có một số công nhân đã xin được việc làm ổn định ở cơ quan khác nhưng cũng không thể chuyển sổ bảo hiểm sang cơ quan mới, chỉ vì còn nợ bảo hiểm.

Điển hình như trường hợp của anh Phạm Văn Hùng, nguyên là Tổ trưởng tổ sản xuất ở Công ty nhôm. Tính đến nay Hùng đã làm bảo vệ ở Ngân hàng Liên Việt Post Bank được hơn 1 năm. Tuy nhiên, do mọi chế độ ở Công ty nhôm vẫn chưa giải quyết xong, nên hơn 1 năm qua, anh gần như là người đi làm “chay”, mà không hề có một chế độ nào.

Anh bức xúc cho biết: Tháng 7-2013, lúc tôi làm đơn xin nghỉ việc, lãnh đạo công ty nhanh chóng làm quyết định đồng ý cho nghỉ và hứa sẽ giải quyết mọi chế độ cho tôi. Nhưng cho đến nay, tôi đã được giải quyết gì đâu. Bí quá, tôi lên hỏi trực tiếp cán bộ bảo hiểm thì được biết Công ty nhôm còn nợ nên không thể chuyển được.

Anh Võ Văn Tiến, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn lao động tỉnh, cơ quan đại diện hợp pháp cho quyền lợi của người lao động cho biết: Việc TCT CP Đại Trường Phát không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cho người lao động là hành vi vi phạm pháp luật về Luật lao động.

Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động đã được pháp luật bảo hộ. Chúng tôi đã nhiều lần có công văn can thiệp, với Công ty nhôm nói riêng và TCT CP Đại Trường Phát nói chung, nhưng họ vẫn cố tình không giải quyết.

D.C.H