.

Thú y viên cơ sở: Gánh nặng và trách nhiệm

Thứ Sáu, 15/08/2014, 07:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh khẳng định: “Cán bộ thú y cơ sở là “cánh tay nối dài” của chúng tôi, họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác tham mưu phòng chống, khống chế dịch bệnh... Không có họ, chúng tôi có giỏi đến mấy cũng khó hoàn thành nhiệm vụ”.

Trăm nỗi vất vả

Công việc của cán bộ thú y cơ sở khá vất vả, thường xuyên rong ruổi vài chục cây số trên khắp đường làng, ngõ xóm, đến từng hộ để tiêm phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi, làm việc trong môi trường độc hại, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhất là cúm gia cầm. Bởi thế, yêu nghề đã khó, sống được với nghề còn khó hơn.

Bên cạnh đó, hiện nay công tác kiểm soát giết mổ tại hộ gia đình trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành Nông nghiệp, thì thú y cơ sở chính là cánh tay nối dài của ngành chuyên môn trong việc kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tất nhiên, trách nhiệm và nỗi vất vả của các thú y viên vì thế cũng tăng lên. Việc kiểm soát giết mổ tại hộ phân tán, quãng đường đi lại dài, lại phải đi làm vào 3-4h sáng, ngoài năng lực thì người làm nghề thú y phải có sức khỏe và đủ minh mẫn.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng ban Thú y xã Hồng Thủy (huyện Tuyên Hóa) tâm sự: “Làm nghề này là không kể ngày, đêm, xa, gần, ở đâu người dân báo có gia súc, gia cầm ốm là phải đến tận nơi kiểm tra, xác định nguyên nhân để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm. Vào những đợt tiêm phòng hay có dịch bệnh, nhiều đêm tôi không được ngủ, có khi còn bị đổ trách nhiệm vì gia súc, gia cầm đã tiêm phòng vẫn bỏ ăn, lây bệnh.

Thế nên, hễ chọc mũi tiêm vào những con vật là gia sản của nông dân thì áp lực lớn lắm!”. Một mình ông, vừa làm công tác phát triển chăn nuôi, tham mưu các chính sách cho xã, vừa thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm, kiểm soát giống, kiểm soát giết mổ, mỗi tháng, Nhà nước trả cho ông chỉ khoảng 2 triệu đồng; khi nghỉ hưu lại không có chế độ, lương bổng gì. Nếu không vì yêu nghề, liệu ông Nhàn có thể trụ được với nghề hay không?

Vào nghề từ năm 2006, chị Lê Thị Lý, Trưởng ban Thú y xã Sen Thủy (huyện Lệ Thủy) cũng trải qua biết bao cực khổ, khó khăn với nghề. Chị trăn trở: “Làm thú y viên cơ sở, chúng tôi không chỉ chịu sự vất vả của công việc mà còn phải đối mặt với nhiều tai nạn bất ngờ do vật nuôi gây ra. Năm 2008, tôi đã từng chứng kiến chị Đinh Thị Khê, cán bộ thú y thôn trong khi tiêm phòng đã bị trâu húc phải nhập viện. Thực sự tôi rất lo lắng bởi không biết nguy hiểm đến với mình lúc nào nhưng vì trách nhiệm nên tôi luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Người “gác cửa” chăn nuôi

Dẫu chế độ lương bổng ít, công việc lại vất vả nhưng đa số các thú y viên cơ sở đều có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Bởi họ hiểu vai trò quan trọng của mình trong phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, chỉ một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến thiệt hại khôn lường.

Thú y viên cơ sở, người “gác cửa” trong chăn nuôi.
Thú y viên cơ sở, người “gác cửa” trong chăn nuôi.

Trong những năm qua, mặc dù dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh, bệnh lở mồm long móng... diễn ra khá phức tạp tại các tỉnh lân cận, tuy nhiên tại tỉnh ta tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định, từ năm 2013 đến nay chưa xảy ra đợt dịch nào. Để có được kết quả đó là nhờ một phần rất lớn công lao của các cán bộ thú y viên cơ sở. Họ là những người sống tại cơ sở, tiếp xúc hàng ngày với gia súc, gia cầm, nếu có dịch bệnh xảy ra, họ chính là người phát hiện sớm nhất, dập tắt dịch bệnh.

Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh khẳng định: “Cán bộ thú y cơ sở là “cánh tay nối dài” của chúng tôi, họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác tham mưu phòng chống, khống chế dịch bệnh... Không có họ, chúng tôi có giỏi đến mấy cũng khó hoàn thành nhiệm vụ”. Minh chứng cụ thể là trong đợt dịch cúm gia cầm hồi tháng 7-2012 tại xã An Thủy (Lệ Thủy) và An Ninh (Quảng Ninh), nhờ sự phát hiện, xử lý và báo cáo kịp thời cho cấp trên của các cán bộ thú y xã nên trong vòng 21 ngày thì dịch được khống chế, bao vây kịp thời.

Tuy nhiên, ngoài những cán bộ thú y cơ sở tận tâm, trách nhiệm thì vẫn có một số ít không mấy mặn mà với nghề, nhất là số cán bộ thú y thôn bản. Chị Lê Thị Lý cho biết: “Công việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho thú y trong xã một mình tôi không thể làm hết, do đó phải nhờ vào sự hỗ trợ của cán bộ thú y thôn. Nhưng do họ không có ràng buộc về trách nhiệm, họ chỉ được trả tiền công cho mỗi lần đi tiêm, dập dịch... nên thích thì làm, không thì thôi, thành ra nhiều lúc tôi cũng gặp khó khăn do không có người hỗ trợ”.

Cũng cần nhìn nhận một cách khách quan khi cán bộ thú y cơ sở chưa thật sự tâm huyết với nghề bởi chế độ mà họ được hưởng còn quá ít ỏi. Mỗi tháng có người chỉ được nhận 500.000 - 1 triệu đồng, những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp chưa hề có sự hỗ trợ. Trong khi đó, họ phải quán xuyến khối lượng công việc khá nặng nề, đi lại thường xuyên...

Theo báo cáo của Chi cục Thú y, toàn tỉnh hiện có 158 trưởng ban thú y xã, phường, thị trấn, được hưởng chế độ 1,0 hệ số lương cơ bản và khoảng 600 cán bộ thú y thôn, bản... Vai trò lớn nhưng chế độ đãi ngộ ít do đó số người tâm huyết với nghề chưa nhiều.

Bên cạnh đó, đa phần số cán bộ thú y chủ yếu ở độ tuổi 45-50 (theo hợp đồng, khoảng 60 tuổi thì các cán bộ thú y sẽ nghỉ), trong khi lớp trẻ không mấy mặn mà với nghề này (tìm kiếm những công việc có thu nhập cao hơn), do đó nguy cơ về sự thiếu hụt cán bộ thú y cơ sở trong thời gian tới đang ở mức báo động. Cán bộ thú y một số địa phương có trình độ chuyên môn chưa cao, không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Cần lắm chính sách hợp lý

Phát triển mạng lưới thú y cơ sở là hết sức cần thiết trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, phát triển chăn nuôi. Bởi vậy, để cán bộ thú y cơ sở thật sự tận tâm với nghề, phát huy được vai trò trách nhiệm, cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp.

Ông Phạm Hồng Sơn cho biết: Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp và PTNT đã đề cập đến vấn đề hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở bằng cách thu hút nhân tài để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Trưởng ban chăn nuôi thú y phải có trình độ từ trung cấp chăn nuôi thú y trở lên và có tinh thần trách nhiệm cao.

Theo chính sách của đề án xây dựng, trưởng ban có trình độ từ trung cấp chăn nuôi thú y trở lên được hưởng phụ cấp bằng 1,0 hệ số lương cơ bản (theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 của Chính phủ); thú y viên (trình độ từ sơ cấp chăn nuôi thú y trở lên) được hỗ trợ tiền công bằng 0,5 hệ số lương cơ bản. Bên cạnh đó, hàng năm đều có đợt bình xét, khen thưởng kịp thời để động viên tinh thần công việc cho các cán bộ thú y cơ sở.

Chính sách trên xem ra vẫn khó có thể làm cho bộ máy này hoạt động một cách trơn tru theo đúng yêu cầu. Bởi lẽ, cán bộ thú y cơ sở cấp xã, phường, thị trấn với khối lượng công việc khá nặng nề, thường xuyên tham mưu UBND xã về phát triển chăn nuôi, kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ và bổ sung; kiểm soát chặt chẽ con giống và vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Trong khi, đồng phụ cấp không đủ đổ xăng đi lại...

“Nhiều cán bộ thú y cơ sở với mong muốn được hưởng một chính sách thỏa đáng, ít nhất cũng bằng lương cơ bản của một công chức nhà nước và được tham gia đóng bảo hiểm đầy đủ”, bà Phan Thị Minh, Trạm trưởng trạm Thú y huyện Lệ Thủy chia sẻ. Những tâm nguyện của họ chính là điều để các cấp, ngành liên quan phải suy nghĩ trong công tác thu hút nhân tài bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt, nâng cao chất lượng thú y viên cơ sở, bảo  đảm phòng, chống dịch bệnh “tận gốc” để chăn nuôi trên địa bàn phát triển bền vững.

Lê Mai