.

Nghiên cứu quá trình phát triển kinh tế hợp tác xã

Thứ Sáu, 15/08/2014, 13:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm mục đích đánh giá một cách toàn diện, khẳng định những đóng góp quan trọng của kinh tế hợp tác xã (HTX) trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương qua từng thời kỳ; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ của các thế hệ, các tầng lớp nhân dân trong xây dựng, phát triển HTX, cũng như trong xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời đề xuất các phương hướng, giải pháp nhằm củng cố, phát triển HTX trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai đề tài “Nghiên cứu quá trình phát triển kinh tế HTX tỉnh Quảng Bình từ năm 1946 đến nay”. Đề tài được triển khai trong thời gian 15 tháng (5-2013 - 7-2014) với nguồn kinh phí hơn 270 triệu đồng và đã được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

Đề tài khẳng định rõ, đây là lần đầu tiên phong trào HTX tỉnh được nghiên cứu một cách có hệ thống, khoa học về quá trình ra đời, phát triển, củng cố, đổi mới tổ chức hoạt động, nêu bật những đóng góp to lớn, thiết thực của kinh tế HTX trong quá trình phát triển của quê hương.

Bên cạnh việc chú trọng việc tìm hiểu cơ sở lý luận gắn với phong trào kinh tế HTX,  đưa ra hệ thống các giải pháp bảo đảm cho kinh tế HTX tỉnh Quảng Bình tiếp tục được đổi mới, phát triển và phát huy hiệu quả khi thực hiện Luật HTX năm 2012, những người thực hiện đề tài đã nỗ lực sưu tầm tài liệu, tư liệu thành văn, nhân chứng lịch sử nhằm bảo đảm tính khoa học, chính xác của một phong trào rộng lớn, mạnh mẽ, qua nhiều giai đoạn trong suốt những năm qua.

Trong giai đoạn hiện nay, các HTX đòi hỏi cần có nhiều đổi mới tích cực hơn trong xây dựng  và củng cố hoạt động.
Trong giai đoạn hiện nay, các HTX đòi hỏi cần có nhiều đổi mới tích cực hơn trong xây dựng và củng cố hoạt động.

Thực tế cho thấy, kinh tế tập thể nói chung, kinh tế hợp tác xã nói riêng hiện nay nhìn chung còn không ít hạn chế, yếu kém, do đó, việc củng cố, phát triển HTX còn gặp rất nhiều khó khăn. Những hạn chế, yếu kém này do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ về HTX trong một bộ phận cán bộ, nhân dân.

Do đó, mục tiêu mà đề tài hướng đến là để hiểu rõ những đóng góp quan trọng của HTX đối với kinh tế hộ, đối với quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ, xoá những mặc cảm đối với HTX kiểu cũ, đồng thời nhận thức những giá trị của HTX trong từng thời kỳ và có giải pháp đúng đắn đối với xây dựng, phát triển HTX trong thời gian tới.

Ba nhiệm vụ chính được đề tài triển khai, đó là phân tích đầy đủ bản chất, vai trò, giá trị của HTX trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng; sưu tầm đầy đủ tài liệu, biên soạn về quá trình hình thành, phát triển của HTX từ năm 1946 đến nay về từng lĩnh vực, từng thời kỳ và đề xuất phương hướng, giải pháp xây dựng, củng cố, phát triển kinh tế HTX từ nay đến năm 2020.

Thông qua đề tài “Nghiên cứu quá trình phát triển kinh tế HTX tỉnh Quảng Bình từ năm 1946 đến nay”, lịch sử hình thành và phát triển trong hơn 65 năm qua của các HTX ở tỉnh ta được thể hiện sinh động, chân thực dưới nhiều phân tích, đánh giá, từ các hình thức kinh tế hợp tác đơn giản như tổ (hội) đổi công, tổ vần công, tổ hợp tác... thuở ban đầu, rồi trải qua những năm tháng HTX cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng lực lượng sản xuất mới, quan hệ sản xuất mới, phối hợp với thế trận chiến tranh nhân dân đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc, cho đến mô hình HTX thời kỳ đổi mới, và nhất là giai đoạn sau này, khi Luật HTX ra đời và đóng góp của HTX trong xây dựng nông thôn mới...

Đề tài đặc biệt chú trọng nêu bật các nhóm giải pháp nhằm xây dựng, củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế HTX ở Quảng Bình gắn với thực hiện Luật HTX năm 2012 đến năm 2020. Bên cạnh việc tập trung triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật HTX năm 2012, đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, công tác quản lý nhà nước đối với phong trào HTX, đề tài đã chỉ rõ, cần tăng cường hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Liên minh HTX và công tác phối hợp, không ngừng củng cố, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Xây dựng các HTX điển hình đang là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay. Các HTX này vừa là tấm gương sinh động cho phong trào HTX, vừa là cầu nối nêu cao tinh thần hợp tác với các HTX khác, cùng thúc đẩy, mở rộng sự hỗ trợ, giúp đỡ các HTX trong toàn tỉnh.

Trong những năm trở lại đây, ngoài những đề tài về ứng dụng khoa học công nghệ, các đề tài về khoa học xã hội và nhân văn được tỉnh ta ưu tiên đầu tư nghiên cứu. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2013, 2 đề tài cấp tỉnh về khoa học xã hội và nhân văn được nghiệm thu, đó là các đề tài “Nghiên cứu quá trình phát triển kinh tế hợp tác xã tỉnh Quảng Bình từ năm 1946 đến nay” và “Biên soạn lịch sử phong trào công nhân và công đoàn Quảng Bình tập II (giai đoạn 1976-2010)”, 1 đề tài nghiệm thu cấp cơ sở là “Lịch sử Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình từ năm 1946-2011”. Các đề tài về khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng trong quá trình đúc kết thực tiễn, góp phần xây dựng hệ thống lý luận và nghiên cứu, đánh giá, hệ thống hóa nhiều tài liệu có giá trị lịch sử của tỉnh nhà.

M.N