.

Trắng đêm cùng những người lao công

Thứ Hai, 14/07/2014, 15:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Gần 2 giờ sáng, khi cả nhà chị Phan Thị Hồng Anh đang chìm trong giấc ngủ say thì chiếc đồng hồ báo thức kêu reng reng. Đã hơn 10 năm, âm thanh ấy đã trở nên quen thuộc đối với chị cũng như hàng trăm công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình. Âm thanh ấy báo hiệu một ngày làm việc vất vả mới...

 

Một công nhân đang thu gom rác ở khu vực chợ Bắc Lý.
Một công nhân đang thu gom rác ở khu vực chợ Bắc Lý.

Tôi vừa chợp mắt sau khi xem một trận bóng đá World Cup thì điện thoại reo lên. Ở đầu dây bên kia, giọng anh Nguyễn Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Phát triển Đô thị Quảng Bình nói nhanh: “Chú dậy mà đi mau lên, các anh chị công nhân đã đến làm việc cả rồi. Chạy tới ngã ba Bắc Lý nhé, anh ra trước đây”.

Tôi phóng xe lên tới điểm hẹn lúc 2 giờ 30 phút, các chị lao công đã dắt xe đựng rác tỏa đi các hướng. Dù vẫn bị cơn buồn ngủ “tra tấn” nhưng tôi vẫn cố gắng theo từng bước chân của những người lao công để hiểu hơn công việc và cuộc sống lặng thầm trong đêm của họ.

Khu vực ngã ba Bắc Lý là nơi làm việc của 7 công nhân nữ thuộc tổ 5. Bán kính của khu vực lên tới vài ki lô mét, lại có chợ Bắc Lý, dân cư đông đúc, nhiều tuyến đường lớn và các ngõ, ngách nên lượng rác thải ra rất nhiều. Dụng cụ làm việc của các chị gồm có chổi, xe đẩy tay và một số thiết bị khác. Lúc này, trời đã 3 giờ sáng, thành phố như còn ngủ yên, chỉ còn lại ánh sáng của những bóng đèn cao áp. Tiết trời về đêm còn nóng nực cùng với cơn mưa sáng hôm trước khiến rác rưởi càng bẩn và nặng hơn, có những nơi rác chất cao thành đống chảy nước đen sì và mùi hôi bốc lên nồng nặc.

Theo chị Phan Thị Hồng Anh vào điểm dọn vệ sinh trong chợ Bắc Lý. Các loại rác trong chợ và xung quanh vẫn chất thành đống, mùi hôi bốc lên sộc cả mũi cho dù chúng tôi đã đeo khẩu trang. Dừng chiếc xe đựng rác lại một góc, chị Anh bắt đầu quét rác lại thành đống rồi xúc lên xe. Có một đống rác có cái bao tải nặng, đựng rất nhiều tạp chất bên trong nên chị phải dùng hết sức mạnh hai cánh tay để bê lên xe. Sau khi đưa được bao rác lên, người chị ướt đẫm mồ hôi và nước thải của rác. 

“Tui quen rồi chú à, phải cố gắng làm cho kịp giờ để xe ép rác đến gom chuyển về bãi xử lý. Có lần đang dọn vệ sinh thì dính phải kim tiêm khiến tôi lo phát khiếp, may lần đó về Công ty cho đi khám kịp thời nhưng không việc gì”, chị Anh tâm sự.

Theo nghiệp làm sạch đường phố cách đây 2 năm, chị Nguyễn Thị Huyền (32 tuổi) cùng 124 công nhân khác của Công ty vẫn hàng đêm xuống phố, đi về các tuyến đường, ngõ hẻm để dọn vệ sinh. Gia đình chị hết sức khó khăn khi một mình phải nuôi hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. Hàng đêm, chị phải dậy trước 2 giờ sáng để đi làm. Công việc vất vả, mệt nhọc kéo dài đến gần 6 giờ sáng mới kết thúc. Về tới phòng trọ, giặt giũ thay quần áo xong chị phải ra chợ để tiếp tục công việc của một thợ may.

Chị tâm sự: “Nghề này vất vả lắm chú ơi! Trời dịu mát, khô ráo còn đỡ chứ những ngày mưa rét thì anh chị em công nhân hết khổ luôn. Công việc nặng, nhọc lại phải chịu các mùi hôi thối, ẩm ướt từ rác thải. Nhưng được cái là chị em trong tổ ai cũng yêu nghề, chịu thương chịu khó và động viên nhau để hoàn thành công việc”.

Cho rác lên xe ép rác.
Cho rác lên xe ép rác.

Nói xong, chị Huyền đưa cái chổi, dụng cụ xúc rác đặt lên xe tiến về các ngõ phố trên đường Trường Chinh. Bàn tay chai sần của chị vẫn miệt mài quét, dọn, bốc rác lên xe. Khoảng 1 giờ đồng hồ, chiếc xe rác đã được chất đầy. Một mình chị kéo hì hà hì hục bước từng bước nhọc nhằn trong đêm, từng giọt mồ hôi chảy ròng trên đôi má gầy gò...

Anh Hoàng Viết Đậu, đội trưởng đội môi trường 2 nói: “Những ngày bình thường còn đỡ chứ đến những ngày thành phố có lễ, hội, tết, hay bão lụt là anh em công nhân phải làm việc gấp 2, gấp ba lần. Có khi phải làm cả ngày lẫn đêm vì lượng rác quá nhiều”. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, một người dân phường Bắc Lý cho hay: “Mỗi buổi sáng tôi dậy tập thể dục đều bắt gặp những chị lao công. Nhờ có họ làm vệ sinh nên những tuyến đường, góc phố nơi đây lúc nào cũng sạch sẽ”.

Hiện Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Phát triển Đô thị Quảng Bình đang có 124 công nhân lao động trực tiếp, chủ yếu là công nhân nữ. Trong 5 tháng đầu năm thành phố đặt hàng cho Công ty quét dọn 128 tuyến đường. Tuy nhiên, đến tháng 6-2014 do không có kinh phí nên số tuyến đường giao quét còn lại 42 tuyến đường. Như vậy không những thu nhập của người lao động bị giảm sút mà ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và cảnh quan của thành phố. Trung bình mỗi ngày đơn vị thu gom 85 tấn rác, còn những ngày tết, lễ, bão lụt thì lượng rác có thể tăng lên gấp 2 đến 3 lần.

Ông Đoàn Bá Lâm, Phó giám đốc Công ty cho biết: “Mặc dù kinh phí hoạt động hạn chế nhưng Công ty vẫn bảo đảm đầy đủ các chế độ chính sách, lương bổng cho công nhân. Hàng năm, chúng tôi còn tổ chức khám sức khỏe, tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động cho anh chị em”.

Trời gần sáng, hàng chục chiếc xe đựng rác đã tập hợp tại ngã ba Bắc Lý. Khoảng 5 giờ, chiếc xe ép rác lớn đến đỗ tại vị trí tập kết. Không ai bảo ai, các chị lao công lại nhanh tay đưa từng đống rác cao chất ngất lên xe. Khi chiếc xe ép rác lăn bánh thì trời đã rạng sáng, tôi và các chị chia tay nhau sau một đêm gần như thức trắng.

Xuân Vương