.
Kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 11-7:

"Đầu tư cho thanh niên"-Lộ trình cho tương lai

Thứ Sáu, 11/07/2014, 07:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Bác chỉ rõ: “Thanh niên phải là rường cột của nước nhà”.

Lịch sử đã chứng minh vai trò của thanh niên trong những lúc khó khăn, cam go nhất của cách mạng. Ngày nay, vai trò đó càng được khẳng định trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với thế hệ trẻ ngày nay Đảng và Nhà nước không chỉ dừng lại ở sự quan tâm giáo dục, chỉ dẫn để định hướng phát triển mà còn có phương pháp và thái độ ứng xử đúng với thanh niên, có cơ chế, chính sách nhằm huy động và phát huy vai trò xung kích của thanh niên.

Với chủ đề “Đầu tư cho thanh niên”, Ngày Dân số thế giới 11-7 năm nay, Quỹ dân số Liên hợp quốc kêu gọi chúng ta hãy quan tâm và đầu tư hơn nữa vào thanh niên nhằm phát huy tối đa vai trò và sức mạnh của lực lượng này. Giai đoạn chuyển đổi từ vị thành niên sang thanh niên, hay nói cách  khác là sang người lớn được khỏe mạnh và an toàn là quyền của mỗi con người.

Quyền này chỉ có thể thực hiện và duy trì nếu được xã hội, gia đình... đầu tư và tạo cơ hội để đảm bảo thế hệ trẻ đã và đang được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết, toàn diện cho một cuộc sống hữu ích, khỏe mạnh và chủ động đối phó với những bất thường, tiêu cực khi phải đương đầu trong cuộc đời. Điều này không đơn giản là đảm bảo cuộc sống cho một cá nhân, hoặc một nhóm cá nhân nào đó mà thực sự là yếu tố quan trọng nhằm đem đến một tương lai bền vững hơn cho mỗi quốc gia, dân tộc.

Làm thế nào để bảo vệ quyền của thanh niên và đầu tư cho tương lai của các em có hiệu quả? Đó chính là việc cung cấp cho các em một nền giáo dục có chất lượng, công ăn việc làm ổn định, kỹ năng sống và trong một xã hội hiện đại đang mở rộng cánh cửa du nhập nền văn hóa của các nước trên khắp thế giới... chính là trang bị cho các em những kiến thức về giáo dục sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Đây là việc làm cần thiết cho sự phát triển của thanh niên và vị thành niên cũng như gia đình và cộng đồng.

Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc, đây là thời điểm toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhóm dân số trẻ thanh niên lớn nhất từ trước tới nay. Các em đang bước những bước đi đầu tiên vào đời sống tình dục và sinh sản. Các em đang phải đối diện với những tiêu cực của vấn đề như: mang thai sớm, phá thai không an toàn, tử vong mẹ, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm HIV...

Vẫn còn những “lỗ hỏng” đáng kể về tính sẵn có cũng như chất lượng và cách tiếp cận giáo dục tình dục toàn diện, các dịch vụ dành cho thanh niên. Nhất là đối tượng nữ thanh niên với nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày một tăng và đòi hỏi chất lượng ngày một cao. Nếu những nhu cầu này không được đáp ứng một cách toàn diện, có hệ thống sẽ mang lại những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và giảm đi nhiều cơ hội trong cuộc sống của thanh niên nói chung và nữ thanh niên nói riêng. 

Đối với tỉnh ta, từ năm 1998 đến nay với 15 năm thực hiện các chương trình, đề án, mô hình cho vị thành niên/thanh niên với nhiều tên gọi khác nhau như “Giáo dục sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho vị thành niên/thanh niên”, “Cung cấp thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên/thanh niên”, mô hình “Khám sức khỏe tiền hôn nhân”... tất cả đều hướng tới mục tiêu là phản ánh và đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu của vị thành niên, thanh niên về lĩnh vực sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Xây dựng các dịch vụ truyền thông qua giáo dục đồng đẳng, tăng cường tiếp cận của vị thành niên, thanh niên đối với phương tiện tránh thai phi lâm sàng (bao cao su và thuốc tránh thai).

Tỉnh ta đã từng bước triển khai các hoạt động thiết thực nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản. sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên với những kết quả đáng ghi nhận. Tích cực chủ động đa dạng hóa phương thức cung cấp và cách tiếp cận thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Tạo kênh thông tin phong phú, tin cậy cho vị thành niên, thanh niên được giải đáp những thắc mắc, lo âu, bỡ ngỡ của tuổi dậy thì.

Thông qua các hoạt động thiết thực của các mô hình, đề án, càng ngày càng có nhiều vị thành niên, thanh niên chủ động tìm đến các điểm tư vấn, các góc thân thiện, các câu lạc bộ... để được tư vấn, cung cấp thông tin đầy đủ, có hệ thống thay vì e dè, ngần ngại và tự mày mò tìm hiểu như trước đây. Tạo tiền đề cho các em có cách nhìn và hiểu đúng về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Chuyển đổi thái độ, hành vi trong mối quan hệ về giới, biết tự chăm lo cho sức khỏe bản thân, xây dựng lối sống lành mạnh, biết nói không với quan hệ tình dục trước hôn nhân, tránh mang thai ngoài ý muốn, giảm tỷ lệ nạo phá thai và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở tuổi vị thành niên, thanh niên.

Tuy nhiên với khoảng 194.568 thanh niên chiếm tỉ lệ hơn 30% dân số và chiếm 53% lực lượng lao động trên toàn tỉnh thì số địa bàn và đối tượng được hưởng lợi từ hoạt động của các đề án, mô hình là quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế của vị thành niên, thanh niên trên toàn tỉnh. Việc nhân rộng các điểm và các hoạt động của mô hình, đề án cho vị thành niên, thanh niên trên toàn tỉnh là điều cần đặt ra và hướng tới để vị thành niên, thanh niên nhất là các bạn trẻ ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng biển, ven biển... có thể được tiếp cận và tự tin hơn về lĩnh vực sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.

“Đầu tư cho thanh niên” nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên nói riêng chính là tạo môi trường toàn diện cả về tâm, trí, lực cho thế hệ trẻ, giúp các em tự tin bước vào đời thực hiện những ước mơ, hoài bão và sẽ là thế hệ quyết định thành công cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Nguyễn Thị Ngọc Hà
PGĐ Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh