.

"Điểm tựa" cho người cận nghèo

Thứ Tư, 09/07/2014, 16:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong gần 4 năm qua, với việc triển khai hỗ trợ người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế, Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ đã thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện cho người cận nghèo thị trấn Việt Trung (Bố Trạch) có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế trong chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh...

Thị trấn Việt Trung có 30 hộ cận nghèo, chiếm khoảng 1% trong tổng số hộ trên toàn thị trấn. Đa phần các hộ cận nghèo đều có kinh tế không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào nghề nông hoặc làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ... Thêm vào đó, các hộ này cũng thường xuyên có người đau ốm, bệnh tật.

Vì thế, thị trấn đã xác định việc thực hiện tốt các chính sách cho hộ nghèo và hộ cận nghèo chính là một trong những giải pháp thiết thực để góp phần nâng cao đời sống sức khoẻ của người dân và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong những năm gần đây, thị trấn Việt Trung đã không ngừng chăm lo cho các đối tượng, trong đó nổi bật là việc hỗ trợ người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế.

Nhìn chung, việc hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế của Dự án Hỗ trợ y tế Bắc Trung bộ đã nhận được sự quan tâm của chính người cận nghèo và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo anh Nguyên, cán bộ Trạm y tế thị trấn Việt Trung cho biết, việc tiếp cận của người dân đối với bảo hiểm y tế vẫn gặp khó khăn do điều kiện người dân thường xuyên đi làm vắng nhà nên không nắm bắt được những thông tin về bảo hiểm y tế khi được thị trấn, tiểu khu thông báo. Bên cạnh đó một số người dân chưa ý thức được tính ưu việt của bảo hiểm y tế, trông chờ vào sự giúp đỡ 100% của Nhà nước...

Do đó, đến nay số hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế mới chỉ được 23 hộ (đạt khoảng 76,6%). Để khắc phục những hạn chế này, địa phương đã có nhiều biện pháp tuyên truyền đa dạng như: tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của thị trấn; cử cán bộ chính sách trực tiếp xuống cơ sở cùng phối hợp với Mặt trận thôn tới từng hộ cận nghèo phổ biến nội dung, quyền lợi, cách sử dụng thẻ và vận động tham gia bảo hiểm y tế...

Tủ thuốc bảo hiểm y tế của Trạm y tế thị trấn Việt Trung luôn phục vụ đầy đủ cho người bệnh.
Tủ thuốc bảo hiểm y tế của Trạm y tế thị trấn Việt Trung luôn phục vụ đầy đủ cho người bệnh.

Nhằm duy trì nâng cao tỷ lệ người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế, chính quyền thị trấn Việt Trung đã phối hợp cùng trạm y tế thị trấn tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh thôn về dịch vụ y tế, năng lực khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở tạo lòng tin cho bà con nhân dân trong thị trấn.

Nhận thức được quyền lợi và tính ưu việt của bảo hiểm y tế, ý thức về chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh của người cận nghèo ở thị trấn Việt Trung ngày càng được nâng cao. Đến nay, nhiều người cận nghèo trong thị trấn đã tự giác đến điểm hẹn mua bảo hiểm y tế khi đã hết hạn và chủ động tới trạm y tế thị trấn để khám chữa bệnh định kỳ.

Bảo hiểm y tế thực sự là “điểm tựa” vững chắc cho tất cả mọi người, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo. Gia đình anh Nguyễn Văn Đức (tiểu khu 3) có thu nhập thấp và thuộc diện cận nghèo của thị trấn. Đã hơn 3 năm nay anh bị bệnh tai biến nhưng nhà quá nghèo nên không có điều kiện đi chữa trị.

Rất may, nhờ Nhà nước và Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ hỗ trợ kinh phí nên gia đình anh đã tham gia được bảo hiểm y tế, gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh của anh được giảm bớt, anh có điều kiện đi chữa bệnh, nhờ đó sức khỏe của anh có phần tiến triển tốt. Tuy nhiên, đó là niềm vui của cách đây khoảng 1 năm, còn bây giờ anh Đức lại bị liệt nửa người và nằm tại nhà, lý do là gia đình không đủ tiền để mua tiếp bảo hiểm y tế cho anh.

Chị Lê Thị Sen, vợ anh Đức chia sẻ: “Nhà có bốn miệng ăn nhưng chỉ mỗi mình tôi là chỗ dựa cho cả gia đình. Với đồng lương công nhân cạo mủ cao su ba cọc, ba đồng ít ỏi, vậy mà cũng chẳng được hưởng yên ổn. Sau trận bão số 10 năm 2013, Công ty Việt Trung làm ăn khó khăn nên từ sau Tết đến giờ tôi mới chỉ nhận được lương tháng 4 với số tiền 500 nghìn đồng. Tiền đó chẳng đủ để ăn, lấy đâu ra mà nộp bảo hiểm y tế cho chồng và các con”. Giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ ấy, ao ước lớn nhất của anh Đức và chị Sen là làm sao cho bố con anh Đức mua được bảo hiểm y tế, “điểm tựa” vững chắc cho việc chăm sóc sức khỏe của cả gia đình.

Không chỉ có gia đình anh Đức, nhiều hộ khác trong địa bàn cũng đã thấy được lợi ích thiết thực mà bảo hiểm y tế mang lại. Gia đình chị Nguyễn Thị Thái (tiểu khu Hữu Nghị) có chồng bị bệnh hiểm nghèo phải đi chữa trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, Bệnh viện Trung ương Huế... Nhờ bảo hiểm y tế chịu 80% viện phí mà gia đình chị Thái có thể bám trụ để chạy chữa, chăm sóc cho chồng...

L.M