.

Hiệu quả của công tác giám sát đầu tư cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư, 09/07/2014, 18:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm của người dân, đồng thời góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, giúp chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư, thời gian qua, Mặt trận các cấp tỉnh ta đã tích cực đẩy mạnh hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ). Với sự nỗ lực của những cán bộ mặt trận tâm huyết, tận tụy, hoạt động giám sát của MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Có thể nói, hiệu quả của công tác GSĐTCĐ đã có tác động không hề nhỏ đến phong trào xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Theo Quyết định 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, MTTQ có quyền giám sát các công trình triển khai trên địa bàn có vốn đầu tư của Nhà nước, cộng đồng, người dân; theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị thi công; phát hiện các vi phạm quy định quản lý đầu tư để kịp thời ngăn chặn, xử lý, chống lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước...

Để nâng cao chất lượng công tác giám sát, Uỷ ban MTTQVN tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn thành lập các Ban GSĐTCĐ ở tỉnh, huyện và các cơ sở. Hầu hết thành viên đều là những người có kinh nghiệm, có trình độ pháp lý nhất định. Quá trình giới thiệu nhân sự và tổ chức hội nghị ở khu dân cư để bầu Ban GSĐTCĐ đều được Mặt trận cơ sở thực hiện nghiêm túc, bảo đảm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 153 Ban GSĐTCĐ với tổng số 1.174 thành viên. Ngoài ra, ở nhiều địa phương, hoạt động giám sát được giao cho các Ban thanh tra nhân dân đảm nhiệm. Nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho các thành viên ban giám sát, Uỷ ban MTTQVN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ các cấp những nội dung về công tác GSĐTCĐ, như: phạm vi, đối tượng giám sát, phương thức thực hiện giám sát cũng như hình thức tổ chức và phương thức hoạt động của Ban.

Hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng góp phần giúp nhiều địa phương hoàn thành đúng tiến độ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí đường giao thông.
Hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng góp phần giúp nhiều địa phương hoàn thành đúng tiến độ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí đường giao thông.

Để tạo thuận lợi cho các Ban GSĐTCĐ, cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện công khai, minh bạch trong các công việc liên quan đến cộng đồng, nhất là việc xây dựng các dự án, đề án đầu tư các công trình công cộng. Thông qua hoạt động giám sát, các Ban GSĐTCĐ, Ban Thanh tra nhân dân đã phát hiện nhiều thiếu sót, nhất là sai phạm trong quá trình lập thủ tục đầu tư thi công công trình; vi phạm về tiến độ đầu tư; vi phạm quy trình, quy phạm kỹ thuật, chủng loại vật tư gây thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân đóng góp; phản ánh kịp thời với đơn vị thi công và chủ đầu tư để khắc phục sửa chữa, bảo đảm tiến độ, tránh lãng phí, thất thoát, đem lại niềm tin cho nhân dân và đặc biệt là tránh được tình trạng "cha chung không ai khóc" của các công trình công cộng.

Ban thanh tra nhân dân, Ban GSĐTCĐ ở nhiều xã, phường, thị trấn hoạt động có hiệu quả như ở xã Lê Hoá giám sát công trình đường bê tông Yên Xuân, TT Đồng Lê, đường nội vùng Quảng Hoá, trạm y tế, trường THCS Lê Hoá; xã Cao Quảng giám sát công trình đường cầu treo Vĩnh Xuân, hội trường và nhà làm việc của xã, cứng hoá giao thông nội thôn Vĩnh Xuân, công trình trạm y tế; xã Văn Hoá giám sát công trình hồ chứa Hói Chánh, hàng rào trường tiểu học, công trình khu tái định cư Đồng Thổ, kè chống xói lở dọc sông Gianh (huyện Tuyên Hóa).

Tại huyện Quảng Trạch, Ban TTND, Ban GSĐTCĐ đã tổ chức giám sát 86 công trình xây dựng cơ bản tại cộng đồng như: Đường giao thông nông thôn, bê tông hóa kênh mương nội đồng và một số công trình phúc lợi như tu sửa nghĩa trang, xây dựng nhà văn hóa, trường học, trạm y tế ... Qua giám sát đã phát hiện nhiều công trình thực hiện chưa bảo đảm kỹ thuật, sai thiết kế, buộc chủ đầu tư, nhà thầu điều chỉnh và làm lại như: đường giao thông nông thôn xã Quảng Tùng, kiên cố hóa kênh mương xã Quảng Lộc, cải tạo mạng lưới điện hạ áp nông thôn ở xã Quảng Thủy, công trình Trạm Y tế xã Quảng Lưu...

Đánh giá về hoạt động GSĐTCĐ trong thời gian qua, ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết: "Việc giám sát cộng đồng đã mang lại những hiệu quả thiết thực, hạn chế được các sai phạm trong quá trình triển khai các công trình, dự án, tạo điều kiện để "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Khi huy động được người dân tại nơi đó làm "tai", "mắt" giám sát công trình mà chính họ thụ hưởng sẽ phát huy được tinh thần, trách nhiệm của nhân dân. Bên cạnh đó, các nhà thầu, đơn vị thi công cũng ý thức rõ hơn về trách nhiệm bảo đảm chất lượng, tiến độ các công trình khi đảm nhiệm thi công".

Việc đẩy mạnh hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, giám sát cộng đồng ở cơ sở trong thời điểm các địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đã tạo thêm cơ chế để nhân dân tham gia giám sát, hạn chế những sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực hiện các công trình, dự án. Nhờ đó, chương trình xây dựng nông thôn mới của nhiều địa phương được diễn ra theo đúng kế hoạch, lộ trình.

Tuy nhiên, hoạt động của các Ban GSĐTCĐ, Ban Thanh tra nhân dân nhìn chung còn gặp khó khăn: các đối tượng chịu sự giám sát thiếu sự hợp tác, cộng thêm kinh phí hoạt động còn eo hẹp khiến ở không ít địa phương, một số thành viên các ban chưa thực sự "mặn mà" với trách nhiệm của mình. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, để hoạt động giám sát của Ban GSĐTCĐ, Ban Thanh tra nhân dân đạt hiệu quả cao hơn nữa thì rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cũng như kinh phí hoạt động cho Ban GSĐTCĐ, Ban Thanh tra nhân dân.

Giám sát đầu tư cộng đồng là công việc tự nguyện, thường bị coi là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Ban GSĐTCĐ phần lớn gồm những người cao tuổi, do người dân đề cử, làm việc không có thù lao, lại phải đối mặt, đấu tranh với quyền lợi của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công. Trên thực tế, để tìm hiểu về kỹ thuật, bản vẽ, thiết kế, so sánh đối chiếu trên thực địa, tìm hiểu về chất lượng, giá trị các mẫu vật liệu xây dựng, khối lượng thi công cụ thể... đòi hỏi những người làm công việc này phải bỏ nhiều công sức nghiên cứu, tìm tòi. Khó khăn là thế nhưng các Ban GSĐTCĐ, Ban Thanh tra nhân dân vẫn luôn cố gắng khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng các khu dân cư ngày càng giàu đẹp.

P.V