.
Cảnh đời:

Thương lắm phận già

Thứ Tư, 09/07/2014, 09:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở xóm Trọt Cau, thôn Tân Sơn, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, ai cũng biết gia cảnh của ông Trần Đức Thịnh (86 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hường (60 tuổi). Đã lâu nay, ông bà phải sống lay lắt trong căn nhà dột nát thấp bé, lại nuôi thêm đứa con gái tâm thần khiến ai cũng thương xót...

Căn nhà nhỏ thấp lè tè, lợp bằng lá cọ, vách đất, trống huơ, trống hoác là nơi tá túc suốt mấy chục năm qua của ông Trần Đức Thịnh và bà Nguyễn Thị Hường. Trong căn nhà nhỏ đó, hai người đã sống với nhau suốt 30 năm qua để nuôi 6 người con lớn lên. Nhưng giờ đây, con cái đi làm ăn xa để lại hai ông bà sống lay lắt cùng đứa con mắc bệnh tâm thần.

Căn nhà lụp xụp của hai ông bà mỗi khi mùa mưa bão đến lại nơm nớp lo sợ vì có thể sập bất cứ lúc nào. Ông Thịnh cho biết: “Những ngày mưa gió là cả nhà lại mất ngủ vì mưa dột khắp nơi, chỗ nằm cũng bị ướt hết. Mùa này còn đỡ chứ vào mùa mưa thì nhà tui thành vũng nước. Khi mô có bão là hai vợ chồng bỏ nhà ra trường học trú, còn đứa con gái thì sống chết gì cũng không chịu đi”.

Ông Trần Đức Thịnh và bà Nguyễn Thị Hường đang sống lay lắt trong căn nhà dột nát.
Ông Trần Đức Thịnh và bà Nguyễn Thị Hường đang sống lay lắt trong căn nhà dột nát.

Dù căn nhà rách nát chật chội nhưng ông bà vẫn không đủ điều kiện để làm lại nhà khác. Năm đứa con khỏe mạnh của ông bà lớn lên trong nghèo khổ nên cũng phải tha hương kiếm sống. Trong nhà chẳng có thứ tài sản nào có giá trị. Thứ tài sản quý giá nhất của ông bà là 2 cuốn sổ nhận tiền trợ cấp, một cuốn chứng nhận người con gái thứ 3 bị bệnh tâm thần, cuốn kia để nhận tiền trợ cấp cho người già trên 80 tuổi của ông. Với số tiền trợ cấp đó, vợ chồng ông dành phần nhiều để mua gạo, phần còn lại dùng để mua gia vị, còn tháng nào may mắn thì có thể mua vài con mắm để cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Nhiều khi cuối tháng hết gạo ông bà phải chạy vay nhà hàng xóm để nấu cháo ăn cho qua ngày.

Bà Trần Thị Loan, một hàng xóm ông Thịnh cho biết: Các con ông Thịnh, bà Hường bỏ vào miền Nam làm ăn mấy năm nay không thấy ai về. Còn người con gái đi lấy chồng xa nhưng bị bệnh tâm thần nên về lại ở với ông bà. Cô gái ấy chẳng biết cha mẹ mình là ai, nhiều lúc lên cơn còn đập phá đồ đạc, mắng chửi ông bà. Ở xã Sơn Hóa, nhà ông Thịnh gần như khổ nhất nên ai cũng biết. Ruộng nương làm chẳng đủ ăn nên cuối tháng là bà phải chạy đi mượn gạo khắp xóm.

Bà Nguyễn Thị Hường, vợ ông Thịnh nói: “Ngày trước khỏe mạnh còn làm đủ ăn, chừ hai vợ chồng già yếu lại bệnh tật nên chẳng làm được gì cả. Cách đây mấy hôm ông bị sốt cao, nằm run rẩy nhưng nhà không còn một hạt gạo nấu cháo cho ông ăn. Thấy thương quá nên một hàng xóm cho mấy lon nấu cháo cho ông ăn mới gượng dậy được”.

Giờ đây, 3 con người bất hạnh đó đang tựa vào nhau sống như những ngọn đèn dầu trước gió. “Trông ngóng con suốt mấy năm rồi mà chẳng thấy đứa mô quay về cả. “Thôi kệ, vợ chồng tui và đứa con gái cứ sống đến ngày mô hay ngày đó”. Nói xong, giọng bà Hường cứ nghèn nghẹn, từng giọt nước mắt lăn dài trên đôi má gầy gò hốc hác... 

Mọi sự giúp đỡ gia đình ông Trần Đức Thịnh xin gửi về địa chỉ:
Trần Đức Thịnh, xóm Trọt Cau, thôn Tân Sơn, xã Sơn Hoá, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

P.V