.

Lênh đênh kiếp vạn đò

Thứ Hai, 16/12/2013, 17:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Đứng trên cầu Gianh nhìn sang thôn Văn Phú, xã Quảng Văn (Quảng Trạch) - thẻo đất nơi hạ nguồn sông Gianh này thấy xôm tụ, náo nhiệt và thấp thoáng nhiều nhà cao tầng. Nhà cửa san sát, cứ đùn ra sát tận mép sông. Và trên sông nước dòng Gianh nơi đây còn là nơi sinh sống của một xóm vạn đò cũng đông đúc và xôm tụ không kém...

Của hồi môn là một con đò

Khi đến Văn Phú, ông Hoàng Văn Lành, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Quảng Văn, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Văn Phú bảo chúng tôi để xe máy lại ở bên ngoài rồi đi bộ dẫn chúng tôi vào làng. Thôn này đất chật người đông, đi bộ tiện hơn. Vả lại, đất không đủ để làm nhà thì lấy đâu ra đường sá đàng hoàng.

Đi được một đoạn, chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà nhỏ được thưng gỗ như cái chòi. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông giải thích rằng, đó là nhà của những hộ vạn đò lên mượn đất làm nhà ở tạm. Văn Phú hiện có 630 hộ (hơn 2.600 khẩu, 21% là hộ nghèo), trong đó có 120 hộ với khoảng 600 khẩu đang phải định cư hẳn trên thuyền vì không có đất ở. Không cần tính toán cũng biết, với chừng ấy dân số, thẻo đất nhỏ chừng 4,5 ha đất này làm sao "cõng" hết cho được. Và trong số 21% hộ nghèo và 22% hộ cận nghèo thì phần lớn đều rơi vào các gia đình ở vạn đò. Đàn ông vạn đò phần lớn theo bạn thuyền đánh cá xa bờ. Song, nguồn thu nhập chính này cũng bấp bênh, đầy vơi theo con sóng biển. Phụ nữ khỏe mạnh thì có nghề đáy cá, còn không thì ở nhà chăm con, đợi chồng.

Cũng nói thêm rằng, lối sống vạn đò là nếp cũ từ xưa đến nay của cư dân sông nước ở Văn Phú. Chỉ khi nào già yếu quá, không chịu được cái nổi nênh trên mặt sông và gió lớn nơi cửa bể, người ta mới lên bờ định cư.

Nhiều hộ gia đình dựng nhà nổi trên sông.
Nhiều hộ gia đình dựng nhà nổi trên sông.

Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm gặp được bà Mai Thị Vịnh (60 tuổi) đang ở nhà. Bà cho biết, bà cũng mới lên bờ được dăm năm thôi. Đất cũng chỉ vừa đủ để làm một ngôi nhà nên gia đình có 5 người con (4 trai, 1 gái), nhưng chỉ mới 1 người có đất làm nhà. Còn 3 người còn lại đều phải mượn đất, thưng ván ở tạm. Riêng gia đình cô con gái vẫn phải ở dưới thuyền. Vì không có đất nên mỗi người con khi ra ở riêng, bà phải đóng 1 con thuyền làm của hồi môn, vừa làm nhà ở vừa làm kế mưu sinh.

Gánh nặng trên sông...

Cuối chiều, bến sông nơi thẻo đất này càng trở nên đông đúc hẳn lên. Nhất là lũ trẻ nhỏ bồng bế nhau tíu tít, hất mặt về phía những con thuyền như những "ngôi nhà nổi" trên sông. Thuyền bè tấp nập cập bến. Ba chị em thằng nhỏ chỉ vào chiếc thuyền thấp thoáng ngoài xa, ý chừng đó là thuyền của bố mẹ nó.

Gia đình chị Hoàng Thị Hoa (39 tuổi), một trong số hơn trăm gia đình là cư dân đầu tiên của xóm vạn đò này kể: Sau khi cưới nhau xong, bố mẹ cho một con thuyền làm của hồi môn, một ít đồ dùng sinh hoạt và ngư lưới cụ nữa là ra ở riêng. Suốt hơn 12 năm nay, con thuyền này là nơi sinh sống của cả gia đình...

Nói rồi chị dẫn chúng tôi xuống thuyền. Trong "tổ ấm" nhỏ bé vẻn vẹn 5m2 của 7 con người này (anh chị có 5 người con) được ngăn thành 2 ô nhỏ. Ngăn trong cùng là buồng ngủ của anh chị và 2 đứa con út với bộn bề những áo quần, rương hòm của cả gia đình. Ngăn bên ngoài là nơi sinh hoạt chung, kiêm luôn nhà bếp và nơi ngủ của 3 đứa lớn. Thấy "khuôn viên" chật hẹp mà "lèn" đến 7 con người vào đây, chúng tôi hỏi: Chật chội thế này sao sinh nhiều thế? Chị chỉ mỉm cười tỏ vẻ ái ngại, rồi nói: Chật cũng phải chịu chứ răng nữa.

Thế, việc học hành của mấy đứa nhỏ thì sao? Ban ngày, chúng lên bờ ở với ông bà để đi học, đến tối chúng mới về ngủ ở thuyền. Chỉ hai đứa nhỏ chưa đến tuổi đi học vẫn phải theo bố mẹ. Còn học bài ở nhà thì chúng cứ nằm sắp hàng trên sạp thuyền để học, chị trả lời.

"Tổ ấm" của gia đình chị Hoàng Thị Thường ở gần đó cũng không khác gì gia đình chị Hoa là mấy. Vẫn là 2 ô buồng "đa chức năng" được ngăn đôi ấy là nơi ăn ngủ, sinh hoạt của 5 con người. "Không có nhà, ở thuyền cái gì cũng không. Nước sạch dành cho ăn uống phải mua (5.000 đồng/20 lít). Điện phải dùng điện ắc quy. Việc tắm giặt phải dùng nước dưới sông rồi rửa lại bằng nước sạch. Chị Thường cho biết gia đình chị muốn lên ở bờ lắm nhưng hết đất rồi.

Tìm hiểu tiếp, chúng tôi biết được rằng, riêng chuyện học hành ở đây cũng là một vấn đề khi nhận thức của người dân ở đây vẫn chưa được đầy đủ. Ông Lành tâm sự: "Việc học hành ở đây gần như chỉ duy trì ở mẫu giáo và cấp tiểu học, còn lên cấp trung học thì "rơi rớt" dần. Đến lớp 9 chỉ còn khoảng 50 đến 60%. Tính sơ sơ như năm nay, mới khai giảng năm học mới đã có trên 10 cháu bỏ học".

Nhưng gánh nặng của trên xóm vạn đò này không chỉ có vậy. Với 120 hộ và hơn 600 nhân khẩu, bình quân mỗi hộ ở đây có đến hơn 5 người. Trước áp lực dân số, trong lịch sử, người làng Văn Phú đã có nhiều cuộc di cư đến các vùng đất mới. Đáng kể như cuộc di cư của khoảng trên 100 hộ dân vào vùng Sông Bé (miền Nam) cách đây mấy chục năm. Ngoài ra còn có một số cuộc di cư khác lên khai hoang các vùng kinh tế mới ở huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch...

Song, mấy chục năm qua, dân số ở đây vẫn tiếp tục "vỡ" ra, khi số lượng người chuyển đi vẫn không phải là phép trừ lý tưởng để cân bằng với tỷ lệ dân số đang tăng lên. Khi được hỏi: Giữa tốc độ tăng dân số và đất nhà ở, thì cái nào áp lực nhiều hơn? Ông Lành trăn trở: Trước mắt là đất ở, còn về lâu về dài là dân số. Những năm gần đây, nhờ áp dụng các biện pháp tuyên truyền vận động nên tốc độ tăng dân số đã có phần giảm bớt. Tuy nhiên, đây vẫn là một bài toán khó.

Nếu như đất ở là một phép tính khó trước mắt thì dân số là một trong những bài toán cần được chính quyền ở đây giải quyết một cách cần kíp và lâu dài. Và chỉ khi nào hóa giải được bài toán giảm dân số thì áp lực đè nặng lên đất ở sẽ nhẹ gánh đi chừng đó.

Ông Trần Văn Bông, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn cho biết: Quỹ đất còn được bao nhiêu thì đầu năm 2013, chúng tôi đã ưu tiên cấp đất cho 48 hộ nghèo ở xóm vạn chài lên bờ để định cư rồi. Còn 120 hộ còn lại vẫn phải tiếp tục sinh sống trên thuyền hoặc tận dụng mặt sông làm nhà nổi để ở.

Lê Thy - Văn Minh