.

Thượng Trạch còn lắm khó khăn

Thứ Sáu, 13/12/2013, 08:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Thượng Trạch đang rất cần sự đầu tư, giúp đỡ từ các ngành, các cấp, có như vậy địa phương sẽ có điều kiện thoát khỏi những khó khăn trước mắt và từng bước phát triển kinh tế-xã hội.

 

Không có điện nên bà con dân bản phải giã lúa thay cho việc xay xát.
Không có điện nên bà con dân bản phải giã lúa thay cho việc xay xát.

Không điện, không nước...

Thượng Trạch là xã heo hút nhất của huyện Bố Trạch, nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn, giáp với nước bạn Lào. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Ma Coong và A Rem. Với sự quan tâm của tỉnh, huyện, của Bộ đội Biên phòng, bà con bây giờ đã biết cho con đến trường học cái chữ của Bác Hồ, biết đến trạm y tế khi ốm đau, biết làm lúa nước như người miền xuôi...

Nhiều tập tục lạc hậu đã được loại bỏ, người Ma Coong, A Rem bên cạnh việc giữ gìn nét đẹp văn hóa của mình, đã tiếp nhận thêm những cái mới, văn minh, tiến bộ... của người miền xuôi. Thế nhưng, cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt vẫn chưa có điện, chưa có nước sạch, một số con đường vào bản làng vẫn còn khó khăn và cách trở. Xã có 478 hộ và 2.298 nhân khẩu, trong đó có 70% hộ nghèo và 30% hộ cận nghèo.

Vì không có điện, để tiếp cận với thông tin từ thế giới bên ngoài, người dân Thượng Trạch nhà nào cũng có một chiếc radio. Vào các bản làng lúc xế chiều sẽ được nghe tiếng radio vang lên rộn ràng từ khắp các gia đình.

Không những không có điện, bà con dân bản cũng chưa có nguồn nước sạch để sinh hoạt, đa số người dân phải sử dụng nguồn nước khe suối để sinh hoạt hàng ngày. Ông Đinh Nhớn, bản Nịu cho biết: Khi mưa lũ về, bà con trong bản phải uống nước đục. Mùa hè trâu bò "lăn" phía trong, nguồn suối phía ngoài bà con cũng phải lấy nước dùng. Biết nước mất vệ sinh nhưng cũng phải dùng vì không có nước sạch".

Không chỉ thiếu điện, thiếu nước, hệ thống giao thông về các bản còn rất khó, một số bản phải lội qua khe, suối mới đến được. Theo anh Đinh Ngu, trưởng bản Nịu cho biết: “Đường sá xa xôi nên việc giao thương, buôn bán trên này khó khăn lắm. Lái buôn thì họ ít qua đây vì đường sá xa xôi, lên đây mà vác được con gà, con lợn về cũng đứt hơi. Mà có lên thì họ toàn mua với cái giá rẻ bèo. Họ nói đường sá khó đi lại nên bớt xén nhiều, thành ra bà con nuôi cả năm mới được con gà, con lợn cũng chẳng có lãi".

Trắng mùa lúa sau bão

Thượng Trạch là xã hiếm hoi của tỉnh ta có số diện tích lúa rẫy lên đến hàng trăm ha, thế nhưng sau bão số 10, lúa của bà con gần như mất trắng. Năm nay, toàn xã gieo được hơn 400 ha lúa rẫy.

Tập quán chăn nuôi mang tính hoang dã nên công tác phòng trừ dịch bệnh còn hạn chế, vật nuôi bị chết rất nhiều.
Tập quán chăn nuôi mang tính hoang dã nên công tác phòng trừ dịch bệnh còn hạn chế, vật nuôi bị chết rất nhiều.

Chị Y Đi, bản Cà Ròong 1 cũng như nhiều hộ gia đình khác ở Thượng Trạch sống chủ yếu dựa vào những vườn đất rẫy trồng vài sào lúa, sắn... Đời sống còn nhiều khó khăn, vườn đất rẫy trở thành nguồn sống giúp người dân vùng cao tìm được kế sinh nhai. “Bão làm hư hết lúa rồi. Năm nay coi như mất trắng mùa lúa”, chị Y Đi nghẹn ngào.

Được biết, lúa rẫy ở Thượng Trạch chỉ làm một vụ chính. Mùa rẫy bắt đầu từ cuối tháng hai. Đầu tháng ba, công việc phát rẫy bắt đầu, thời gian kéo dài vài chục ngày, tất cả thành viên gia đình không phân biệt nam, nữ đều tham gia. Cuối tháng tư, khi cây cỏ phát trên rẫy đã khô, dân làng đốt rẫy và bắt đầu gieo hạt. Đến tháng 9, tháng 10 âm lịch là thu hoạch.

Đa số bà con Thượng Trạch đều làm lúa rẫy, toàn xã chỉ có 0,8 ha lúa nước. Ở Thượng Trạch có nhiều hộ dân làm lúa rẫy rất giỏi như hộ gia đình ông Đinh Thìn (bản Cờ Đỏ), Đinh Xầm (bản Bụt), Đinh Cửi (bản Cu Tồn)... năm nay gieo gần 2 tạ lúa giống, lúa đang độ chín sắp thu hoạch thì bão vào, làm rụng hạt hết.

Đặc biệt, tập quán chăn nuôi của bà con mang tính hoang dã nên công tác phòng trừ dịch bệnh còn hạn chế. Vì thế nên gia súc, gia cầm bị chết rất nhiều, có đợt dịch bệnh, nhiều gia đình mất hết vật nuôi trong nhà.

Thượng Trạch đang rất cần sự đầu tư, giúp đỡ từ các ngành, các cấp, có như vậy địa phương sẽ có điều kiện thoát khỏi những khó khăn trước mắt và từng bước phát triển kinh tế - xã hội. 

Thanh Hoa