.
Mỗi tuần một chuyện:

Muốn học, phải có... tiền!

Thứ Tư, 11/12/2013, 13:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Những tưởng đấy là quy luật đơn giản của người có nhu cầu học tập, đó là đi học thì phải nộp học phí, thế nhưng đây lại là chuyện ngược lại, tức là khi ai đó đi học, họ phải được hỗ trợ tiền, nếu không thì... đừng mơ!

Chuyện nghe ra có vẻ vô lý nhưng hoàn toàn là sự thật đang xảy ra ở không ít địa phương trong tỉnh. Trong một lần đi làm việc cùng dự án nọ, thấy lớp đào tạo nghề có số lượng ít hơn dự tính, tôi hỏi nguyên nhân thì một học viên trả lời, do lớp này không được hỗ trợ tiền nên người ta không muốn tham gia. Tôi ngạc nhiên chất vấn, rằng đi học là để mang lại kiến thức và nghề nghiệp cho bản thân người học, không phải nộp học phí đã là sự ưu đãi rồi, sao còn đòi tiền hỗ trợ, thì nhận được câu trả lời là vẫn biết thế, nhưng xưa nay nhiều người đã quen với việc được hỗ trợ tiền khi đi học, tập huấn, giờ không có nên thiếu nhiệt tình(!?).

Trên thực tế, không chỉ có người dân mới có ý nghĩ như thế, mà kể cả cán bộ xã, thôn vẫn có tư tưởng này. Một chị cán bộ dự án nọ bức xúc kể: Khi chúng tôi đặt vấn đề mời một số cán bộ và người dân địa phương đi tập huấn, ông cán bộ xã lắc đầu bảo không được. Lý do ông nêu ra là cùng thời gian đó, cán bộ xã ông phải đi dự một lớp tập huấn khác với mức hỗ trợ khá cao. Ông "vô tư" giải thích "Lớp kia đang có tiền hỗ trợ, phải để cho anh em tham gia để kiếm chút tiền, chứ lớp này không có tiền, tổ chức khi nào chẳng được!". Câu trả lời "vô tư" của ông cán bộ xã nọ khiến cho không ít người bất bình.

Thực trạng này xảy ra không ít, đặc biệt là ở các địa phương khó khăn đang được nhận sự hỗ trợ của nhiều dự án. Với việc được hỗ trợ kinh phí khi tham gia học tập, nhiều lớp học nghề, tập huấn đã trở thành dịp để một số người ghi danh để nhận tiền. Thậm chí nhiều nơi người dân còn so sánh mức hỗ trợ giữa lớp học này và lớp học kia. Và một điều dễ nhận thấy nữa là, ở những lớp có mức hỗ trợ cao, học viên thường là con em của cán bộ thôn, xã. Những lớp này, nhiều người dân thực sự có nhu cầu học tập cũng khó chen chân. Còn ở những lớp được hỗ trợ thấp hoặc không có hỗ trợ, học viên không đông và phần lớn trong số họ là những người có nhu cầu học tập thực sự...

Để làm thay đổi tư tưởng tiêu cực này không phải dễ, khi hàng chục năm nay, một bộ phận người dân đã quen với cách thức học tập này, thậm chí tư tưởng này còn hiện hữu đối với cán bộ, đảng viên. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của việc học tập, điều quan trọng hơn nữa là mỗi một cán bộ chính quyền các địa phương phải gương mẫu và công tâm trong quá trình lựa chọn học viên nhằm bảo đảm đúng đối tượng và yêu cầu của các lớp học, tập huấn. Bên cạnh đó, những đơn vị tài trợ cũng phải xác định rõ nhu cầu của từng địa phương, tránh tình trạng triển khai các lớp tập huấn chỉ để hoàn thành chỉ tiêu và... giải ngân.

Nếu không làm được những điều nói trên, thì tư tưởng "muốn tôi đi học, anh phải hỗ trợ tiền" sẽ vẫn còn tồn tại, đồng nghĩa với việc chúng ta lãng phí không ít thời gian, tiền bạc và những cơ hội học tập chính đáng đối với nhiều người. Và như thế, hành trình xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu sẽ còn vời vợi xa!

Ngọc Mai