.

Khi giáo viên chưa yên tâm về nhà ở để "cắm bản"

Thứ Tư, 11/12/2013, 10:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Một căn nhà vững chãi để sống là điều rất cần thiết với mỗi con người. Thế nhưng, những giáo viên nội trú ở Trường THCS Cao Quảng, xã Cao Quảng (Tuyên Hoá) hàng ngày vẫn sống trong lo âu vì nhà nội trú đã tạm bợ nay lại hư hỏng nặng sau bão số 10 và 11.

 

Nhà nội trú bị phá nát sau hoàn lưu bão số 11.
Nhà nội trú bị phá nát sau hoàn lưu bão số 11.

Trường THCS Cao Quảng có 179 em học sinh. Trường có 21 giáo viên, cán bộ, nhân viên nhưng đã có đến 17 người ở nội trú. Từ trước đến nay, các giáo viên cùng với gia đình đang sinh sống trong những căn phòng ngày nắng thì nóng, ngày mưa thì ẩm thấp và dột nát.

Được biết, Trường THCS Cao Quảng có số lượng giáo viên nội trú khá lớn ở huyện Tuyên Hóa vì giao thông vùng này khá cách trở. Giáo viên ở các xã Châu Hóa, Mai Hóa cũng phải ở nội trú mặc dù từ trường tới nhà chưa tới chục cây số. Dãy nhà nội trú có 15 phòng tạm bợ thì có 3 phòng là nơi làm việc cũng là nơi ở của các giáo viên.

Sau cơn bão số 10, dãy nội trú của trường bị phá tan nát, các phòng bị tốc mái, bổ xiêu vẹo. Nhà trường, địa phương khắc phục chưa xong thì hoàn lưu của bão số 11 lại làm cho dãy nội trú bị phá nát thêm một lần nữa. Một số thầy cô có phòng nhưng buộc phải ở ghép để ở lại đứng lớp.

Cô Lê Thị Mai Hương, giáo viên ở trường cho biết: "Trong cơn bão số 10 và 11, tôi không thể về nhà được nên phải ở lại trường. Khi bão đến, được sự chỉ đạo của nhà trường và chính quyền địa phương, các thầy cô ở nội trú phải di dời tránh bão. Bão qua đi, khi về đến nơi thì khu nhà nội trú bị tốc mái, đồ đạc ngổn ngang và ướt nhẹp".

Khu nội trú tạm bợ, ẩm thấp và dột nát ở Trường THCS Cao Quảng.
Khu nội trú tạm bợ, ẩm thấp và dột nát ở Trường THCS Cao Quảng.

Ông Hoàng Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Cao Quảng cho biết: Cơ sở vật chất của trường thiếu thốn đủ bề. Chưa có các phòng học bộ môn bảo đảm quy định về phòng học bộ môn tại Quyết định số 37/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16-7-2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phòng làm việc của hiệu trưởng, hiệu phó, phòng họp, phòng thường trực đều chưa có. Khu vệ sinh riêng cho học sinh nam, học sinh nữ chưa đúng quy chuẩn. Hệ thống nhà ở nội trú cho giáo viên còn tạm bợ nằm trong khuôn viên nhà trường. Ngoài ra, thiết bị dạy học được trang cấp từ trước năm 2007 nay đã xuống cấp hết và hạn sử dụng.

Điều trăn trở là mục tiêu đặt ra cho Trường THCS Cao Quảng đến năm  2015 phải đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, cấp bách nhất là đưa khu nội trú ra khỏi khuôn viên. Nhưng do thiếu kinh phí nên không thể thực hiện dù xã Cao Quảng đã đồng ý cấp đất để xây” - thầy Hoàng Quang Vinh ngậm ngùi chia sẻ.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Biết vậy, nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp của địa phương chỉ đủ góp thêm vào việc mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nâng cấp, sửa chữa phòng học. Với điều kiện sống và sinh hoạt như đời sống của giáo viên Trường THCS Cao Quảng thật quá khó khăn.

Thanh Hoa