.

"Dây neo" hạnh phúc

Thứ Ba, 31/12/2013, 13:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, Trung tâm giáo dục lao động xã hội đã đón nhận hàng trăm người nghiện ma túy vào để giáo dục, chăm sóc. Nơi đây, các đối tượng được cán bộ, nhân viên Trung tâm yêu thương chăm lo chu đáo, tận tình như chính người thân của mình. Và Trung tâm như là “dây neo” hạnh phúc, một điểm tựa tinh thần giúp người nghiện ma túy có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, sớm trở lại hòa nhập cộng đồng.

Ngôi nhà chung của những người lầm lỡ

Một chiều cuối đông, chúng tôi ngược lên phía tây thành phố Đồng Hới đến với Trung tâm giáo dục lao động xã hội thuộc Sở Lao động-Thương binh và xã hội. Trung tâm nằm khuất sau cánh rừng bạch đàn ở tiểu khu 14, phường Bắc Nghĩa. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm cho hay: Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận và giáo dục được 180 đối tượng nghiện ma túy từ khắp nơi trong tỉnh. Thời điểm này vẫn còn 50 đối tượng đang được giáo dục ở đây. Từ khi thành lập, Trung tâm đã trở thành mái nhà chung của những người lầm lỡ, níu kéo họ trước vực thẳm "cái chết trắng".

Đến với Trung tâm, những đối tượng nghiện ma túy sẽ được tiếp nhận, phân loại, chữa trị, giáo dục để sớm tái hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương quản lý và giúp đỡ họ sau cai nghiện. Đối tượng vào Trung tâm phần lớn là nam giới, chủ yếu con em nông dân đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh. Nơi đây, những người lầm lỡ được đội ngũ cán bộ quan tâm chăm sóc như chính người thân của mình.

Để giúp đỡ những người lầm lỡ, Trung tâm đã tạo cho họ một môi trường lao động và sinh hoạt lành mạnh. Hàng ngày, các đối tượng sẽ làm những người nông dân. Công việc của họ là trồng, chăm sóc rau, chăn nuôi lợn, bò. Ngoài lao động, họ cũng được chăm lo đời sống tinh thần, được tham gia chơi các môn thể thao tập thể như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... Mỗi khi có tâm sự, họ thường tìm đến cán bộ của Trung tâm để được chia sẻ, tư vấn. Chị Trần Thị Hiền Hòa, một cán bộ của Trung tâm cho hay: “Nhiều lúc, đối tượng bị ức chế hay trầm cảm chúng tôi đều động viên, xem họ như anh em, người thân của mình đang cần giúp đỡ. Nhờ sự quan tâm đó đã giúp cho nhiều đối tượng cai nghiện thành công, trở lại hòa nhập với cộng đồng.

Ở Trung tâm giáo dục lao động xã hội, đối tượng cai nghiện được chơi các môn thể thao tập thể.
Ở Trung tâm giáo dục lao động xã hội, đối tượng cai nghiện được chơi các môn thể thao tập thể.

Anh N. B. L, một đối tượng ở thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch tâm sự: “Tôi đến Trung tâm hơn 14 tháng rồi. Từ khi vào đây, tôi nhận được sự quan tâm, chăm sóc rất nhiều của các cán bộ ở đây nên đã bỏ được ma túy và thuốc lá, người tôi cũng đã tăng lên 14 cân chứ không còn ốm yếu như trước”. Anh L. dấn thân vào ma túy cách đây 10 năm. Cũng từ đó, gia đình anh gần như tan gia bại sản, còn anh trở nên tiều tụy vì ma túy hành hạ.

Trước đây, anh cũng có vợ hiền, con ngoan, công việc ổn định, gia đình hạnh phúc nhưng chỉ vì phút giây nông nổi đã đẩy anh vào cảnh trắng tay. “Những lỗi lầm của tôi gây ra cho tôi và mọi người hiệu quả quá lớn. Tôi ân hận và xấu hổ lắm, ra đường bị nhiều người xa lánh. Nhưng vào Trung tâm, tôi như được sống lại. Nhiều người cùng cảnh ngộ đã biết quan tâm, chia sẻ, nhất là sự động viên của cán bộ, nhân viên nơi đây. Và ở đây, tôi thấy như một ngôi nhà chung của những người lầm lỡ”, anh L. nói.

Ngày đêm của tình yêu

Ở Trung tâm giáo dục lao động xã hội, các đối tượng nghiện ma túy không chỉ được yêu thương, giáo dục để trở lại làm người có ích cho xã hội mà gia đình họ còn được phép vào thăm gặp. Đặc biệt, những người cai nghiện tốt, có ý thức chấp hành sẽ được tạo điều kiện cho người thân ở lại qua đêm. Tại đây, Trung tâm bố trí 5 phòng thăm nuôi khá đầy đủ tiện nghi để ăn ở và sinh hoạt. Trong đó có 2 phòng dành cho những cặp vợ chồng đến thăm gặp và yêu thương. Ở đó, những cặp vợ chồng sẽ có một ngày đêm của tình yêu, họ sẽ được tận hưởng nhưng giây phút tự do tâm sự...

Tại đây, chúng tôi gặp chị N. T. L, ở phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới vào thăm chồng. Chồng chị L. đã vào Trung tâm được hai tháng nay. Chị  tâm sự: “Vợ chồng cưới nhau về là em động viên anh ấy vào Trung tâm luôn. Phận gái mới về làm dâu mà không có chồng bên cạnh cũng buồn lắm! Vậy nên cuối tuần nghỉ việc là em vào thăm chồng rồi ở lại đây qua đêm luôn”. H. tiếp lời vợ: Cũng vì em trót dại nên vợ em mới khổ thế này. Em sẽ từ bỏ ma túy để sau này về làm nghề lái xe, kiếm tiền nuôi vợ con”. L. và H. đã yêu nhau 4 năm trời. Dù biết H. nghiện ma túy nhưng L. vẫn một lòng yêu thương. Trò chuyện với chúng tôi, người vợ trẻ rưng rưng nước mắt: “Biết anh ấy nghiện nhưng em không thể bỏ rơi. Bởi em tin rằng, được Trung tâm giáo dục, H. sẽ từ bỏ ma túy để về với mẹ con em. Dù có khó khăn mấy, em cũng sẽ chờ”.

Còn gia đình anh L. ở thị trấn Ba Đồn vì bận công việc nên ít vào thăm hơn. Nên mỗi lần vợ con đến, Trung tâm đều đưa anh tới “ngôi nhà hạnh phúc” cho gia đình đoàn tụ một ngày đêm. Với L, đó thực sự là ngày đêm của tình yêu, của hạnh phúc. Bởi một con người gây ra cho bản thân và người khác nhiều tội lỗi như vậy những vẫn còn nhiều người yêu thương, quan tâm. “Mỗi lần thấy vợ con vào thăm, tôi rất vui và hạnh phúc”, L. nói.

Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm: “Việc cho người vào thăm gặp các đối tượng cai nghiện ma túy là một chính sách hết sức nhân văn, nhân đạo của Nhà nước ta. Đặc biệt, chúng tôi tạo điều kiện hết sức để các cặp vợ chồng thăm gặp và ở lại qua đêm”.

Nhờ đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đây chăm sóc, điều trị và tạo điều kiện tốt nhất đã giúp cho nhiều đối tượng từ bỏ hẳn ma túy. Từ năm 2010 đến nay đã có 130 đối tượng cai nghiện thành công trước khi rời Trung tâm, trong đó có nhiều người đã từ bỏ hẳn ma túy để trở thành người có ích cho xã hội. Để có được thành công đó, bởi ở Trung tâm có một ngày đêm của tình yêu, tạo nên “sợi dây” vô hình neo lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Xuân Vương