.

Ngày không quên

Thứ Tư, 01/01/2014, 17:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngót 50 năm đã trôi qua kể từ ngày đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ nhằm lấy cớ đưa không quân, hải quân ra ném bom miền Bắc Việt Nam. Ngày 5-8-1964 đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và lịch sử chiến đấu vẻ vang của quân dân Quảng Bình nói riêng như một mốc son chói lọi. Với cựu lính hải quân Hồ Minh Kiểm (Đức Trạch, Bố Trạch), người từng trực tiếp tham gia chiến đấu bắn rơi máy bay Mỹ tại cảng sông Gianh, đó sẽ mãi là ký ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời ông.

Chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh Hồ Minh Kiểm vào một ngày đầu xuân khi ông đang tất bật với những công việc không tên của một Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tại địa phương. Nhìn dáng vẻ linh hoạt, xông xáo của ông ít ai ngờ rằng người cựu chiến binh ấy năm nay đã bước sang tuổi 74. Dường như quãng thời gian "nếm mật nằm gai" nơi chiến trường và những năm tháng lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, cống hiến hết mình cho sự phát triển của quê hương đã tôi rèn cho ông “tinh thần thép” và bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ để nó luôn toả sáng trong mọi hoàn cảnh.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, người chiến sĩ hải quân chiến đấu trên con tàu 167 ngày ấy giờ đây đã ở vào tuổi xế chiều, nhưng ông không thể nào quên được những giờ phút kiên cường quần nhau với quân thù. "Cho đến hết cuộc đời đó sẽ mãi là miền nhớ trong trái tim tôi và nhiều đồng đội khác", ông Kiểm cất giọng sang sảng, đầy hân hoan, đặt tay lên khuôn ngực đen sạm, dãi dầu. Ký ức về trận đầu vang dội trên sông Gianh và tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân dân Quảng Bình chợt ùa về như một thước phim quay chậm.

51 năm về trước, khi đang là anh giáo làng đầy nhiệt huyết, sôi nổi, Hồ Minh Kiểm tạm "gác bút nghiên" để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia huấn luyện tại Hưng Nguyên (Nghệ An), sau đó ra Tiên Yên (Quảng Ninh) học vô tuyến điện. Khi sự kiện Vịnh Bắc Bộ nổ ra, ông về đầu quân tại tàu 167, phân đội 5, E171 thuộc Quân chủng Hải quân. "Chính trong những ngày này, chúng tôi mới thật thấm thía sự khốc liệt của chiến tranh. Ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh đến vô cùng. Nhưng thật kỳ lạ, càng khốc liệt, hiểm nguy, tinh thần chiến đấu của anh em càng thêm ngoan cường, ý chí càng thêm sắt đá”, đôi mắt in hằn đầy những vết chân chim thời gian của người chiến sỹ già ấy ánh ngời đến lạ thường khi kể cho chúng tôi nghe về “mốc son” của cuộc đời mình...

CCB Hồ Minh Kiểm (người mặc áo trắng ngồi bên trái) cùng đồng đội ôn lại ký ức về trận đầu vang dội trên sông Gianh.
CCB Hồ Minh Kiểm (người mặc áo trắng ngồi bên trái) cùng đồng đội ôn lại ký ức về trận đầu vang dội trên sông Gianh.

Nhằm cứu vãn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” trước nguy cơ bị phá sản, từ năm 1964, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam, đồng thời dùng nhiều thủ đoạn thâm độc liên tục phá hoại miền Bắc. Nghiêm trọng hơn là ngày 5-8-1964, sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, chính quyền Mỹ quyết định sử dụng không quân tiến công miền Bắc nước ta. Ngay trong ngày hôm đó, sau hàng loạt hành động khiêu khích phá hoại có hệ thống, chúng bất ngờ mở cuộc tấn công mang tên “Hành quân Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên), đánh phá vào hầu hết các căn cứ hải quân của ta trên suốt dải ven biển miền Bắc hòng tiêu diệt lực lượng hải quân ta và mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn trên miền Bắc. Quảng Bình khi đó nằm gọn trong tầm ngắm của kẻ thù, là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay và hải quân Mỹ, với mục đích nhằm ngăn chặn việc chi viện của miền Bắc cho lực lượng cách mạng miền Nam.                                    

Đơn vị ông Kiểm cùng các tàu hải quân 173, 175, 177 (Phân đội 6); 181, 183 (Phân đội 7) được lệnh phối hợp với các trận địa pháo cao xạ, súng máy trên hai bờ sông Gianh, trong đó có trung đội dân quân xã Cảnh Dương bắn chặn các đợt ném bom, bắn phá dữ dội của máy bay địch. Đêm 4-8, sau khi chi viện cho đảo Cồn Cỏ về, tàu ông Kiểm cập cảng sông Gianh để bảo dưỡng. Đến 11 giờ 30 phút ngày 5-8, địch bất ngờ tấn công vào cảng Gianh hòng chặn đường tiếp tế của ta. Chiến sự ác liệt hơn bao giờ hết.

Ông Kiểm nhớ lại: "Lúc đó, tôi đang trực điện tín dưới khoang tàu, nghe tiếng ù ù từ xa, tôi cùng một đồng chí nữa chạy lên đài chỉ huy quan sát. Từ xa, chúng tôi thấy có mấy đốm đen trông như một bầy quạ nhưng chúng bay thẳng mà không liệng. Nghi ngờ đó là máy bay địch, ngay lập tức chúng tôi báo động cho toàn tàu để chuẩn bị sẵn sàng đánh trả. Vừa dứt báo động thì tiếp tục xuất hiện thêm một tốp khác chừng 10 chiếc, sau đó thêm tốp thứ ba khoảng 12 chiếc. Mỗi tốp cách nhau chỉ khoảng 5 phút. Ngay lập tức tốp thứ nhất từ phía mặt trời lặn bổ nhào xuống tàu. Do được báo động kịp thời nên đơn vị chủ động đánh trả không hề nao núng.

Giữa lúc đó, tốp máy bay thứ hai, thứ ba của địch từ ngoài biển tiếp tục xông thẳng vào trận địa". Hồ Minh Kiểm cùng các chiến sỹ hải quân tàu 167 anh dũng chiến đấu trong tình thế tương quan lực lượng thấy rõ. Địch càng hung hãn, các chiến sỹ ta càng kiên cường đánh trả, chiến đấu liên tục hơn 3 giờ đồng hồ từ cảng sông Gianh cho đến tận xã Quảng Văn.

Lúc này, đơn vị ông Kiểm gặp phải khó khăn do tàu bị cản trở bởi sức nặng của chiếc neo hơn 1 tấn và toàn bộ lưới của ngư dân bị kéo lê suốt dọc đường đi. Khó khăn là thế nhưng toàn đơn vị không một ai nao núng tinh thần và dường như càng chiến đấu họ lại càng "hăng". Tình hình càng lúc càng ác liệt, ông Kiểm được lệnh lên tiếp tế đạn cho anh em pháo thủ tiếp tục chiến đấu. Máy bay địch hung hãn dội bom khiến ông và nhiều đồng đội bị thương nặng. Thuyền trưởng Nhàn, người Thạch Hà, Hà Tĩnh bị hy sinh. Đau xót, căm phẫn biến thành ngọn lửa quyết tâm cao độ, chiến sỹ ta chống trả quyết liệt. Hồ Minh Kiểm mặc dù bị thương nhưng vẫn kiên quyết bám trụ boong tàu để tiếp đạn cho đồng đội. Tàu 167 cùng các đơn vị khác đã hiệp đồng, phối hợp chiến đấu chặt chẽ với bộ đội phòng không, dân quân, tự vệ tạo nên mạng lưới hỏa lực phòng không bắn máy bay địch ở tầm thấp, tầm trung đan xen, dày đặc, hiệu quả.

Trên cơ sở thế trận được chuẩn bị, sau mỗi đợt chiến đấu, bộ đội ta vừa rút kinh nghiệm, vừa linh hoạt sáng tạo trong chiến đấu. Nhờ vậy, khi máy bay địch tập kích, bộ đội ta đã chủ động bắn đón, đánh chặn trên các hướng, hạn chế thiệt hại do các đợt đánh phá địch gây ra, bảo toàn lực lượng tàu hải quân, bảo vệ tốt các mục tiêu trọng yếu. Với tinh thần quyết thắng, quân dân Quảng Bình đã bắn hạ được 2 máy bay địch, bắn bị thương 1 chiếc, buộc chúng phải rút lui trong thất bại.

“Tuy giặc Mỹ có máy bay tầm xa, tàu chiến hiện đại, nhưng không đánh thắng được ý chí gan góc, kiên cường và chiến thuật đánh sông biển độc đáo của Hải quân Việt Nam. Qui luật của chiến tranh là mạnh được yếu thua, nhưng phần thắng không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ mạnh. Nhân dân Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng quyết đánh Mỹ và thắng Mỹ ngày ấy không phải chúng ta có vũ khí hiện đại hơn họ, mà chúng ta có tinh thần chiến đấu dũng cảm và không bao giờ bị khuất phục trước mưu đồ xâm lược của Mỹ”, ông Kiểm tự hào khẳng định.

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Hồ Minh Kiểm tiếp tục theo đơn vị đi chi viện cho đảo Cồn Cỏ, rồi trực tiếp tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, sau đó gia nhập vào Phân đội 23 rà phá bom mình ở sông Gianh. Gần 15 năm trời biền biệt xa gia đình và người vợ trẻ chỉ được sống cạnh chồng vẻn vẹn có 3 ngày cùng đứa con gái 14 tuổi chưa một lần được gặp cha, phải đến năm 1976 vì lý do sức khoẻ, ông Kiểm mới được trở về địa phương đoàn tụ với gia đình. Trở về với cuộc sống đời thường sau bao năm lăn lộn từ chiến trường này sang chiến trường khác, CCB Hồ Minh Kiểm vẫn miệt mài cống hiến cho sự phát triển của quê hương. Hơn 3 năm làm Phó Chủ tịch UBND kiêm trưởng công an xã Đức Trạch, 5 năm làm Phó Chủ tịch HĐND xã và gần 14 năm là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, ông Kiểm luôn lấy hai chữ "vì dân" làm động lực hoàn thành mọi công việc. Giờ đây, khi đã vào ở cái tuổi xế chiều, nhiệt huyết của người lính năm xưa vẫn chưa một ngày bị dập tắt.

Đào Vân