.

Chuyện làng tôi...

Thứ Tư, 01/01/2014, 09:08 [GMT+7]

(QBĐT) - “Lấy anh thấy đói em đừng lo
Tay anh tát nước, miệng anh hò kéo neo…”

Câu hát ấy tôi được nghe từ thưở ấu thơ. Và xuyên suốt gần 400 năm lịch sử của làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch), nó không chỉ giản đơn là câu hát, mà đó chính là phẩm chất của người dân quê tôi. Lạc quan và không đầu hàng nghịch cảnh, họ đã vượt qua mọi thử thách tưởng chừng không thể gượng dậy được, để tiếp tục lao động và sáng tạo.

Xuân này, sau những tàn phá khủng khiếp của thiên tai, những ông chủ tàu giờ trắng tay vẫn tự tin ra biển. Có lẽ chưa bao giờ câu ca “Đừng than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” lại đúng như lúc này, với người làng tôi!

Sinh ra và lớn lên rồi gắn bó hết cuộc đời mình với biển, người làng tôi chẳng lạ gì bão tố phong ba. Biển giống một cô nàng đỏng đảnh, mới bao dung dịu dàng với bạt ngàn cá tôm no đủ, thoắt đã cuồn cuộn sóng dữ tràn bờ và cướp đi tất cả. Gần 400 năm lịch sử, người làng tôi trải qua bao thăng trầm cùng biển với bao khoảnh khắc hạnh phúc xen lẫn âu lo...

Nhưng có lẽ trong ký ức của mỗi người, tháng 10-2013 sẽ là một khoảng thời gian không thể nào quên. Giờ nhớ lại, nhiều người vẫn bắt đầu câu chuyện bằng cụm từ "Chưa bao giờ...". Vâng, có lẽ mấy chục năm qua, chưa bao giờ phong ba lại cuồng nộ đến thế. Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ quần thảo, cơn bão số 10 đã cướp của ngư dân làng tôi mấy chục tỷ đồng. Những ánh nhìn thất thần, chết lặng, không còn nước mắt để rơi khi nhìn gia tài của mình chìm xuống đáy sông hoặc bị sóng hất tung lên bờ, gãy nát. 39 con tàu xông pha ra khơi vào lộng, thoáng chốc đã xác xơ, có chiếc chỉ còn lại vài mảnh ván...

Sau bão, trời trong veo, nắng lại trải vàng trên triền sông còn bập bềnh những phao, ván và thân tàu vỡ nát. Vợ chồng, cha con xắn tay áo trục vớt tàu, nhặt nhạnh từng mảnh vỡ còn sót lại. Vừa làm vừa động viên nhau và vẽ ra đường đi cho những ngày sắp tới, lắm gập ghềnh nhưng quyết chí bước đi...

Cá về trên bến Cảnh Dương.
Cá về trên bến Cảnh Dương.

Một tháng sau, tôi về quê cũng buổi nắng hanh vàng. Ngỡ ngàng bởi khung cảnh hoang tàn mình chứng kiến hôm nào giờ không còn nữa. Xưởng đóng tàu cạnh bờ sông tấp nập rộn ràng. Tàu mới tàu cũ lên đà sửa chữa, gia cố, sơn sửa, thợ thầy tíu tít bảo ban nhau. Anh Phạm Đức Lượng (sinh năm 1963) đang cùng các thuyền viên sửa sang con tàu vừa được sắm lại. Anh kể, tàu QB 3700 trị giá gần 400 triệu đồng gắn bó với anh hơn 4 năm trời. Sau bão, con tàu vỡ nát. Không thể đủ tiền đóng mới con tàu khác, vợ chồng anh vay mượn mua lại một vỏ tàu cũ. Dự kiến sau khi tân trang, sửa chữa, con tàu mới sẽ tốn khoảng 400 triệu đồng. "Hai ngày nữa tàu sẽ hạ thuỷ. Mất khoảng mươi ngày để hoàn chỉnh các chi tiết còn lại, tàu sẽ sẵn sàng vươn khơi khi thời tiết thuận lợi. Mình sinh ra từ biển, thì suốt đời phải gắn bó với biển thôi, dù lâu lâu biển mần mình một phen lao đao...", anh mộc mạc tâm sự.                                    

Về Cảnh Dương, hỏi chuyện làm ăn, bão lũ, ai ai cũng nhắc chuyện nhà anh Hồ Quang Phượng (sinh năm 1967). 20 tuổi, anh Phượng nhập ngũ và được biên chế vào tàu Hải quân hoạt động tại quần đảo Trường Sa. Sau 4 năm bám biển, bám đảo và trải qua những thời khắc nguy nan nhất, mà đỉnh điểm là trận hải chiến Trường Sa năm 1988, anh Phượng xuất ngũ về quê vào năm 1991. Sau ba năm đi bạn, năm 1994, vợ chồng anh vay mượn sắm chiếc tàu đầu tiên, tương đương khoảng 10 cây vàng. Ba năm sau, khi Nhà nước triển khai chương trình đánh bắt xa bờ, anh được làm chủ một con tàu mới trị giá hàng tỷ đồng.

Đến năm 2003, sau những thất bại chung của chương trình đánh bắt xa bờ, con tàu được chuyển giao cho người khác. Lúc này, vợ chồng anh mua lại một con tàu cũ để tiếp tục vươn khơi. 4 năm sau đó, một ngày gió mùa, khi tàu vào cửa lạch thì bị sóng đánh chìm cùng toàn bộ trang thiết bị và vật dụng trên tàu. "Người sống được cũng là may lắm rồi...", anh Phượng ngậm ngùi.

Tàu bị đánh chìm vào tháng 4-2007, thì cuối năm đó, anh tiếp tục vay mượn và sắm lại tàu QB 3491. Vợ chồng cần cù, thuyền viên chăm chỉ, giai đoạn này cuộc sống của vợ chồng anh khá ổn định, họ làm nhà, sắm lưới, tiếp tục đầu tư cho con tàu để vươn khơi, 8 thuyền viên trên tàu có thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Nhưng rồi tai hoạ lại ập đến khi bão số 10 vừa qua một lần nữa nhấn tìm con tàu trị giá gần 400 triệu đồng của anh...

Trong câu chuyện của những người đàn ông làng tôi, dẫu không kể nhiều về người phụ nữ tảo tần sau lưng họ, nhưng tôi nhìn thấy rất rõ bóng dáng đàn bà làng biển đảm đang, vén khéo. Đàn bà quê tôi, khi chồng đi biển thì họ cũng mớ rau mớ cá buôn thúng bán mẹt, chẳng chịu ngồi không bao giờ. Chồng mỗi tháng lênh đênh hơn hai mươi ngày trên biển, một mình họ dạy dỗ chăm lo cho con nhỏ, mẹ già, việc làng việc xã. Cuộc sống khi thăng khi trầm, lúc làm ăn khấm khá, họ làm chủ những quầy hàng lớn với số vốn hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Khi sa cơ, họ sẵn sàng trở lại với mớ rau, mớ cá, vá lưới, mổ mực thuê nơi đầu xóm, cuối bãi, chẳng nề hà việc chi, cũng không sợ người đời cười chê "khi lên voi lúc xuống chó". Những ngày biển động triền miên, chồng ở nhà lo việc nhà, vợ tất tả sớm hôm ngoài chợ để bảo đảm ngày ba bữa cơm no đủ, con cái được học hành...

Anh Đồng Hùng Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương cho biết: Trong tổng số 39 tàu cá bị thiệt hại trong đợt bão lũ vừa qua, hầu hết các chủ tàu đã khắc phục và sẵn sàng trở lại đánh bắt. Có người tiếp tục sắm tàu làm "ông chủ", người trở lại vạch xuất phát để đi bạn cho tàu khác. Trường hợp anh Lê Thanh Long (sinh năm 1965), người từng làm chủ 4 đời tàu trị giá từ tiền trăm đến tiền tỷ, sau đận vừa rồi, đã nhanh chóng trở lại ngư trường với tư cách thuyền viên cho các tàu cá khác. "Chuyện này thường mà, lúc sa cơ không còn là ông chủ thì phải sẵn sàng đi làm thuê để còn có cơ hội vươn lên! Tôi nghĩ mọi sự bắt đầu không bao giờ là muộn đối với những người có quyết tâm!", anh Cường chia sẻ.

Trước lúc rời làng biển, tôi dạo một vòng qua chợ. Giữa rộn ràng buổi chợ, tôi bắt gặp những nụ cười của đàn bà làng biển, vẫn rạng rỡ như chưa từng trải qua sóng gió. Cũng cả trăm năm biển mới tràn vào chợ, nhiều quầy hàng trị giá cả trăm triệu đồng đã tiêu tan theo bọt sóng. Xót xa, nức nở nhưng rồi ai nấy cũng nhanh chóng gạt nước mắt để tiếp tục mưu sinh. Không chỉ trắng tay vì bão tố thiên nhiên, trong cơn lốc "tín dụng đen" mấy năm qua, có không ít người dân quê tôi vừa tỷ phú đấy, thoáng chốc đã trắng tay. Lại kiên cường đứng dậy ngay ở nơi mình vấp ngã, sẵn sàng làm thuê, làm mướn, buôn thúng bán mẹt để đợi đến ngày mai...

Người làng tôi kiên cường, lạc quan, chăm lo vén khéo buổi mưu sinh nhưng cũng tràn đầy thăng hoa và lãng mạn. "Trông ra ngoài biển lù mù/Thấy anh câu đục câu đù em thương!", đáp trả lời yêu thương, nhắn nhủ của người vợ, những chàng ngư phủ ca lời phóng khoáng "Đêm qua anh gối tay nàng/Ngày nay ra biển, anh gối đàng giây neo". Mưu sinh vất vả, nhưng đời vẫn đẹp như thơ...

Chuyện làng tôi, có lẽ kể tới mùa xuân chưa hết...

Ngọc Mai