.

Thế giới không sắc màu - Kỳ 3: Tình đẹp như cổ tích

Thứ Ba, 17/09/2013, 07:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Không bị mờ lấp bởi những hào nhoáng về hình thức, không vị kỷ bởi những vướng bận, toan tính của cuộc sống áo cơm, tình yêu của những người khiếm thị là sự đồng cảm, sẻ chia trước những bất hạnh của cuộc đời. Tình yêu của họ đẹp như cổ tích giữa đời thường. Cổ tích ấy được viết nên bằng những trái tim không chút trầy xước. 

>> Kỳ 2: Chiếc lá vẫn xanh

>> Kỳ 1: Chuyện nhà mệ Xuân

“Vợ là đôi mắt”

Chúng tôi tìm gặp vợ chồng Trần Đức Tuấn (sinh năm 1984) và Đoàn Thị Tuyết (sinh năm 1987) tại thôn Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch vào một ngày giữa tháng 8 đầy nắng. Câu chuyện tình yêu giữa một cô gái sáng mắt với một anh chàng khiếm thị đủ sức làm cho những ai được nghe đều thấy xúc động.

Sinh ra trong một gia đình có bốn anh, chị, em nhưng tất cả đều bị mù từ nhỏ, cuộc sống của chàng thanh niên khuyết tật tưởng mãi sẽ ngập chìm trong bóng tối và cô đơn. Vậy mà như duyên phận, năm 2010, anh tình cờ gặp và quen chị Đoàn Thị Tuyết - một cô gái trẻ quê ở Quảng Trạch làm nghề buôn bán tạp hóa tại chợ Phong Nha (Sơn Trạch).

Chính nghị lực và sự thật thà của chàng trai khiếm thị ấy đã làm rung động trái tim cô gái vừa bước vào tuổi 23. Tình yêu của họ đã phải trải qua biết bao sóng gió, cả những cản ngăn từ phía gia đình, bạn bè của Tuyết. “Mẹ tôi đã từng dọa sẽ tự tử, mấy anh trai của tôi đôi lúc cũng phải dùng đến đòn roi để quyết tâm ngăn cản tôi đến với anh Tuấn. Vì ai cũng nghĩ, cưới một người chồng mù lòa, cuộc đời tôi sẽ khổ đau nhiều hơn là hạnh phúc. Thời gian đó, với tôi, thực sự quá nặng nề”, Tuyết nhớ lại, đôi mắt chị bất chợt đỏ hoe.

Một năm đẫm nước mắt, cuối cùng, chính sự quyết tâm của chị Tuyết và sự chân chất mộc mạc của anh Tuấn đã thuyết phục được gia đình nhà gái. Đám cưới diễn ra trong hạnh phúc ngập tràn của đôi trẻ nhưng lại không ít sự ái ngại của những người xung quanh. Họ lo ngại, rồi con cháu của anh chị sinh ra sẽ là những đứa trẻ bình thường hay cũng theo bước chân của cha, của bác, của cô nó, cuộc đời mãi mãi ngập chìm trong bóng đêm? Khi đấu tranh với gia đình, cuộc sống đã nặng nề. Khi mang thai và đợi ngày sinh nở, cuộc sống càng nặng nề hơn.

Cả chị Tuyết và anh Tuấn đều lo lắng, nhưng lại không ai dám nói ra, sợ làm cho nhau buồn. Trời không phụ lòng người. Sau 9 tháng 10 ngày thấp thỏm, lo âu, cuối cùng, đứa con trai đầu lòng của đôi vợ chồng trẻ ra đời. Một đứa trẻ khỏe mạnh, sở hữu một đôi mắt sáng, đẹp như mẹ. Rồi giữa năm 2013, anh chị lại đón chào đứa con thứ 2 ra đời, là một bé gái khỏe mạnh, bình thường. Hạnh phúc đã nở hoa giữa mênh mông nước mắt khổ đau.

Tình yêu cổ tích của Tuấn và Tuyết đã
Tình yêu cổ tích của Tuấn và Tuyết đã “đơm hoa, kết trái”.

Nhìn cái dáng mảnh mai, ốm yếu của chị - một người mẹ, người vợ vừa tròn 26 tuổi, không ai nghĩ chị có thể làm được nhiều điều đến vậy. Kể từ khi quyết định lắp ghép cuộc đời mình với người chồng mù lòa, làm dâu trong một gia đình đầy bất hạnh, cuộc sống của chị cũng nhiều vất vả. Thương chồng, chị đi vay mượn khắp nơi được một số tiền kha khá để cho anh mở một cơ sở xoa bóp - bấm huyệt tại thị trấn Hoàn Lão. Rồi mỗi tuần, bất kể trời mưa hay nắng, ngay cả khi bụng bầu vượt mặt, chị vẫn đều đặn chở anh từ nhà đến chỗ làm.

Người phụ nữ mỏng manh ấy cũng không ít lần rơi nước mắt tủi thân giữa bộn bề mệt mỏi của cuộc sống thường ngày. "Là phụ nữ, ai cũng muốn được ngồi sau lưng chồng, được chồng chở che, bao bọc, nhưng số phận mình đã quyết tâm gắn bó với một người chồng kém may mắn thì phải biết vượt qua mong muốn đó. Thay vì được chồng chở thì mình chở chồng đi. Mà tôi vẫn tin là mình có những hạnh phúc mà không phải người phụ nữ nào cũng may mắn có được", chị trải lòng. Đôi mắt vẫn lấp lánh hạnh phúc.

Con đường trước mắt của đôi vợ chồng trẻ ấy ngổn ngang những vất vả bởi một số nợ làm ăn khá lớn và cả những lo toan về cuộc sống, về việc chăm lo cho con cái học hành. "Nhưng tôi tin, nếu mình có quyết tâm, thì không có chi là khó khăn cả. Mỗi khi vợ  chở tôi về đến nhà, được bồng con gái, được nghe con trai gọi "ba", thì dù không nhìn thấy gì, tôi cũng thấy hạnh phúc và càng quyết tâm sẽ cố gắng làm lụng, thay đổi cuộc sống cho gia đình. Tôi nghĩ là sẽ làm được vì anh có quyết tâm và quan trọng là đã có vợ là đôi mắt", anh Tuấn nở nụ cười mãn nguyện.

Sẻ chia bất hạnh

Gặp nhau tại lớp đào tạo nghề xoa bóp, bấm huyệt do Tỉnh hội người mù tổ chức, Nguyễn Văn Hoàn (sinh năm 1986, quê ở Hiền Ninh, Quảng Ninh) và Đinh Thị Phương (sinh năm 1990, quê Hồng Hóa, Minh Hóa) cảm mến nhau bởi chính những đồng cảm, sẻ chia giữa những người chung số phận. Cả hai đều bị khiếm thị bẩm sinh. Rồi từ cảm mến, tình yêu đến với họ như định mệnh. Họ đã tìm thấy nhau giữa bóng tối cuộc đời.

Hơn một năm sau, họ quyết định tiến tới hôn nhân. "Gia đình 2 bên vui nhiều nhưng lo cũng không ít, cha anh Hoàn bảo: "Hai đứa đều khiếm thị, không biết có làm được gì không, nuôi sống nhau thế nào, rồi sau này còn có con cái nữa" - Phương nhớ lại. Khi cuộc sống cướp đi của con người đôi mắt thì hình như sẽ bù đắp lại một điều gì đó. Và vợ chồng anh Hoàn được bù đắp một nghị lực phi thường và bằng cả sự sẻ chia của những người chung cảnh ngộ.

Sau kết hôn, được sự hỗ trợ từ phía gia đình, vợ chồng anh chị quyết định mở cơ sở xoa bóp - bấm huyệt tại địa phương. Việc làm ăn buổi ban đầu gặp không ít khó khăn, nhưng vợ chồng vẫn cần mẫn, miệt mài. Rồi tình yêu của họ cũng đơm hoa kết trái. Đầu năm 2013, chị Phương sinh hạ được một bé gái kháu khỉnh và trời như có mắt, đứa trẻ khôn ngoan, lanh lợi và đôi mắt hoàn toàn bình thường.

Với anh Hoàn, Phương vừa là người vợ cùng anh đồng cam, cộng khổ, cùng sẻ chia những vất vả giữa cuộc đời đã lắm bất hạnh, vừa là người mang anh ra khỏi những chán nản, buông xuôi khi cuộc sống tưởng chừng bế tắc. Ngày chưa gặp Phương, cuộc sống của anh trải dài với những cuộc vui với đám bạn lêu lỏng, hết hút thuốc, rồi uống rượu. Bởi khi ấy, với anh, không nhìn thấy gì đồng nghĩa với việc cuộc sống cũng vô nghĩa.

Gặp và nên duyên với Phương, rồi đứa con đầu lòng ra đời, người đàn ông vừa bước vào tuổi 27 ấy đã biết tu chí học nghề, rồi chăm chỉ làm ăn. Có công ăn, việc làm, hai vợ chồng kiếm thêm ít thu nhập để đỡ đần bố mẹ sinh hoạt phí, tháng nào dư dả thì phụ nuôi đứa em gái út đang theo học tại Đà Nẵng. "Rứa có thể coi mình cũng là một người có ích, không phải làm gánh nặng đối với ba mẹ", anh Hoàn chia sẻ.

Cứ ngỡ rằng tình yêu và hôn nhân giữa hai người khiếm thị sẽ khiến bất hạnh càng đè nặng lên bất hạnh, nhưng bằng tình yêu, họ đã sẻ chia cùng nhau những bất hạnh của cuộc đời và lớn lao hơn, họ đã biết biến bất hạnh ấy thành những hạnh phúc giản dị đời thường. "Cũng có lúc thấy buồn khi là mẹ mà không thể tự tay tắm rửa, đút cho con ăn, nhưng cảm nhận con lớn lên từng ngày, em đã thấy hạnh phúc", Phương trải lòng.

Trong thế giới không màu, tình yêu ngỡ như cổ tích. Đồng cảm, san sẻ yêu thương, họ tìm đến với nhau. Con đường của nghị lực đã dẫn họ đến bến bờ hạnh phúc. Những đứa con của Tuấn và Tuyết, Hoàn và Phương, Lợi và Thế (Quảng Ninh)... rồi sẽ lớn lên, khỏe mạnh và trưởng thành như ước mong của cha mẹ.

“Ngày nào vợ chồng tôi cũng cầu trời khấn phật mong cho con cái lớn lên bình yên, đừng cướp đi của nó điều gì, đừng để nó phải sống đơn thuần bằng niềm tin như cha nó, chú bác và cô nó” - anh Tuấn tâm sự.
 

Diệu Hương