.

Thế giới không sắc màu - Kỳ 1: Chuyện nhà mệ Xuân

Thứ Bảy, 14/09/2013, 11:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Có những người sinh ra đã phải ngập chìm trong bóng tối. Có người may mắn hơn, sinh ra, vẫn được nhìn thấy mặt trời, nhưng bỗng một ngày, tai họa ập xuống, bóng tối bủa vây lấy họ. Từ một người bình thường, họ trở thành người khiếm thị, mò mẫm bước đi giữa cuộc đời lắm gập ghềnh. Giữa tột cùng bất hạnh, có người gục ngã nhưng  có người vẫn mạnh mẽ đứng dậy, vững vàng bước đi giữa thế giới đặc biệt ấy bằng chính nghị lực và niềm tin sâu sắc. Câu chuyện về họ thấm đẫm nước mắt nhưng cũng không thiếu những gam màu tươi sáng.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 hội viên Hội Người mù. Chừng ấy con người là chừng ấy số phận, chừng ấy câu chuyện đời đẫm nước mắt. Có những con người vô tâm bỏ rơi ngay chính người thân của mình giữa mênh mang bóng tối. Nhưng cũng có những người cha, người mẹ, cho đến cuối đời vẫn một nỗi niềm đau đáu: “chỉ mong sống thêm được vài năm nữa để chăm sóc cho những đứa con bớt cơ cực bởi số kiếp mù lòa”.

Câu chuyện về một người mẹ 92 tuổi gần 70 năm nuôi ba đứa con bị mù mãi ám ảnh những ai đã một lần được nghe, được thấy. Người mẹ ấy tên là Bùi Thị Xuân, thôn Xuân Hòa, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy.

Nước mắt cuộc đời

Nghe tiếng bước chân vọng lại, người đàn ông mù ngồi trước hiên nhà nghiêng tai nghe ngóng, đôi mắt vô hồn đảo qua, đảo lại, rồi cất giọng khản đặc: “Mạ ơi! Có ai hỏi”. Từ trong căn bếp lụp xụp bằng phên đất, một cụ già lưng gập gần sát đất, bước từng bước run rẩy đi ra. Lấp ló phía sau lưng mệ là một người phụ nữ mù chừng 60 tuổi lần mò bước ra, ra chiều ngó nghiêng gì rồi bước quay trở vào căn bếp tối, ngồi phịch xuống đất. Hơn nửa thế kỷ nay, căn nhà ấy vẫn thế, yên ắng và trầm buồn đến tê lòng.

Mệ Xuân, người làng thường gọi là mệ Nọ, năm nay đã bước vào tuổi 92. Mái tóc bạc trắng chỉ còn lơ thơ vài sợi. Trong căn nhà hơi tối, mệ lom khom ngồi cạnh chiếc bàn gỗ cũ kỹ giữa nhà tiếp khách. Giọng ngắt quãng, trầm buồn: “O hỏi chuyện tụi hắn phải không?”

Mệ Xuân bên bàn thờ người con gái mù đã mất vì bạo bệnh.
Mệ Xuân bên bàn thờ người con gái mù đã mất vì bạo bệnh.

Rồi mệ kể, câu chuyện đời đẫm nước mắt tủi phận được kể bằng cái giọng yếu ớt, chậm rãi. Ký ức vọng về làm nhức nhối tâm can người mẹ đã sắp sửa đi đến cuối đường đời. Mệ sinh được sáu người con, thì hết hai con gái và một người con trai bị mù từ nhỏ. Mà lạ kỳ, cả ba người đều có những bàn tay, bàn chân kì dị. Người thì mỗi bàn có sáu ngón chân đều răm rắp, người thì bàn tay sáu ngón nhưng ngón út lại bám lủng lẳng như khối thịt thừa.

Trong ba người, chỉ có ông Hoàng Văn Lực khi sinh ra, mắt vẫn nhìn thấy bình thường. Học đến lớp 2, đôi mắt ông bỗng nhiên mờ dần rồi mù hẳn. Kể từ đó, trong căn nhà lụp xụp, ba đứa con mù lòa sống chỉ biết nương nhờ vào cha mẹ. Rồi chồng mất, những đứa con khỏe mạnh khác dần yên bề gia thất, chỉ còn một mình mệ chăm sóc những người con bất hạnh. “Tụi hắn tự thay áo quần, tự tắm rửa được, con Bảy thì bo (vo) được gạo nấu cơm, còn lại tui phải mần hết, chứ mắt mũi tụi hắn thì chộ chi”, mệ kể mà nước mắt cứ rỉ ra từng giọt, rồi men theo từng nếp nhăn trên khuôn mặt rơi xuống. Ở dưới góc bếp, o Bảy ngồi tựa lưng vào phên đất, cũng thút thít, thỉnh thoảng đưa tay lên chùi vội nước mắt như thể sợ ai trông thấy.

Kể đến đó, thấy trời đã về chiều, mệ đảo mắt nhìn ra bếp rồi cất giọng: “Bảy! Bo (vo) gạo chưa con? Bo đi! Rồi mạ nấu cho! Lấy thêm ấm nước nữa vô nấu”. Người phụ nữ mù đứng dậy, tay lần mò trên bức tường rêu rồi đi ra góc giếng. Nhìn theo o rồi mệ lại cất lời chậm rãi: “mấy năm trước, tui còn đi chợ được. Ba năm ni, xương thịt đau ê ẩm, không đi mô được, phải nhờ con cháu ở quanh đây đi chợ, rồi về miềng tự nấu ăn”. Nói rồi, mệ tiến ra góc bếp, nặng nề ngồi xuống nhen bếp củi. Như thể đã quá quen với công việc ấy, ở phía cửa, người con gái mù tay xách ấm nước lạnh, men theo đường cũ, đặt lên bếp.

Câu chuyện vừa lưng chừng, chợt nhắc đến người con gái mù đã mất, mệ lại khóc. Đôi mắt tưởng chừng như cạn khô bởi trọn đời cơ cực nay lại long lanh nước: “Hắn là đứa cực nhất, đẻ ra thì hai con mắt đã bị hư, cả đời đui mù, rồi mắc bệnh mà không biết, tới lúc nặng quá thì chết”. Người con gái mệ nhắc đến tên là Hoàng Thị Lý. Nếu còn sống năm nay cũng chừng 60 tuổi. O mất vừa tròn một năm vì biến chứng của bệnh tiểu đường.

Mâm cơm đạm bạc của ba mẹ con trong căn bếp nhỏ
Mâm cơm đạm bạc của ba mẹ con trong căn bếp nhỏ.

Nỗi lòng của mẹ

Nghe mẹ kể chuyện, hai người con mù lòa ngồi lặng im ở hai góc nhà. Người  quay mặt đi tủi phận. Người nín lặng lắng nghe, thỉnh thoảng lại mỉm cười chua chát. Đến giờ, họ không thể nhớ chính xác mình bao nhiêu tuổi, chỉ biết, mỗi ngày trôi đi, họ lại thấy thân xác mình như rệu rã thêm. Ngoài đôi mắt mù lòa, cả hai đều mang những căn bệnh nan y.

Giống như em gái của mình, o Hoàng Thị Bảy cũng mắc chứng bệnh tiểu đường nhưng vì nhà xa bệnh viện, lại mù lòa, đi đứng khó khăn nên chẳng màng gì đến việc chạy chữa. Dường như, họ đã chấp nhận số phận mình là mãi mãi gắn chặt với khổ đau và nước mắt, như bóng tối sẽ mãi chẳng bao giờ buông tha họ. Khi được hỏi: “bác và o có buồn không?”, ông Lực chỉ gượng cười: “Đã có lúc tui buồn lắm, buồn đến thúi ruột gan, nhưng chừ thì quen rồi, không buồn nữa vì có buồn cũng có mần được chi?”. Nói đoạn, đôi tay chợt run lên bần bật bởi chứng bệnh Parkinson, ông quay vội sang trái, bỏ lửng câu chuyện dở dang.

Ở giữa nhà, mệ lại tiếp lời: “Mỗi tháng may là có tiền trợ cấp của nhà nước, không thì đói, được mấy ruộng, nương, cho bà con mần hết, rồi đến mùa, họ đưa ít gạo cho ăn”. Nỗi lo lớn nhất của mệ không phải là lo đói, lo rét hay bệnh tật, mà là nỗi lo thường trực canh cánh: Khi mệ nằm xuống, ai sẽ chăm lo cho hai người con mù lòa? Mệ bảo: “tui chết đi rồi thì yên cấy thân tui, nhưng cứ nghĩ tới cảnh không được chăm cho  hai đứa nớ thì lại buồn”. Nói đoạn, bất chợt mệ òa khóc nức nở. Nước mắt mặn chát cứ thế đua nhau chảy xuống đôi gò má nhăn nheo, gầy tóp. Đôi bàn tay đầy vết đồi mồi cứ nắm chặt vào nhau. “Chừ chỉ mong là sống thêm được vài ba năm nữa để ở với tụi hắn, chỉ mong từng nớ thôi”, mệ nói mà như khóc.

Trời chập choạng tối. Trong căn bếp nhỏ bằng đất ngổn ngang đồ đạc, mâm cơm được dọn ra với một, hai món ăn đạm bạc. Người mẹ già lần lượt xúc cơm cho từng đứa con mù lòa. Ba mái đầu đã phai màu chụm lại trong khoảng không gian nhỏ hẹp đầy tĩnh lặng. Đôi mắt người mẹ già ngân ngấn nước, hai đôi mắt còn lại đảo qua, đảo lại không ngừng. Những đôi mắt ấy tưởng như vô hồn vậy mà vẫn có sức ám ảnh đến lạ kỳ.

Diệu Hương


Kỳ 2: Chiếc lá vẫn xanh