.

Lên non... trồng người

Thứ Năm, 05/09/2013, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Không mấy thời gian nữa là đến năm học mới 2013- 2014. Từ miền xuôi, chúng tôi tiếp nhận được những món quà nhỏ chủ yếu là sách vở, áo quần của bạn bè khắp cả nước gửi tặng học sinh dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Bình. Những ngày cuối tháng tám, khởi hành tại thành phố Đồng Hới, chúng tôi đến với những điểm trường vùng cao. Và ở đó, chúng tôi đã gặp, trò chuyện với các thầy cô giáo còn rất trẻ. Họ tạm xa phố thị, tình nguyện lên non... trồng người.

1. Bản Bạch Đàn thuộc xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Những cơn mưa rừng dài ngày làm con đường vào bản khá lầy lội. Từ thành phố Đồng Hới, liên lạc với thầy giáo Nguyễn Quang Hùng, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở (PTDTBT TH và THCS) Lâm Thủy, anh động viên: "Ngày ni các thầy cô giáo cắm bản vào lại Bạch Đàn, bằng mọi giá các anh chị lên cho vui. Nghe thông báo có quà dưới xuôi, học sinh Vân Kiều trong nớ mừng lắm!".

Với đồng bào dân tộc thiểu số, đã hứa là phải làm. Cùng với những cựu học sinh Trường THPT Đào Duy Từ và Câu lạc bộ phóng viên nhỏ, Nhà thiếu nhi Quảng Bình, chúng tôi chuẩn bị sẵn 53 suất quà gồm tập vở, cặp sách, áo quần, mũ, dép... dành riêng cho học sinh Vân Kiều bản Bạch Đàn.

Bản Bạch Đàn có 46 hộ, 217 khẩu, dù xa trung tâm xã, địa hình chia cắt bởi núi rừng hiểm trở, nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay Bạch Đàn đang dần định hình, thành một bản kiểu mới. Ngoài hệ thống trường học, nhà văn hóa, hệ thống lưới điện... thì tuyến giao thông nối bản Bạch Đàn với đường Hồ Chí Minh nhánh tây giúp bản xích lại gần hơn với trung tâm xã và miền xuôi.

Thầy giáo Nguyễn Quang Hùng từng có thâm niên 10 năm cắm bản. Bây giờ thầy làm công tác quản lý, thay thầy dạy chữ cho con em dân tộc Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn, Bạch Đàn hay Eo Bù- Chút Mút là những cô thầy tuổi đời rất trẻ, tràn đầy nhiệt huyết. Tất cả họ đều từ miền xuôi lên.

Cô giáo cắm bản Mai Thị Hải Yến với đứa con Vân Kiều Hồ Văn Thông.
Mẹ đưa con đến trường.

Nhớ lại một thời cắt rừng vào bản, thầy Hùng tâm sự: "Thời gian đó đến bản Bạch Đàn chỉ có một con đường độc đạo, mùa khô thì thôi chứ vào mùa mưa, lũ lên lúc nào không ai biết trước được. Lũ chia cắt dài ngày, giáo viên chúng tôi ở lại dựa vào bà con dân bản. Hạt gạo, củ khoai, củ sắn chia đều... Nghèo khổ, thiếu thốn tứ bề nhưng hạnh phúc. Có hạnh phúc nào bằng với người thầy miền xuôi là dân bản mến, học trò thương. Phong trào học tập của học sinh bản Bạch Đàn nhiều năm liền dẫn đầu trong toàn Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy đó anh!"- Thầy Hùng tự hào.

Tôi được chứng kiến cuộc chia tay bịn rịn giữa thầy giáo Mai Quốc Việt và các em học sinh bản Bạch Đàn cùng hai giáo viên mới vào thay thầy Việt. Tròn 5 năm thầy Việt gắn bó với học sinh bản Bạch Đàn, giờ thầy chuyển ra điểm trường chính. Thầy Việt nói rằng: "Yêu lắm những đứa trẻ Vân Kiều tóc cháy râu ngô, đến lớp bằng đôi chân trần và đậm mùi đại ngàn. Vậy mà chăm học, ngoan hiền, lễ phép. Chính từ đây, chúng tôi, những giáo viên cắm bản càng thêm yêu nghề hơn, thấm đậm giá trị của từng con chữ gieo giữa những bản nghèo".

Bây giờ vào cắm bản có cô giáo Nguyễn Thị Hải Dương, quê ngoài Mỹ Đức (Lệ Thủy) và thầy giáo Nguyễn Ánh Văn, quê xã Hạ Trạch (Bố Trạch). Hỏi vui: "Vào đây chắc thu nhập cao, không mấy thời gian là giàu?". Cô giáo Dương cười thật tươi: "Vào đây nhiều tình hơn!"- rồi cô giải thích- "Tình cảm thân thương đồng bào, học sinh dành cho giáo viên trẻ xa nhà. Hiếm ở mô bằng, anh ạ!". Thầy giáo Văn tâm sự: "Chúng tôi cố gắng dạy thật tốt để giữ vững phong trào học tập của con em bản Bạch Đàn vốn có truyền thống hiếu học từ 10 năm nay. Trách nhiệm thật lớn...".

2. Có một bản đồng bào dân tộc Vân Kiều khác nằm giữa lòng di sản Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, cách bản Bạch Đàn hơn 100 cây số đường chim bay và nhiều năm trước chúng tôi từng đặt chân đến: bản Rào Con, xã Sơn Trạch (Bố Trạch).

Chuyến đi cùng thầy giáo Nguyễn Trung Tín, Hiệu trưởng Trường TH số 2 xã Sơn Trạch vào phát động buổi học đầu tiên tại bản Rào Con nhằm đúng ngày Cách mạng Tháng Tám. Con đường độc đạo xuyên giữa rừng già đồi dốc khúc khuỷu, đá sỏi gập ghềnh. Gập ghềnh với chúng tôi khi chiếc xe máy chở nặng sách vở cho các em học sinh bản Rào Con bị tung hê vào bên vệ đường kèm theo cú ngã đau điếng. Gập ghềnh với ba cô giáo ngày đầu tiên tiên phong vào cắm bản Rào Con. Âu đó là sự tự nguyện... khó khăn làm lửa thử vàng, để người trẻ trưởng thành lên, sống có ý nghĩa, trách nhiệm với cộng đồng xã hội - Ông giáo Tín khẳng định với chúng tôi như thế!

Năm học 2013- 2014, điểm trường Rào Con có 38 học sinh. Phụ trách công tác dạy và học tại Rào Con được giao cho thầy giáo Trương Hồng Quang, Phó hiệu trưởng Trường TH số 2. Thầy giáo Nguyễn Văn Khiểu, "ba cùng" với Rào Con đã 4 năm. Và 3 cô giáo: Mai Thị Hải Yến, Trương Nữ Hoài Thu, Cao Thị Xoan mới vào Rào Con năm học mới này. Trong ba cô giáo cắm bản, Cao Thị Xoan, quê xã Trung Hóa (Minh Hóa) chưa có gia đình.

Hỏi cô giáo rằng: "Sống giữa núi rừng, người trẻ như cô, có buồn không?". Trả lời rất thật lòng: "Có! Nếu bảo rằng không thì khiên cưỡng quá. Nhưng em vẫn sẵn sàng đánh đổi cái buồn riêng tư để đến với các em học sinh Vân Kiều bản Rào Con, dạy từng con chữ, phép tính cho các em. Ước mong một ngày, trẻ Rào Con vượt qua khỏi những điệp trùng rừng núi và tập tục lạc hậu của cha anh mình, tiếp cận với đời sống văn minh hơn, có cuộc sống ấm no hơn".

Cô giáo Mai Thị Hải Yến được học sinh bản Rào Con xem như mẹ hiền. Đem thắc mắc này đi hỏi Trưởng bản Rào Con Hồ Kiên, ông giải thích: "Nhà cô giáo Yến ở ngoài trung tâm xã, gần trường TH số 2. Một số gia đình trong bản mấy năm trước hay gửi con ra ngoài đó học. Thương bà con, thương học sinh Rào Con nghèo khổ, cô giáo đưa các cháu về cho ăn ở trong nhà. Bọn trẻ từ đó xem cô giáo như người mẹ thứ hai".

Trong số những đứa trẻ Vân Kiều Rào Con được cô giáo Yến cưu mang có hai chị em Hồ Thị Uyên (lớp 5) và Hồ Văn Thông (lớp 3) năm học vừa qua đạt giải viết chữ đẹp cấp huyện, riêng Hồ Thị Uyên đạt giải khuyến khích cuộc thi viết chữ đẹp cấp tỉnh. Món quà rất ý nghĩa dành cho giáo viên cắm bản Rào Con.

Từ biệt Rào Con khi mặt trời chạm ngọn núi phía tây Trường Sơn, tôi nắm bàn tay của cô giáo Cao Thị Xoan dùng dằng, nói với cô mà như cảm thông với hàng trăm giáo viên cắm bản như cô: "Cố lên em nhé!"

Ngô Thanh Long