.

A Rem, mùa tựu trường

Thứ Ba, 10/09/2013, 08:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng sớm, khi núi rừng bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, mặt trời dần hé lộ đằng đông, khi con gà rừng te te gáy chào ngày mới, là lúc cô bé Y Giai thức dậy. Em cũng như nhiều đứa trẻ A Rem ở xã Tân Trạch náo nức đến trường. Năm học mới này, trường của Y Giai mang một cái tên mới: trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở (PTDTBT TH và THCS) Tân Trạch. Nghĩa là buổi trưa Y Giai và bạn bè được ăn cơm tại trường, cái bụng ấm hơn, cái đầu vui hơn và con chữ Bác Hồ cũng dễ tiếp thu hơn.

Đoàn chúng tôi gồm 16 tình nguyện viên cùng những món quà rất có ý nghĩa đối với các em học sinh dân tộc A Rem, xã Tân Trạch gồm: tập vở, đồ dùng học tập, áo quần đồng phục. Riêng các cháu mẫu giáo còn có thêm bánh, kẹo, sữa tươi. Đây là tấm lòng thiện nguyện của bạn bè khắp cả nước hướng về học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa nhân dịp năm học mới 2013- 2014.

Từ thị trấn Hoàn Lão, sáu giờ ba mươi phút, chúng tôi lên đường. Sau ba tiếng đồng hồ đã có mặt tại trung tâm xã Tân Trạch, đây thực sự là điều kỳ diệu ít ai ngờ đến. Tôi gọi là điều kỳ diệu vì rằng trước đây muốn lên với Tân Trạch, Thượng Trạch, hai xã miền núi của huyện Bố Trạch phải mất gần cả ngày trời và phương tiện đi lại chủ yếu là xe tải, xe u oát và xe máy Minxcơ... bò trên mặt đường lổm nhổm đầy đá, ổ voi, ổ gà. Bây giờ đường 20 cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số đoạn các đơn vị thi công đang chạy đua với thời gian cố gắng cán nhựa trước mùa mưa bão. Đường 20 thông, Tân Trạch, Thượng Trạch xích gần lại với miền xuôi hơn.

Đường lên Tân, Thượng Trạch
Đường lên Tân, Thượng Trạch

Xã Tân Trạch có 75 hộ, 405 khẩu, dân cư phân bổ tại hai bản: A Rem và Đoòng (7 hộ, 32 nhân khẩu). 90% hộ đồng bào A Rem thuộc diện nghèo. 10% còn lại thoát nghèo nhờ làm cán bộ, hưởng lương ngân sách nhà nước. Tôi đề cập đến chi tiết này để chúng ta hiểu thêm những bộn bề khó khăn về kinh tế- xã hội của vùng đất sâu xa này!

Tôi gặp lại những người quen cũ: Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Chí Sỹ, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch luân chuyển lên đã ba năm nay. Thầy giáo hiệu trưởng Trường PTDTBT TH và THCS Tân Trạch Lê Văn Trương gắn bó với học sinh A Rem từ năm 2009. Và nữa, già làng uy tín nhất của bản- Đinh Rầu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã. Đinh Rầu khoe rằng: “Miềng chuẩn bị về hưu, nhưng chưa nghỉ việc, lại chuyển sang làm cái chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã”.

Ông nói, ông cười hạnh phúc lắm! Mà thật tình Đinh Rầu là người hạnh phúc nhất xã Tân Trạch khi con cái đều trưởng thành, kinh tế gia đình ổn định. Bí thư Sỹ phác qua chút đổi thay của xã Tân Trạch: “Bà con hợp đồng với Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng nhận chăm sóc 2.000 ha rừng trị giá 370 triệu đồng, UBND xã mua gạo cất trữ, hàng tháng cấp phát định kỳ cho đồng bào. Toàn xã có 30 ha lúa rẫy, hiện tại đang trổ bông. Tài sản lớn nhất của xã là 7 ha huê trồng từ năm 2003. Được sự quan tâm của các cấp ngành, xã làm thêm 16 nhà 167, trị giá 43 triệu đồng/nhà; bê tông hóa trên 1km đường giao thông; công trình nước sạch hơn 1 tỷ đồng được đưa vào sử dụng; hệ thống điện mặt trời do Hàn Quốc hỗ trợ trong năm nay cũng hoàn thành.

Đặc biệt, thầy và trò Trường PTDTBT TH-THCS Tân Trạch năm học mới sẽ sở hữu khu nhà 2 tầng khang trang với 8 phòng học hiện đại, trị giá 3 tỷ đồng. Rồi đây, khi đường 20 hoàn thành, Tân Trạch không còn xa ngái nữa, đồng bào dân tộc có cơ hội giao lưu, thông thương với miền xuôi, cái nghèo nhờ đó mà giảm dần”.

“Năm học 2013-2014, Trường PTDTBT TH-THCS Tân Trạch có 85 học sinh; trong đó  lớp một gồm 12 em; lớp hai 10 em; lớp ba 9 em; lớp bốn 13 học sinh; lớp năm 5 học sinh; lớp sáu 10 em; lớp bảy 5 em; lớp tám 8 em và lớp chín 11 học sinh” Thầy giáo Lê Văn Trương vào chuyện” Tỷ lệ huy động học sinh lớp một và lớp sáu bảo đảm 100%. Riêng tại bản Đoòng hiện nhà trường vẫn duy trì một lớp ghép gồm 6 học sinh.

Trao quà cho học sinh A Rem trước thềm năm học mới
Trao quà cho học sinh A Rem trước thềm năm học mới

Trường có 25 cán bộ, giáo viên”. Tôi nhắc lại câu chuyện trước đây thầy kể rằng: đang học giữa buổi khi ra chơi, những đứa trẻ A Rem tranh thủ chạy về nhà, sau đó chúng quên luôn chuyện trở lại lớp, theo bố mẹ lên rẫy luôn, chỉ tội cho thầy cô chủ nhiệm phải lần tìm từng em. Thầy Trương xác nhận: “Vẫn còn! Trẻ A Rem chăm ngoan nhưng tính chuyên cần thì... chưa thường xuyên, nhất là vào mùa rẫy, mùa lấy măng, lấy mật. Giáo viên cắm bản ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn kiêm thêm trách nhiệm rất nặng nề là thay bố mẹ đưa đón học trò đến trường. Việc học hành của trẻ, phụ huynh giao tất tần tật cho thầy cô. Năm học mới này, với việc duy trì bếp ăn buổi trưa, chắc chắn các em đến trường chuyên cần hơn”- ông giáo hiệu trưởng khắng định. Và chúng tôi được chứng kiến trong những ngày ở lại Tân Trạch.

Y Giai đến trường thật sớm, nhưng trong lớp các bạn đã khá đông đủ. “Y Giai năm nay lên lớp 9, lớn nhất trường rồi, nên cần gương mẫu hơn”- Y Giai bảo với tôi thế- “Em cố gắng học thật giỏi để về tỉnh như anh Đinh Diên”. Đinh Diên bây giờ ra dáng lắm rồi! Cậu là một trong những học sinh A Rem mới trúng tuyển vào lớp 10, Trường dân tộc nội trú tỉnh. Mấy ngày nay Đinh Diên về thăm nhà, cậu trở lại trường cũ chào thầy cô và những đứa em A Rem của mình. Trong mắt chúng, Đinh Diên rất oai phong và cậu cũng lấy làm tự hào về bản thân mình. Đinh Diên cầm tay tôi lắc lắc, khoe: “Về tỉnh vui lắm, cái gì cũng lạ! Phải học chứ, học giỏi. Mai mốt làm thầy giáo về lại bản làng mình dạy học”. Những ánh mắt trẻ A Rem trong veo, hút hồn nhìn theo dáng Đinh Diên xa dần cuối bản.

Ở phòng học lớp 7, cậu bé Đinh Điền hồn hậu khi tôi hỏi: “Em thích đi học không?”. “Thích!”. “Vì sao thích?”. “Đến trường để được học chữ”. “Có lúc nào bỏ học theo bố mẹ lên rẫy không?”. Đinh Điền lắc đầu “Ơ... chăm lắm. Không có mô!”.

Cô giáo Tổng phụ trách đội Nguyễn Thị Kiều Loan, sinh năm 1991, quê xã Hưng Trạch, lên A Rem đúng hai mùa tựu trường.  Dáng cô giáo nhỏ nhắn giữa các cô cậu học trò A Rem cao gần bằng mình. “Hồi đầu mới lên Tân Trạch, buồn lắm!”- Loan chia sẻ- “Cứ muốn về thôi. Nhưng rồi cũng nhanh chóng chấm dứt tư tưởng bi quan đó. Đồng bào ở đây sống tốt lắm anh à! Và học sinh rất ngoan”. Tôi hỏi chút kỷ niệm của cô giáo trong hai năm trồng người tại Tân Trạch. Cô bảo nhiều... rất nhiều. Nhưng nhớ nhất là những lần cắt rừng về lại bản cũ mất cả ngày đường để đưa trẻ quay lại trường, lại lớp. Càng thấm thía hơn hạt chữ gian nan bám lấy giữa đại ngàn nghèo khó để chờ đến ngày đơm hoa, kết trái.

Tôi lại hội ngộ cùng thầy giáo Nguyễn Thanh Bình, quê xã Đại Trạch, 4 năm đồng hành cùng trẻ A Rem. “Em có một con gái 5 tháng tuổi rồi anh”-Bình khoe - “Bố đi biền biệt, chuyện nuôi dạy con giao hết cho mẹ. Dù biết thiệt thòi so với đồng nghiệp miền xuôi, gần nhà, gần con nhưng trách nhiệm của người thầy đã giúp mình vũng vàng hơn trên bục giảng”. Gặp lại Bình, sẻ chia cùng Bình và những người thầy cắm bản A Rem chỉ là cái bắt tay thật chặt, gửi gắm trọn niềm tin.

                Ngô Thanh Long