.

Công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng: Hướng đến tính chuyên nghiệp hóa

Thứ Sáu, 10/11/2017, 08:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh ta đã tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng. Qua đó, góp phần giải quyết các vụ án nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL...

Ngày 4-7-2013, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng (gọi tắt là TTLT số 11).

Thực hiện TTLT số 11, thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh ta từ cấp tỉnh đến cấp huyện, trại tạm giam, nhà tạm giữ đã tích cực, chủ động hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo và đối tượng khác biết về quyền được TGPL; hướng dẫn các thủ tục để được TGPL, cung cấp địa chỉ liên lạc của Trung tâm, chi nhánh TGPL và người thực hiện TGPL. Đến nay, trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã cử người thực hiện TGPL, tham gia tố tụng 870 vụ việc, trong đó trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) tham gia 376 vụ việc...

Hiện nay phần lớn đối tượng TGPL do cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm TGPL Nhà nước là các đối tượng trong các vụ án hình sự.
Hiện nay phần lớn đối tượng TGPL do cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm TGPL Nhà nước là các đối tượng trong các vụ án hình sự.

Một trong những hoạt động nổi bật của công tác TGPL trong hoạt động tố tụng là sự tham gia tố tụng của đội ngũ TGVPL. Trong thời gian qua, đội ngũ TGVPL đã có nhiều cố gắng trong việc chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng TGPL, có sự đầu tư theo chiều sâu, tận tâm, tận tụy với công việc.

Theo đánh giá của các cơ quan tố tụng, TGVPL đã góp phần tích cực trong việc giải quyết các vụ án; trong nhiều vụ án, những kiến nghị, quan điểm của TGVPL đã được Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận để ra bản án, quyết định nhẹ hơn đề nghị truy tố của đại diện Viện kiểm sát hoặc nhẹ hơn so với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm...

Ngoài ra, công tác theo dõi, đánh giá, nâng cao chất lượng tham gia tố tụng và quản lý chất lượng các vụ việc cũng được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Hằng năm, đại diện lãnh đạo các ngành Tư pháp, Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thường xuyên đi kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn để đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác.

Đồng thời, nắm bắt ý kiến phản hồi thông tin liên quan đến hoạt động TGPL, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chất lượng vụ việc TGPL, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người thực hiện TGPL...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: việc triển khai, quán triệt TTLT số 11 cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán của các ngành thành viên chưa thường xuyên, vì thế vẫn có trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự chưa được giải thích hoặc được giải thích nhưng chưa đầy đủ, thấu đáo về quyền được TGPL miễn phí; phần lớn các đối tượng được TGPL do cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm TGPL chủ yếu là trong các vụ án hình sự và là những đối tượng thuộc diện phải có người bào chữa theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 57, Bộ luật Tố tụng hình sự; công tác thống kê, báo cáo của một số cơ quan tố tụng về số lượng đối tượng thuộc diện được TGPL chưa đầy đủ...

Hiện nay, công tác TGPL đang thực hiện chuyển hướng chiến lược, phát triển bền vững theo hướng chuyên nghiệp hóa, chất lượng vụ việc TGPL phải tương đương với dịch vụ của luật sư cung cấp trên thị trường theo tinh thần Luật TGPL năm 2017 (có hiệu lực từ 1-1-2018). Bên cạnh đó, tư cách người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho đối tượng của TGVPL đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Vì vậy, để thực hiện tốt công tác TGPL trong hoạt động tố tụng, thời gian tới, các cơ quan tố tụng cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: bảo đảm các đối tượng có yêu cầu TGPL đều được cử TGVPL, luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng; tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt có trọng tâm, trọng điểm và sâu sắc hơn nữa Luật TGPL, TTLT số 11; tăng tính chịu trách nhiệm của từng ngành trong việc bảo đảm thực hiện các nội dung phối hợp; tăng cường vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân người tiến hành tố tụng trong việc thông tin, giải thích về quyền được TGPL cho đương sự trong các vụ, việc, đặc biệt là các vụ việc dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình...

N.Hải-P.Thủy