.

Người "giữ lửa" cho làng nghề truyền thống

Thứ Tư, 13/07/2016, 13:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Dù trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của thời gian, đến nay làng nghề mây đan La Hà, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn vẫn đang được duy trì và phát triển. Và người đã giữ lửa cho làng nghề ấy là ông Trần Văn Hiếu, chủ nhiệm HTX mây đan La Hà.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vốn là cái nôi của nghề truyền thống mây đan, ngay từ nhỏ ông Trần Văn Hiếu đã được thừa hưởng sự khéo léo, niềm đam mê với nghề đan lát truyền thống từ gia đình. Từ lúc lên 7 ông được học đan và lên 10 thì đã đan thành thạo.

Ông chia sẻ: “Vào năm 70-80 của thế kỷ trước, thực hiện chính sách mở cửa, hàng mặt mây được xuất khẩu đi nhiều nước. Đây cũng là thời điểm làng nghề phát triển hưng thịnh nhất. Hằng năm, bà con ở địa phương cho ra đời hàng vạn sản phẩm từ mây. Cuộc sống người dân được ấm no, đầy đủ. Nhưng đến năm 1990, thị trường tiêu thụ ở các nước bị thu hẹp lại, không có đầu ra cho sản phẩm, từ đó số người làm nghề đan lát ở làng cũng dần vơi đi”.

Chứng kiến nghề truyền thống của cha ông từng ngày bị mai một, ông Hiếu không khỏi xót xa. Nhiều đêm ông cứ trăn trở phải làm gì và làm như thế nào để giữ lấy nghề. Đến năm 2007, với sự quyết tâm và tình yêu nghề của mình, ông Hiếu quyết định tìm hướng đi mới cho làng nghề. 

Ông đi từ Bắc vào Nam để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Đồng thời, tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các làng nghề mây đan có tiếng trên cả nước, đưa công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, từ đó đã góp phần nâng cao sản lượng cũng như chất lượng của sản phẩm làm ra, tạo việc làm ổn định cho người dân nơi đây.

Năm 2010, được sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, ông đứng ra vận động thợ đan trong làng thành lập HTX mây đan Quảng Văn, làm đầu mối cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho bà con. Mọi việc từ chọn mua nguyên liệu, tìm kiếm thị trường, khai thác các hợp đồng đặt hàng... ông đều lo chu toàn. Không phải lo lắng về nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm nên người dân La Hà đã gắn bó với nghề truyền thống của làng. Hiện tại, với hơn 30 xã viên và hơn 100 hộ, gần 250 lao động, mỗi năm sản xuất ra 13.000-14.000 m2 mặt mây, doanh thu đạt khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Tuy gần bước sang tuổi 60, nhưng ngọn lửa nghề trong ông Hiếu chưa bao giờ tắt. Một ngày làm việc của ông bắt đầu từ sáng sớm với những lo toan từ kiểm kê đơn hàng, nhập nguyên liệu cho đến chuốt mây, đan thành sản phẩm....

Hy vọng rằng với những tâm huyết dành cho làng nghề của Ông Trần Văn Hiếu nói riêng và người dân xã Quảng Văn nói chung, làng nghề truyền thống mây tre đan La Hà sẽ luôn giữ vững được những giá trị truyền thống mà cha ông để lại.

Như Hương