.

Sản xuất dưa hấu an toàn, lợi từ hai phía

Thứ Năm, 16/06/2016, 07:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Vụ xuân-hè năm 2016, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học - Công nghệ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh phối hợp với UBND xã Hàm Ninh đã triển khai mô hình sản xuất dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP.

Trước đây, Hàm Ninh được biết đến là vùng đất “bán tử địa”. Mùa hè năm 2006, một số hộ gia đình đã mạnh dạn trồng thử nghiệm mấy sào dưa hấu trên đất lúa một vụ và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ đó, nhiều người dân địa phương đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng dưa hấu rồi triển khai trồng.
Năm 2009, diện tích trồng dưa ở Hàm Ninh là 35 ha, đến năm 2010, khi có nước Rào Đá về tưới tiêu cho cây trồng, diện tích trồng dưa của cả xã lên đến 60 ha. Cũng là các giống dưa An Tiêm, Hắc Mỹ Nhân, Hoàn Châu, Phù Đổng nhưng dưa trồng ở đồng đất Hàm Ninh vừa cho năng suất cao vừa ngọt lịm; ai đã ăn dưa hấu nơi đây đều muốn ăn thêm, mua nữa, nên dưa bán được giá và “chạy” hơn.

Tuy nhiên, mấy năm lại đây, do nhiều nơi trồng dưa và có những hộ trồng không tuân thủ quy trình kỹ thuật để bảo đảm “dưa sạch” nên ảnh hưởng đến đầu ra của dưa hấu Hàm Ninh. Nhận thức rõ tầm quan trọng của các sản phẩm thực phẩm nói chung, dưa hấu nói riêng phải “sạch” để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, vụ xuân-hè năm nay, mô hình sản xuất dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP ở xã Hàm Ninh được triển khai thử nghiệm trên diện tích 1 ha.

Xã Hàm Ninh sẽ nhân rộng mô hình trồng dưa theo hướng VietGAP.
Xã Hàm Ninh sẽ nhân rộng mô hình trồng dưa theo hướng VietGAP.

Vùng trồng dưa, điều kiện đất đai, nguồn nước đều được khảo sát, kiểm tra bảo đảm các chỉ tiêu kỹ thuật. Có 2 cán bộ chỉ đạo ở xã và 3 nông dân có kinh nghiệm trồng dưa tham gia mô hình được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 tại Đà Nẵng tập huấn chuyển giao kỹ thuật, quy trình sản xuất dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP; dưa được trồng rải vụ.

Ông Hà Công Nghệ, ở thôn Trường Niên, người tham gia mô hình chia sẻ: “Lúc đầu, tôi rất băn khoăn, sợ không theo nổi bởi trồng dưa theo hướng VietGAP đòi hỏi người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Hàng ngày, phải bám sát ruộng dưa, theo dõi, có nhật ký ghi chép rất cẩn thận, tỉ mỉ từng công đoạn, quá trình chăm sóc dưa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhờ thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật mà dưa phát triển tốt hơn, năng suất hơn trồng dưa theo phương pháp truyền thống”. Thời tiết năm nay không thuận cho người trồng dưa, trồng đợt đầu mưa nhiều nên tỷ lệ dưa đậu quả thấp, chỉ đạt trên 70%, ba đợt sau tỷ lệ đậu quả bình quân đạt được 92%. Mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của quả, trọng lượng quả hạn chế, từ 1,5 kg đến 4,5 kg.

Giống dưa Hoàn Châu và giống dưa Phù Đổng đều có chất lượng tốt, ngọt đậm, trong đó giống dưa Hoàn Châu ngọt hơn giống dưa Phù Đổng, ngược lại, giống dưa Phù Đổng có vỏ dày hơn nên bảo quản được lâu hơn và phù hợp cho quá trình vận chuyển đi xa.

Khi được hỏi vì sao trồng dưa hấu theo hướng VietGAP được cho là dưa sạch, an toàn, ông Nguyễn Đức Nhiên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hàm Ninh, người trồng dưa nhiều năm và đã được tập huấn kỹ thuật VietGAP cho biết: Điểm khác biệt nhất của quy trình kỹ thuật trồng dưa hấu theo hướng VietGAP là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải tuân theo hướng dẫn của Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 Đà Nẵng. Thuốc phải đúng loại, phun thuốc đúng giai đoạn, đúng liều lượng, nhất thiết không được phun tùy tiện, quá liều quy định.

Sau khi dưa có quả, chọn quả, nếu quả không có hiện tượng sâu bệnh thì không phun thuốc. Còn nếu quả có hiện tượng sâu bệnh thì phun thuốc nhưng từ lần phun đó đến 15 ngày sau mới thu hoạch dưa chứ không được thu hoạch sớm hơn. Lúc đó, dưa mới được gọi là dưa “sạch”, an toàn cho người tiêu dùng.

Trong quá trình chăm sóc cây trồng nói chung, dưa hấu nói riêng, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, người dân cần có ý thức đối với nguồn nước và môi trường, không được vứt bừa bãi vỏ chai đựng thuốc và túi ni lon sau khi đã dùng. Phải khẳng định rằng, sản xuất dưa hấu theo hướng VietGAP lợi từ hai phía, vừa an toàn cho người trồng, vừa an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, nếu người trồng có ý thức sẽ đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái” – ông Nhiên nói.

Qua thu hoạch và tiêu thụ của cả 3 hộ gia đình tham gia mô hình, cho thấy, trồng dưa hấu theo hướng VietGAP giảm chi phí đầu vào so với trồng dưa thông thường được 30%, mặt khác giá đầu ra lại cao hơn trồng dưa thông thường từ 3 đến 5 giá. Do vụ này mưa nhiều, hạn chế năng suất của quả, bình quân có 9.200 quả/ha, trọng lượng quả cũng bị giảm, trung bình chỉ đạt 2,85 kg/quả, giá bán cũng thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Với những ruộng dưa được trồng theo phương pháp thông thường, người trồng thu lãi cao nhất cũng đạt 88 triệu đồng/ha, còn nếu dưa được trồng theo hướng VietGAP, quả dưa được dán tem nhãn VietGAP, lợi nhuận lên đến 130 triệu đồng/ha. Ngoài ra, sau khi thu hoạch dưa chính vụ khoảng một tháng, người dân còn thu thêm khoảng 20 triệu đồng/ha dưa tái sinh.

Ông Hà Xuân Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh cho biết: “So với những vụ trước, vụ dưa năm nay của Hàm Ninh vừa giảm năng suất, sản lượng, lại vừa rớt giá. Tuy nhiên, mô hình trồng dưa theo hướng VietGAP vừa an toàn lại có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng dưa theo kỹ thuật thông thường, bởi vậy, những vụ dưa sau xã Hàm Ninh sẽ nhân rộng mô hình này”.

Thái Toản