.

Trên công trường cầu Nhật Lệ 2

Thứ Sáu, 10/06/2016, 10:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo chân kỹ sư Trần Quốc Huy, Giám đốc Ban quản lý chuyên ngành Giao thông vận tải Quảng Bình (BQLDA) chúng tôi ra tận hiện trường thi công khối K0 dầm chính ở trụ tháp T4 nằm giữa sông Nhật Lệ. Mới 6h sáng mà cái nắng ngày hè miền Trung đã chói chang, làm cho lưng áo của những người thợ cầu ướt đẫm mồ hôi.

Kỹ sư Trần Quốc Huy cho biết, vào những ngày này các đơn vị thi công đã triển khai làm việc từ 4h sáng để tránh nắng nóng. Công trình cầu Nhật Lệ 2 bao gồm 3 gói thầu xây lắp do 3 đơn vị có năng lực trong ngành GTVT đảm nhận thi công. Gói thầu số 7 (đường dẫn hai đầu cầu) do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1.

Cầu Nhật Lệ 2 đang dần hiện hữu.
Cầu Nhật Lệ 2 đang dần hiện hữu.

Hiện tại các đơn vị đang tiến hành thi công 2 gói thầu còn lại; trong đó gói thầu số 9 (xây lắp phần cầu chính), là gói thầu quan trọng nhất do Liên danh Công ty CP Cầu 12 và Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt trúng thầu. Đến nay hạng mục phần móng cọc khoan nhồi và hạ bộ các trụ T3, T4, do Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt thi công cơ bản đã gần xong.

Hạng mục chính của cầu là thân trụ tháp T4 và nhịp dầm chủ dây văng, do Công ty CP Cầu 12, thuộc (CIENCO1),  thi công đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Theo đồng chí giám đốc Ban QLDA thì, thời gian qua các đơn vị đã nỗ lực để đạt tiến độ đề ra, tuy nhiên do nguồn vốn bố trí hạn chế nên khối lượng xây lắp đến nay chỉ đạt xấp xỉ 50%.

Tại thời điểm này, 2 đơn vị thi công đang tập trung lực lượng, thiết bị để tiến hành đổ bê tông thân cầu. Kỹ sư Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Công ty CP Cầu 12 cho biết, từ 4h sáng gần 100 cán bộ, kỹ sư và công nhân của đơn vị đã bắt tay vào công việc đổ bê tông.

Đến thời điển 6h sáng đã có 45m3 bê tông được đổ xong. Toàn bộ thân cầu chia ra 16 khối (từ K0 đến K15). Mỗi khối phải đổ 350m3 bê tông, với tiến độ này thì sau 4 tháng nữa sẽ cơ bản hoàn thành phần kết cấu và chuyển sang việc lắp đặt hệ thống dây văng. Đơn vị đã có cam kết với chủ đầu tư (Sở GTVT) và UBND tỉnh sẽ hợp long cầu (người dân có thể đi bộ qua cầu) vào cuối năm 2016.

Chỉ huy trưởng công trường Cầu Nhật Lệ 2 của Công ty CP Cầu 12, kỹ sư Khuất Quang Huy với chiếc bộ đàm trên tay liên tục chỉ đạo điều hành các mũi thi công. Công ty đã ký hợp đồng với Công ty XDTH Tiến Phát cung ứng bê tông tươi, theo tiến độ đều đặn hàng giờ không bị gián đoạn.

Do tính chất thi công phức tạp (hiện trường ở giữa sông và ở độ cao trên 15m), nên phải sử dụng máy bơm bê tông công suất lớn và thực hiện liên tục nên đơn vị bố trí lực lượng thành 3 ca để thay nhau. Để đổ được một khối bê tông đơn vị phải hợp đồng rất chặt chẽ với đơn vị cung ứng bê tông tươi, liên hệ đường vận chuyển...

Mỗi xe chuyên dụng chỉ chở được 7m3 bê tông từ nhà máy đến công trình, mỗi khối đúc bê tông 350m3 cần đến 50 chuyến xe vận chuyển, nên yêu cầu của việc đổ bê tông hết sức nghiêm ngặt, bê tông phải được kiểm định chất lượng, quá trình sản xuất không được quá ướt và nhất là khâu vận chuyển phải nhịp nhàng, bê tông phải chảy liên tục đều đặn không được gián đoạn.

Theo lời của Chỉ huy trưởng công trường Cầu Nhật Lệ 2 cho biết, đây là cầu dây văng có tính chất kỹ thuật phức tạp, áp dụng các công nghệ thi công tiên tiến. Phần cầu chính của cầu Nhật Lệ 2 gồm 2 nhịp dây văng đối xứng, chiều dài mỗi nhịp 150m. Dầm chủ có mặt cắt ngang hở dạng hình chữ P (chữ Pi), bề rộng mặt cầu 23,6m, được chia thành các khối đúc từ K0 đến K15 thi công theo công nghệ đúc hẫng cân bằng đối xứng qua trụ tháp T4.

Theo đó, các dây văng sẽ được lắp dựng và căng kéo theo từng đốt đúc tuân thủ theo đúng biện pháp thi công và quy trình công nghệ được phê duyệt và quản lý rất nghiêm ngặt, chặt chẽ.

Công nhân Công ty CT Cầu 12 đổ bê tông khối đúc K0.
Công nhân Công ty CT Cầu 12 đổ bê tông khối đúc K0.

Kỹ sư Trần Quốc Huy, Giám đốc ban QLDA tâm sự, xác định đây là công trình có kỹ thuật phức tạp mà các thành phần tham gia từ thiết kế, thi công, quản lý dự án, tư vấn giám sát hoàn toàn sử dụng nội lực trong nước, nên Ban luôn bố trí đầy đủ cán bộ, kỹ sư cùng phối hợp với đơn vị tư vấn để giám sát việc thi công. Vì chỉ để xảy ra một sơ suất nhỏ trong thi công, có thể dẫn đến hậu quả lớn khi đưa cầu vào sử dụng sau này.

Đồng chí Giám đốc Sở GTVT Phạm Quang Hải cho biết, công trình này được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Theo nội dung Kết luận Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 tại Thông báo số 151-TB/TU ngày 19-4-2016 của Tỉnh ủy Quảng Bình, công trình cầu Nhật Lệ 2 phải tập trung mọi nguồn lực để thi công hoàn thành cơ bản trong năm 2016.

Trên cơ sở chỉ đạo đó, Sở GTVT Quảng Bình đã yêu cầu các nhà thầu thi công gói thầu cầu dẫn (gói 8) và gói thầu cầu chính (gói 9) lập tiến độ thi công tổng thể và chi tiết các hạng mục còn lại, bảo đảm thi công hoàn thành cơ bản phần cầu của dự án, hợp long cầu cuối năm 2016.

Để bảo đảm hoàn thành theo tiến độ theo chỉ đạo của tỉnh, dự án cần bố trí từ nay đến cuối năm số vốn khoảng 200 tỷ và bàn giao mặt bằng thi công phạm vi các trụ T6 (vướng hộ ông Hoàng Viết Ánh), mố M7 (vướng hộ ông Hồ Đức Long) phía bờ Bảo Ninh trước 15-6-2016. 

Qua câu chuyện của người đứng đầu ngành GTVT Quảng Bình, chúng tôi được biết cái khó nhất lúc đầu đặt ra là nguồn vốn và việc tiếp cận thiết bị, công nghệ tiên tiến cầu dây văng. Kế hoạch vốn năm 2016 đã bố trí 102 tỷ cho dự án cầu Nhật lệ 2. Và để đẩy nhanh tiến độ, mới đây UBND tỉnh đã bố trí thêm 65 tỷ đồng nữa cho dự án này, phần nào tháo gỡ khó khăn cho đơn vị thi công.

Với những gì được chứng kiến tại công trường cầu Nhật Lệ 2, chúng tôi hy vọng rằng đây sẽ là một công trình bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ và thành phố Đồng Hới xinh đẹp sớm có thêm một công trình tạo điểm nhấn kiến trúc hiện đại.

Trọng Thái