.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Thứ Hai, 13/06/2016, 09:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp nhanh chóng thực hiện các chính sách, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi, thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh... Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động mỗi năm vẫn nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà.

Những con số buồn

Qua báo cáo của Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh, trong quý I/2016, toàn tỉnh có 729 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số doanh nghiệp hiện có lên 4.443 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp chưa thể hiện sự khởi sắc của hoạt động thu hút đầu tư, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi lẽ, con số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động cũng đang tăng cao.

Đơn cử, năm 2015 có 282 doanh nghiệp ngừng hoạt động, riêng những tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 59 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể tự nguyện. Hầu hết những doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, ít vốn và thuộc các ngành nghề phải cạnh tranh gay gắt như xây dựng, giao thông vận tải và dịch vụ.

Nếu xét một cách tổng thể thì tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, cụ thể: Quy mô, số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn nhỏ, năng lực tài chính yếu, năng lực cạnh tranh thấp (bình quân vốn đăng ký 4,25 tỷ đồng/doanh nghiệp), sử dụng lao động ít. Tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nguyên nhân chính là giá thành cao, công nghệ lạc hậu, sản phẩm tiêu thụ chậm.

Tập huấn marketing online cho các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh.
Tập huấn marketing online cho các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh.

Mặt khác, lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp hiện nay vẫn còn ở mức cao (7%- 8%) và khó vay, thủ tục còn rườm rà, phức tạp, tiêu chí cao, khó thực hiện, chưa thực sự ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực khác tuy đã giảm nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp, vì không đáp ứng được điều kiện vay vốn, không có tài sản bảo đảm, chưa có dự án khả thi để vay vốn mới, làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời do chính sách thắt chặt, cắt giảm đầu tư công cũng làm cho sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất về cơ khí, vật liệu xây dựng, gạch, ngói, đặc biệt là xi măng... gặp khó khăn và tăng chậm. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản ngày càng khó khăn, nhiều dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ vì không có vốn, điều đó dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu việc làm.

Về xuất nhập khẩu, hiện các doanh nghiệp đang trải qua thời kỳ khó khăn, do sức mua của thị trường các nước giảm, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh như: Cao su giảm 52,6%; gỗ các loại giảm 13%; dăm gỗ khô giảm 8,5%; nhựa thông giảm 25,6%; thuỷ sản giảm 42,2% so với năm trước... đã ảnh hưởng đến kế hoạch và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hoàng Giang, Chủ tịch Hội doanh nghiệp cho biết: Nguyên nhân giải thể, tạm ngừng hoạt động của một số doanh nghiệp trong tỉnh ngoài thiếu vốn nhiều doanh nghiệp đang phải "cõng" nhiều chi phí đang tăng như phí cầu đường, thuế, chi phí sản xuất, vận chuyển...

Đặc biệt, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các ngành hàng được xóa bỏ thuế nhập khẩu cũng đang phải cạnh tranh với sức ép của hàng nhập khẩu giá rẻ, lại thiếu thị trường, kinh doanh không có lãi, thậm chí là thua lỗ kéo dài. Trong khi đó, chi phí quản lý và các khoản chi khác ngày một tăng cao.

Góp phần hạn chế doanh nghiệp chết “lâm sàng”

Dù trên thực tế nền kinh tế trong tỉnh, trong nước đang từng bước ổn định, nhưng "sức khỏe" của nhiều doanh nghiệp xem ra vẫn chưa thực sự hồi phục. Cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh vẫn rất cần được quan tâm, hỗ trợ, để hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh thêm thuận lợi. Đó cũng là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tận dụng cơ hội của hội nhập để phát triển.

Thấy được tầm quan trọng của các hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Hội Doanh nghiệp Quảng Bình đã thực hiện các kế hoạch đào tạo. Hội đã phối hợp với Sở Công thương, Trường đại học Quảng Bình, Trường trung cấp Kinh tế, các Huyện đoàn, các ngân hàng thương mại trong tỉnh và các doanh nghiệp hội viên, mở các lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp và khởi sự cho đoàn viên thanh niên trong tỉnh.

Riêng năm 2015 đã tổ chức được 20 lớp tập huấn với hơn 1.200 học viên tham gia đạt kết quả cao. Các khóa đào tạo đã cung cấp những thông tin cần thiết về nhận thức kinh doanh và ý tưởng kinh doanh; những vấn đề về thị trường và marketing trong khởi sự doanh nghiệp; tổ chức sản xuất và vận hành doanh nghiệp; kiến thức và kỹ năng cần thiết thành lập doanh nghiệp; quản trị tài chính trong khởi sự doanh nghiệp...

Hội Doanh nghiệp tỉnh còn phối hợp với Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tổ chức “Hội thảo xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn” cho hơn 40 doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn với trên 120 người tham gia; kêu gọi và vận động các doanh nghiệp trong toàn tỉnh quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đầu tư hợp tác công tư; tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu rõ nội dung của dự án, giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng nguồn vốn và các chính sách ưu đãi của dự án; từ đó thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, nhằm thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Đồng hành với những giải pháp của tỉnh trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong năm 2016 này, Hội Doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị cho các doanh nghiệp.

Thực hiện chương trình phối hợp với Trường đại học Quảng Bình, các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các sở ban, ngành và các doanh nghiệp hội viên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ nghiệp vụ, kỹ thuật..., góp phần nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Hoàng Giang, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Quảng Bình, cho biết: Trong năm 2016 hội đặt ra mục tiêu mở 19-20 lớp đào tạo, mỗi lớp từ 50-60 học viên được bồi dưỡng tập huấn các chuyên đề như: Quản trị doanh nghiệp, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng, làm việc nhóm, văn hóa doanh nghiệp; đàm phán và ký kết hợp đồng; các kiến thức và kỹ năng cần thiết thành lập doanh nghiệp; quản trị tài chính trong khởi sự doanh nghiệp cho những cá nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập doanh nghiệp.

Hiền Phương