.

Thị xã Ba Đồn: Phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ Sáu, 10/06/2016, 13:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, sông ngòi và các điều kiện tự nhiên khác, thời gian qua, thị xã Ba Đồn đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng chăn nuôi.

Xác định chăn nuôi là lĩnh quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, thị xã Ba Đồn đã tập trung tuyên truyền, chỉ đạo các xã, phường động viên hộ dân mạnh dạn chuyển đổi hình thức chăn nuôi tự do, phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tập trung phát triển các giống vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao như: sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, gia cầm siêu trứng...

Hiện tổng đàn gia súc trên địa bàn thị xã có trên 44.700 con; trong đó, đàn trâu, bò gần 9.000 con, đàn lợn có hơn 36.000 con; đàn gia cầm có trên 210.000 con. Các xã, phường nuôi nhiều trâu, bò chủ yếu là: Quảng Tiên, Quảng Sơn, Quảng Phúc, Quảng Thọ...; chăn nuôi gia cầm có: Quảng Thủy, Quảng Lộc, Quảng Phong...

Song song với phát triển tổng đàn vật nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được chính quyền, các ngành, các cơ quan chuyên môn của thị xã đặt lên hàng đầu. Các công tác tổ chức tiêm phòng vacxin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được thực hiện theo định kỳ. Công tác quản lý về chất lượng nguồn giống, thức ăn, vận chuyển, giết mổ được siết chặt...

Vì vậy, những năm qua tổng đàn gia súc, gia cầm của thị xã đều tăng về cả số lượng và chất lượng, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Bên cạnh đó, thị xã cũng đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, chính quyền các xã, phường tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật, nhằm giúp đỡ, tư vấn cho các hộ dân phát triển chăn nuôi bằng cách lựa chọn các con giống tốt, phù hợp với các điều kiện của gia đình, cũng như ở địa phương. Ngoài ra, để giúp bà con định hướng chăn nuôi lâu dài, thị xã cũng đã quy hoạch phát triển, chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng làm thức ăn trong chăn nuôi như: ngô, khoai và các loại rau màu khác.

Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thị xã đã tập trung hướng chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại, hạn chế tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư. Hiện tại trên địa bàn thị xã có 21 trang trại đạt chuẩn, trong đó có nhiều trang trại cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động tại địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Điển hình có trang trại ông Phan Xuân Hoà, xã Quảng Sơn; anh Mai Văn Cả, phường Quảng Phúc (chủ mô hình chăn nuôi bò lai sind); ông Nguyễn Trọng Luyến, phường Quảng Phong, ông Phạm Văn Lập,  xã Quảng Tiên với mô hình chăn nuôi gia cầm...

Như Hương