.

Thực hiện Nghị định 67: Gian truân thủ tục vay vốn

Thứ Tư, 03/06/2015, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghị định 67/2014-NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 67) ban hành chính sách khuyến khích ngư dân phát triển thuỷ sản. Nghị định này ra đời như luồng gió mới được ngư dân hồ hởi đón nhận. Tuy nhiên, để thực hiện được sự ưu đãi của Chính phủ theo tinh thần Nghị định 67 quả là một vấn đề không hề đơn giản chút nào. 

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển thuỷ sản, nhất là lĩnh vực đánh bắt xa bờ. Còn nhớ cách đây gần chục năm Chính phủ đã đầu tư một khoản kinh phí rất lớn cho Chương trình đánh bắt xa bờ, thực hiện trên phạm vi 29 tỉnh có biển nhưng hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.

Đối với Nghị định 67, Chính phủ tập trung ưu tiên khuyến khích cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân đóng mới tàu, nâng cấp tàu, mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải...phục vụ khai thác hải sản.

Theo đó, khi vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu, ngư dân được vay tối đa từ 70-95% giá trị đầu tư con tàu, bao gồm cả máy móc thiết bị. Mức cho vay đối với đóng tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có công suất từ 400CV đến 800CV được vay tối đa 90% giá trị con tàu, lãi suất 7%/năm, chủ tàu chỉ trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm.

Đóng mới tàu vỏ thép công suất 800CV trở lên, ngư dân được cho vay tối đa 95% giá trị con tàu, chủ tàu chỉ trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Đối với đóng mới tàu vỏ gỗ công suất 400CV trở lên được vay tối đa 70% giá trị con tàu, chủ tàu trả 3% lãi suất/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm...Thời hạn cho vay do ngân hàng thương mại thoả thuận với chủ tàu nhưng thời gian được Nhà nước hỗ trợ lãi vay không quá 11 năm.

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định 67 ở Bố Trạch
Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định 67 ở Bố Trạch

Ngư dân Trương Văn Tuấn, ở thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh tâm sự: “Để đóng con tàu lớn vươn khơi cần số vốn rất lớn, ngư dân thường phải chạy vạy huy động khắp nơi, kể cả việc thế chấp nhiều sổ đỏ của gia đình và người thân. Nay được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi nên rất phấn khởi, ngư dân có thêm điều kiện để đóng thêm tàu cá”.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Bình cho biết, có 5 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đăng ký dành 910 tỷ đồng để cho ngư dân vay vốn đóng tàu, nâng cấp, mua sắm ngư lưới cụ theo Nghị định 67.

Trong đó Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương 400 tỷ đồng, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT 200 tỷ đồng, Chi nhánh Ngân hàng Công thương 200 tỷ đồng, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Bình 50 tỷ đồng, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Quảng Bình 40 tỷ đồng và Chi nhánh Ngân hàng Sài Gòn Thương tín 20 tỷ đồng. Cùng với việc ưu tiên nguồn vốn, các ngân hàng thương mại phối hợp với chính quyền các xã biển trong tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển nghề biển.

Theo Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình, đến nay toàn tỉnh có gần 1.000 hộ đăng ký tham gia vay vốn đóng mới, cải tạo tàu cá với nhu cầu vay vốn gần 2.330 tỷ đồng. Đặc biệt, ngư dân đăng ký đóng mới 10 chiếc tàu dịch vụ, kinh phí 114 tỷ đồng và 444 chiếc tàu khai thác vùng biển xa, kinh phí trên 1.750 tỷ đồng. Theo ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, sau 2 đợt thẩm định, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 15 đối tượng được vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 gồm 2 tàu dịch vụ vỏ thép, 3 tàu khai thác vỏ thép và 10 tàu khai thác vỏ gỗ.

Các chủ tàu được phê duyệt danh sách đã có bản vẽ thiết kế kỹ thuật, khái toán giá thành và đã được các ngân hàng thương mại tiến hành thẩm định lại để thương thảo ký kết hợp đồng tín dụng. Mặc dù Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 và các địa phương chỉ đạo hết sức quyết liệt, nhưng số lượng ngư dân được ký hợp đồng vay vốn vô cùng ít ỏi. Đến 30-4-2015, cả tỉnh mới có 4 trường hợp ký kết hợp đồng vay vốn và 1 trường hợp ký hợp đồng nguyên tắc.

Bao gồm: Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Bình ký kết 1 hợp đồng vay vốn với ông Nguyễn Văn Dương và 1 hợp đồng nguyên tắc với Cty TNHH Hồng Công. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT ký kết 3 hợp đồng với các ông Trần Đình Thủy, Đào Minh Hùng, Mai Hải. Còn lại 10 trường hợp đang được tiếp tục thương thảo để ký kết hợp đồng. Điều đáng nói là các hợp đồng mới ký trên giấy chứ chưa giải ngân đồng vốn nào. Vì sao có sự chậm trễ này?

Qua tìm hiểu tại các làng biển, chúng tôi được biết nguyên nhân chính là thủ tục vay vốn quá chặt chẽ đến mức khắt khe, qua nhiều tầng nấc kiểm tra, thẩm định... Theo bà Nguyễn Thị Hà, khi chủ tàu muốn vay vốn theo Nghị định 67, phải thực hiện đầy đủ 6 bước theo quy định, không được bỏ sót hoặc làm tắt bất cứ bước nào.

Với bước thứ nhất, chủ tàu phải mất nhiều thời gian công sức và qua nhiều cửa mới làm được. Yêu cầu của bước này là chủ tàu phải làm đơn đăng ký vay vốn kèm theo phương án sản xuất kinh doanh gửi cho UBND xã, phường nơi cư trú. Sau đó UBND xã kiểm tra xác minh và lập danh sách gửi lên UBND huyện, thị xã, thành phố để báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh. Tiếp đến tổ thẩm định của tỉnh tiến hành thẩm định, xác định đối tượng vay vốn đáp ứng 3 tiêu chí: đang hoạt động nghề cá hiệu quả; đủ khả năng tài chính để tham gia đóng mới, nâng cấp tàu theo tỷ lệ quy định; có phương án sản xuất cụ thể.

Trao đổi với chúng tôi ông L.V.H ở Đức Trạch, Bố Trạch rất thất vọng khi cho biết: khi ông đưa đơn và kèm theo các văn bản trình lên cấp trên, cán bộ tổ thẩm định chất vấn ông chứng minh sự "hiệu quả của dự án". Lâu nay ông chỉ quen ra khơi vào lộng, trình độ học vấn hạn chế chỉ biết đọc biết viết, không có năng khiếu ăn nói, thuyết trình, nên không thể thuyết phục được cán bộ nhận đơn, đành phải ngậm ngùi đưa đơn về nhà.

Được biết, để thông qua được bước thứ nhất này đa số chủ tàu phải thuê người lập phương án sản xuất kinh doanh, chứng minh hiệu quả vay vốn...có sức thuyết phục cán bộ xã, phường và tổ thẩm tra của tỉnh. Ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho biết, hầu hết các chủ tàu phải thuê làm hồ sơ vay vốn, chi phí cho một bộ hồ sơ khá tốn kém, không dưới 30 triệu đồng.

Khi các chủ tàu lọt qua bước đầu tiên (tức là có tên trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt), tiếp tục liên hệ chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể thủ tục vay vốn; đồng thời phải thực hiện các việc sau: hợp đồng với đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế, dự toán đóng mới tàu hoặc nâng cấp tàu và trình cơ quan phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Sau đó nộp tờ khai tại Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để được cấp văn bản chấp thuận. Tiếp đến là đến công đoạn thương thảo ký hợp đồng đóng tàu hoặc nâng cấp tàu, hợp đồng giám sát kỹ thuật tàu cá với ngân hàng.

Bước thứ ba, chủ tàu gửi đến ngân hàng tất cả các giấy tờ: bản gốc hồ sơ thiết kế, dự toán, văn bản phê duyệt thiết kế, văn bản chấp thuận của Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hợp đồng đóng tàu, đơn vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể... Nút thắt của bước này là, các chủ tàu phải vượt qua được sự thẩm định của ngân hàng. Bao gồm thẩm định các giấy tờ nói trên, đi sâu đánh giá năng lực sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính và hiệu quả của phương án sản xuất kinh doanh. Lúc này chủ tàu phải có trách nhiệm cung cấp các tài liệu chứng minh năng lực tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh của mình theo yêu cầu của ngân hàng...

Để thực hiện được các bước theo quy định về thủ tục nói trên, đối với một chủ tàu có trình độ đại học chuyên ngành kinh tế thì cũng phải mất cả hàng tháng trời mới thực hiện được. Trong khi đó, với người ngư dân vốn quen với sóng gió biển khơi, ít giao dịch quan hệ hành chính thì để có được chừng ấy thủ tục giấy tờ phải tốn rất nhiều thời gian công sức đi lại và chi ra không ít tiền để thuê người lập dự án, thiết kế, dự toán...

Nói như vậy mới biết để chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống quả là một quá trình không hề đơn giản chút nào.

Trọng Thái