.

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Minh Hóa

Thứ Ba, 02/06/2015, 08:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nên sản xuất lúa, ngô, lạc ở huyện Minh Hóa lúc thì gặp mưa bão, lúc gặp hạn hán thiếu nước tưới nên năng suất không cao, ảnh hưởng đến giá trị thu nhập. Do đó, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Minh Hóa đã chủ động chuyển những vùng sản xuất lúa, ngô, lạc kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trong khi nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Minh Hóa đang loay hoay tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất sản xuất kém hiệu quả thì gia đình chị Văn Thị Hà ở thôn Ba Nương xã Xuân Hóa hiện đang có thu nhập khá từ việc trồng các loại cây như bầu, bí.

Trên diện tích đất được giao khoán, trước đây gia đình chị Văn Thị Hà sử dụng để trồng một vụ lạc, thời gian còn lại để cỏ mọc và trở thành bãi chăn thả trâu bò. Vợ chồng chị, hai lao động chính trong nhà làm việc không ngưng nghỉ quanh năm với nhiều nghề nhưng thu nhập không đáng là bao, cuộc sống vẫn nghèo đói.

Cuối năm 2014, gia đình chị Hà đã mạnh dạn chuyển gần 3 sào đất trồng lạc sang trồng bầu, bí và đầu tư mua lưới, dây sắt để làm hệ thống giàn cho cây leo. Tháng 12 âm lịch, thời tiết khá thuận lợi, gia đình chị bắt đầu gieo hạt, sau thời gian trồng hơn 1 tháng các loại cây này bắt đầu cho thu hoạch và kéo dài tới 3 tháng.

Mô hình trồng bầu của chị Hà.
Mô hình trồng bầu của chị Hà.

Hiện gia đình chị Hà đang có 400 cây bầu trong giai đoạn ra hoa kết trái, trên 300 gốc bí đang cho thu hoạch đọt và quả bí non. Trên thị trường hiện nay quả bầu có giá bán từ 10.000-15.000 đ/kg, và đọt bí đỏ 15.000 đ/kg, với giá bán này một ngày gia đình chị Hà thu về gần 1 triệu đồng. Chị Hà cho biết: Bầu, bí có thể trồng quanh năm, tàn hết lứa này thì trồng tiếp lứa khác mà không cần phải chờ thời vụ, lại nhanh được thu hoạch, chi phí đầu tư không lớn, năng suất cũng khá cao, trung bình đạt từ 2,5-3 tấn quả/1.000m2. Muốn cây sinh trưởng, phát triển tốt, sai trái, ít sâu bệnh cần phải chú trọng từ khâu làm đất, đào hố, gieo hạt cho tới bón phân, sao cho đúng quy cách, đúng kỹ thuật.

Mặc dù đây là năm đầu tiên mạnh dạn đầu tư trồng bầu, bí, nhưng nhìn vườn cây xanh tốt, trĩu quả đã khẳng định thành công bước đầu của gia đình chị Hà. Ước tính thu hoạch một vụ gia đình chị sẽ có thu khoảng 30-40 triệu đồng, một con số khá ấn tượng đối với cuộc sống của người nông dân.

Khác với xã Xuân Hóa, xã Yên Hóa lại vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, lạc kém hiệu quả sang trồng dưa leo, trong 3 năm trở lại đây nhân dân xã Yên Hóa đã có thu nhập cao từ loại cây trồng này.

Đã hơn 2 tháng nay, trên 1 sào dưa leo của gia đình ông Đinh Xuân Vinh ở thôn Tân Tiến, xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa đã mang lại thu nhập cho gia đình trên 15 triệu đồng. Diện tích đất trồng dưa này trước đây được gia đình ông Vinh sản xuất một vụ lạc và một vụ ngô, nhưng do thời tiết không thuận lợi năng suất chất lượng không cao.

Thực hiện chủ trương của xã, năm 2012 gia đình ông mạnh dạn chuyển sang trồng cây dưa leo, bình quân mỗi năm ông trồng 1-2 vụ dưa và thu nhập từ 30-40 triệu đồng. Vụ dưa hiện tại, ông xuống giống từ tháng 11 năm 2014, sau hơn 2 tháng chăm sóc, dưa leo đã bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi ngày gia đình ông Vinh thu hoạch trên 50kg dưa leo, với giá bán từ 10.000-12.000đ/kg, gia đình ông đã thu về trên 500.000 đồng. Ông Vinh cho biết nếu nhẩm tính thì một sào dưa thu nhập bằng 10 sào lạc, nếu năm nay thời tiết thuận lợi, dưa được giá thì dự tính gia đình ông Vinh sẽ thu được trên 50 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả của cây dưa leo mang lại hiện nay trên địa bàn xã Yên Hóa đã có trên 100 hộ dân chuyển sang trồng dưa leo, chỉ với diện đất vườn nhà cộng với thời gian lúc nông nhàn để đầu tư làm đất, làm giàn là người nông dân đã có được nguồn thu nhập từ cây dưa leo. Bình quân mỗi vụ dưa leo, người nông nhân thu về được từ 15 - 50 triệu đồng.

Ông Hà Ngọc Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hóa khẳng định: Với việc chuyển đổi cây trồng đúng hướng, tin rằng đây sẽ là điều kiện để bà con nông dân của xã Yên Hóa tiếp tục nhân rộng mô hình và mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với điều kiện, môi trường canh tác, góp phần tạo thêm công ăn việc làm và đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Như vậy, có thể khẳng định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những cách làm hiệu quả trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay và là hướng đi đúng cho những vùng có diện tích trồng lúa, ngô, lạc bấp bênh và nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần xóa-đói giảm nghèo.

Thùy Linh-Ngọc Bé
(Đài TT-TH Minh Hóa)