.

Vụ đông-xuân tiếp tục được mùa

Thứ Hai, 01/06/2015, 07:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi có dịp về các vùng quê, ở đâu cũng bắt gặp không khí rộn ràng của ngày mùa. Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết vụ đông - xuân này tỉnh ta tiếp tục được mùa, năng suất và sản lượng đa số các loại cây trồng đều vượt chỉ tiêu kế hoạch, nông dân rất phấn khởi.

Nhìn chung, vụ đông-xuân 2014-2015 có nhiều yếu tố thuận lợi cho tất cả các loại cây trồng, diện tích lúa toàn tỉnh thực hiện 30.123,4ha, tăng 1,6% so cùng kỳ năm trước. Diện tích cây lúa tăng là nhờ công tác thủy lợi được đẩy mạnh, hệ thống tưới tiêu ngày càng hoàn thiện. Tất cả các địa phương đều có diện tích lúa tăng. Cụ thể: Thành phố Đồng Hới tăng 0,6%; thị xã Ba Đồn tăng 0,8%; huyện Minh Hóa tăng 0,9%; huyện Tuyên Hoá tăng 0,1%; huyện Quảng Trạch tăng 2,4%; huyện Bố Trạch tăng 2,4%; huyện Quảng Ninh tăng 4,1%; huyện Lệ Thủy tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước.

Diện tích ngô và cây lương thực có hạt khác 4.062,6ha, tăng 5,3%; cây lấy củ có chất bột 9.767,3ha, tăng 3,8%; cây rau, đậu, hoa cây cảnh 4.629,4 ha, tăng 2%. Số diện tích cây trồng bị hư hại phải gieo cấy lại không đáng kể so với các vụ trước.

Đánh giá sơ bộ năng suất lúa bình quân chung cả tỉnh ước đạt 59 tạ/ha, đạt 101% kế hoạch, bằng 99% so với cùng kỳ; sản lượng 173.000 tấn, đạt 101% kế hoạch. Năng suất lúa cao nhất là các huyện Lệ Thủy với 65,3 tạ/ha, Quảng Ninh 59,4 tạ/ha, Đồng Hới 55 tạ/ha... Không riêng gì cây lúa, cây ngô cũng cho năng suất khá cao dự ước 50,7 tạ/ha, đạt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cây lạc đang bước vào thời kỳ thu hoạch với diện tích 4.100 ha, dự kiến năng suất bình quân chung của cả tỉnh là 19,9 tạ/ha.

Được mùa dưa hấu ở Bố Trạch.
Được mùa dưa hấu ở Bố Trạch.

Sở dĩ vụ đông-xuân này nông dân được mùa, ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi ra, yếu tố giống cũng hết sức quan trọng làm nên thắng lợi. Qua báo cáo của các địa phương, lượng giống do doanh nghiệp cung ứng trong vụ đông - xuân này đáp ứng đầy đủ, trong đó có 1.550 tấn giống lúa các loại (giống chất lượng 730 tấn), ngô 25 tấn, lạc 200 tấn và dự phòng 150 tấn giống lúa cực ngắn sẵn sàng bổ sung cho diện tích phải gieo lại do mưa, rét, ngập úng đầu vụ. Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi nên số diện tích lúa, lạc, ngô phải gieo cấy lại không đáng kể. Nét mới trong vụ này là một số địa phương đã đưa vào cơ cấu sản xuất giống lúa Bte 01 và 4 giống tiến bộ kỹ thuật (giống lúa SV46, SV181, SV47 và giống lạc SVL1).

Đặc biệt vụ đông-xuân này các địa phương đã mở rộng cánh đồng mẫu lớn làm tăng hiệu quả sản xuất. Qua số liệu từ các địa phương trong tỉnh, bà con nông dân triển khai thực hiện gần 5.000ha cánh đồng mẫu lớn đối với cây lúa, ớt, sắn, ngô, lạc, khoai lang (cụ thể, huyện Lệ Thuỷ thực hiện trên 1.100ha, chủ yếu trồng lúa giống, lúa thương phẩm và khoai lang; huyện Quảng Ninh 300ha, chủ yếu trồng lúa; huyện Bố Trạch trên 400ha, chủ yếu trồng ớt, lạc, ngô...). Toàn tỉnh có 550ha lúa sản xuất theo biện pháp SRI và chuyển đổi 1.600ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, trong đó vụ đông - xuân đã thực hiện được 831ha.

Huyện Lệ Thuỷ được xem là đơn vị dẫn đầu về việc áp dụng các giống lúa mới, chất lượng cao vào sản xuất với 99% diện tích được gieo cấy bằng giống lúa mới, trong đó 70% giống lúa chất lượng. Cơ cấu giống lúa được bố trí sản xuất ở vụ mùa này bao gồm: X21, Xi23, NX30 chiếm 5.080ha, chiếm 50% tổng diện tích; lúa chất lượng cao XT28, P6, PC6, HT1, P290, nếp IJ352... chiếm 35% tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích lúa sử dụng giống xác nhận kỹ thuật và đưa vào gieo cấy đạt 80%.

Đặc biệt vụ này, Lệ Thuỷ thực hiện được 1.100ha diện tích cánh đồng mẫu lớn, trong tổng diện tích 10.105ha, tăng 25% diện tích so với vụ đông - xuân trước. Dẫn đầu là xã An Thuỷ có 280ha cánh đồng mẫu lớn, xã Phong Thuỷ 108ha; Liên Thuỷ 85ha; Sơn Thuỷ 70ha... Ngoài ra có mô hình SRI (canh tác lúa cải tiến) với diện tích 120 ha tại xã An Thuỷ và Lộc Thuỷ... Một điều đáng chú ý là năng suất ở hầu hết các cánh đồng mẫu lớn đều đạt xấp xỉ 75tạ/ha, cá biệt có nơi đạt 80 tạ/ha, vượt trội so với năng suất bình quân trên toàn huyện.

Trong vụ đông-xuân này, huyện Quảng Ninh thực hiện gieo cấy 5.200 ha lúa, cây ngô 360 ha, tăng hơn vụ trước 2,5% diện tích.  Bộ giống lúa đưa vào sản xuất chủ yếu là giống ngắn ngày, chất lượng cao. Nét mới của huyện Quảng Ninh là thực hiện tốt  công tác dồn điền đổi thửa, nên vụ đông-xuân có điều kiện mở rộng cánh đồng mẫu lớn. Huyện tích cực chỉ đạo đưa các giống có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu, kháng sâu, bệnh vào sản xuất phù hợp với từng chân đất; tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 65%.

Đối với chân ruộng trũng, huyện bố trí giống trung ngày nhằm tránh ngập đầu vụ. Đồng thời tích cực chỉ đạo nông dân áp dụng sản xuất theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI, chỉ gieo 3 - 5 kg/ sào cho vụ đông-xuân; khuyến khích vận động nhân dân tăng cường đầu tư thâm canh, mở rộng vùng đầu tư thâm canh đạt 5.500 ha, tập trung ở các xã: An Ninh, Vạn Ninh, Tân Ninh, Xuân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh và Gia Ninh...

Nét mới ở vụ sản xuất đông-xuân 2014-2015 là các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Ví dụ như ở Quảng Ninh, Phòng Nông nghiệp đã vận động bà con xã Vạn Ninh, Lương Ninh chuyển đổi được 40ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô nếp HN88 và xã Hàm Ninh trồng dưa hấu. Điều đáng mừng ở Quảng Ninh là vụ trước nông dân nhiều nơi bỏ ruộng hoang, thì vụ này tất cả đều được gieo cấy lúa. Quảng Trạch duy trì 3.500 ha lúa đông-xuân, đồng thời khuyến khích bà con mở rộng diện tích các loại cây trồng khác. Kết quả vụ này bà con đã gieo 250ha ngô, trồng khoai 880 ha, lạc 600 ha và  520 ha sắn...

Vụ này Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã phối hợp với Trạm khuyến nông các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh thực hiện mô hình trồng thử nghiệm các giống ngô mới PAC999 và PAC339 trên 21ha đất lúa kém hiệu quả, với sự tham gia của 167 hộ nông dân. Các hộ dân thực hiện mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống và 30% lượng phân bón hóa học theo định mức quy trình kỹ thuật.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế, sau khi trừ chi phí thì 1ha trồng giống ngô PAC999 và PAC339 thu được lợi nhuận trên 19,5 triệu đồng, tương đương hơn 950 nghìn đồng/sào; so với trồng lạc thì việc trồng ngô thu lợi nhuận cao hơn trên 330 nghìn đồng/sào, đã mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng đất lúa kém hiệu quả.

Thị xã Ba Đồn đã chỉ đạo, triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trông ngô, khoai, hoa và các loại rau tại 2 phường Quảng Long và Quảng Phúc. Tại phường Quảng Phúc đã có 85 hộ tham gia chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, khoai, với diện tích chuyển đổi thử nghiệm ban đầu 5ha. Phường Quảng Long chuyển đổi trên diện tích 8,5ha, 74 hộ dân thôn Trường Sơn đã tham gia chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa, và các loại rau.

Qua đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi vụ mùa đầu tiên cho thấy, trên cùng một diện tích này nếu người dân trồng lúa chỉ cho thu nhập gần 30-40 tạ/ha, giá trị mang lại 18-25 triệu đồng/ha. Nhưng chuyển đổi sang trồng ngô, khoai bà con có thu nhập tăng lên 50-55 triệu đồng/ha, còn đối với trồng hoa, rau các loại thu nhập trung bình sau mỗi vụ gần 250 triệu đồng/ha.

Tr.T