.

Nợ đọng XDCB rất đáng lo ngại

Thứ Ba, 02/06/2015, 08:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, chúng tôi được biết tình trạng chủ đầu tư nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) với nhà thầu khá lớn. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, số nợ đọng XDCB đến thời điểm 31-12-2014 trở về trước khoảng 942 tỷ đồng (chưa tính số nợ phát sinh trong các tháng đầu năm 2015), chủ yếu tập trung ở cấp huyện, thị xã, thành phố và cấp xã. Điều đáng lo ngại là với nguồn ngân sách hàng năm của cấp huyện, cấp xã hết sức hạn hẹp nên không biết lấy gì để trả nợ đúng hạn theo yêu cầu của Luật Đầu tư công?

Theo tổng hợp báo cáo của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, tổng số nợ công trình hoàn thành và nợ khối lượng công trình đã thực hiện tính đến thời điểm cuối năm 2014 trở về trước trên địa bàn tỉnh khoảng 942 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương nợ 123 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh nợ 199 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã nợ 620 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn Trung ương nợ 123 tỷ đồng bao gồm các dự án hoàn thành thuộc nguồn ngân sách Trung ương phải bố trí 88 tỷ đồng; các công trình đang triển khai 12 tỷ đồng; nợ các công trình hỗ trợ khắc phục bão lụt năm 2010, đến các năm sau không được bố trí vốn nhưng vẫn phải thi công đến điểm dừng kỹ thuật để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân 23 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh nợ 199 tỷ đồng, trong đó nợ khối lượng cầu Nhật Lệ 2 là 107 tỷ đồng do đây là công trình trọng điểm của tỉnh, phải đẩy nhanh tiến độ thi công; nợ các công trình hoàn thành nguồn hỗ trợ có mục tiêu và trái phiếu Chính phủ Trung ương bố trí hết tỷ lệ, ngân sách tỉnh phải cân đối bố trí 59 tỷ đồng, các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp tỉnh 33 tỷ đồng.

Chủ đầu tư còn nợ nhà thầu gần 20 tỷ đồng, dự án kè sông Kiến Giang, từ 5 năm nay chưa biết bao giờ mới trả.
Chủ đầu tư còn nợ nhà thầu gần 20 tỷ đồng, dự án kè sông Kiến Giang, từ 5 năm nay chưa biết bao giờ mới trả.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để xử lý nợ đọng XDCB, vừa qua UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc ưu tiên các nguồn vốn để trả nợ trong kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2015. Cụ thể: Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ năm 2015, dự kiến trả nợ khối lượng các dự án hoàn thành nghiệm thu 82.250 triệu đồng (chiếm 15% tổng số vốn bố trí và chiếm 67% số nợ đọng). Số vốn còn lại bố trí cho các công trình chuyển tiếp theo quy định và một số dự án khởi công mới cấp bách, trọng điểm của tỉnh như: Đường về nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tâm văn hóa tỉnh, cơ sở hạ tầng huyện Quảng Trạch chia tách...

Được biết, có một số chủ đầu tư nợ XDCB đối với nhà thầu nhiều năm nay với số tiền hàng chục tỷ đồng và chưa biết đến bao giờ mới trả. Điều đáng nói là trong lúc chủ đầu tư nhà nước nợ doanh nghiệp cả ngàn tỷ đồng, năm này qua năm khác không tính lãi, trong lúc đó doanh nghiệp phải trả lãi suất vay quá hạn của ngân hàng hàng tháng. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Lê Văn Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tinh thần chỉ đạo của tỉnh là trong năm 2015 nguồn vốn ngân sách tỉnh chủ yếu bố trí trả nợ các công trình hoàn thành và chuyển tiếp. Số vốn dự kiến trả nợ khối lượng hoàn thành là 104.390 triệu đồng (chiếm 42% tổng số vốn bố trí và chiếm 52% tổng số nợ đọng). Số vốn còn lại bố trí cho các công trình chuyển tiếp, không bố trí vốn cho công trình mới. Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia bố trí trong năm 2015 chủ yếu bố trí trả nợ công trình hoàn thành và chuyển tiếp, không bố trí công trình mới.

Đối với nguồn ngân sách huyện, xã, Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc thực hiện việc xử lý nợ đọng XDCB. Trong kế hoạch năm 2015, đề nghị các địa phương rà soát, cân đối và bố trí kế hoạch vốn năm 2015 để trả nợ khối lượng các công trình hoàn thành đến 31-12-2014, chỉ được bố trí vốn cho công trình mới thực sự cần thiết, cấp bách và sau khi đã trả nợ khối lượng công trình hoàn thành và bố trí vốn cho công trình chuyển tiếp theo quy định.

Tuy nhiên việc thực hiện trả nợ đọng XDCB hết sức chậm trễ và nhỏ giọt. Trước tình hình đó, ngày 13-5-2015, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương trước ngày 15 tháng 6 năm 2015, báo cáo chính xác danh mục và số nợ đọng XDCB tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2014 theo từng nguồn vốn. Trong đó, làm rõ số nợ đọng XDCB đã có biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện đến hết ngày 31-12-2014 và các khoản nợ khối lượng đến thời hạn trên nhưng chưa có biên bản nghiệm thu.

Trước ngày 31-5-2015, các chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục nghiệm thu khối lượng đã thực hiện của các dự án tính đến hết ngày 31-12-2014 và báo cáo rõ các giải pháp xử lý.

Dự kiến phương án và lộ trình thanh toán các khoản nợ đọng XDCB tính đến hết ngày 31-12-2014 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo từng nguồn vốn và các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công.

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện phương án và lộ trình thanh toán nợ đọng XDCB, bảo đảm nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng XDCB trước khi bố trí vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2015, dự án chuyển tiếp và khởi công mới giai đoạn 2016-2020. Cân đối, bố trí ngân sách các cấp, nguồn hợp pháp để xử lý nợ đọng XDCB và thu hồi vốn đã ứng. Khi xử lý ứng vốn cần cân đối chỉ rõ nguồn vốn để thu hồi.

Các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác các thông tin, số liệu về số nợ đọng XDCB và phương án, lộ trình thanh toán các khoản nợ đọng XDCB của sở, ngành và địa phương mình. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật trong đầu tư XDCB.

Hy vọng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh lần này, số nợ đọng XDCB từ ngày 31-12-2014 về trước sẽ được xử lý, góp phần tháo gỡ khó khó cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây dựng trên địa bàn.

Trọng Thái