.

Để người dân thực sự ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Thứ Hai, 01/06/2015, 07:53 [GMT+7]

(QBĐT) -  Sự có mặt của các mặt hàng mang nhãn mác, tem hiệu “Made in Việt Nam” tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm hay những cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ ở xã, phường, thị trấn đã và đang đáp ứng được thị hiếu và chiếm thị phần mua sắm ngày càng cao của đông đảo người dân trong tỉnh.

Không khó khăn khi đến một vài cửa hàng trong khu vực trung tâm thành phố Đồng Hới để khảo sát sức mua hàng Việt của người dân trên địa bàn. Tổng quan cho thấy, tại những điểm kinh doanh, buôn bán có đến 70% các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Từ sản phẩm bánh, kẹo, lương thực thực phẩm, mì chính đến đồ dùng phục vụ sinh hoạt gia đình... đều có sự tham gia của các doanh nghiệp, công ty Việt Nam. Mặt hàng nào cũng ghi rõ tên tuổi, nhãn mác, xuất xứ phù hợp với xu hướng tiêu dùng của mọi người.

Có thể nói, các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao có bước tiến còn chậm so với một số hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, sau những sự cố như sữa Trung Quốc có melamine, thịt gà đông lạnh nhập khẩu đã hết hạn sử dụng của Vinafood... nhiều người dân đã xem lại thói quen mua sắm của mình và rất cân nhắc để chọn hàng nội hay hàng ngoại. Đó cũng là cơ hội cho sản phẩm Việt vươn lên khẳng định vị trí của mình, tạo dựng niềm tin của khách hàng bằng những sản phẩm tương tự nhưng có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng hơn.

Hàng Việt đã dần chiếm ưu thế, tuy nhiên cần coi trọng hơn thị trường nông thôn.
Hàng Việt đã dần chiếm ưu thế, tuy nhiên cần coi trọng hơn thị trường nông thôn.

So với những sản phẩm nổi tiếng của nước ngoài, các sản phẩm của các công ty lớn trong nước như: Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, TH True milk, nước giải khát Tribeco-Sài Gòn... cũng đang dần chiếm ưu thế. Không chỉ các mặt hàng lương thực, thực phẩm khô người Việt mới ưa chuộng hàng Việt mà hàng loạt các loại hoa quả, thức ăn tươi sống do Việt Nam sản xuất cũng đang là tâm điểm chính của người mua. Trên thị trường đồ điện, đồ gia dụng như: bình nước nóng, nồi cơm điện, tủ lạnh, quạt điện... hàng Việt cũng bắt đầu được người tiêu dùng bình chọn ở vị trí cao.

Tâm lý của người tiêu dùng, ai cũng muốn mua được sản phẩm tốt, bền, giá cả vừa túi tiền. Còn về phía nhà sản xuất, các sản phẩm làm ra phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng để người tiêu dùng yên tâm sử dụng; giá cả hàng hóa phải hợp lý. Người dân có tâm lý sính ngoại không hẳn do họ thích dùng hàng đắt tiền mà do ngoài yếu tố mẫu mã, chất lượng, giá thành còn phải nói đến sự đa dạng về sản phẩm. Cứ hô hào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” trong khi nhiều mặt hàng không có hàng Việt để mà mua thì đương nhiên người tiêu dùng sẽ phải chuyển hướng sang hàng ngoại.

Bà Nguyễn Thị Thủy, ở tiểu khu 9, phường Bắc Nghĩa cho biết, bà từng ra chợ Ga (Nam Lý) hỏi để mua chăn bông Việt Nam, tuy nhiên, theo nhiều chị bán hàng ở chợ cho biết mặt hàng này chủ yếu là hàng Trung Quốc, không có hàng Việt Nam, dù có gắn mác Việt Nam thì đó cũng chỉ là “đầu voi đuôi chuột” thôi. Cuối cùng bà đành chọn mua cho mình chăn Made in China với giá 850 nghìn đồng.

Có một thực trạng hiện nay là, chất lượng, tiêu chí an toàn của một số loại hàng hóa chưa bảo đảm nhưng vẫn tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt tiêu thụ mạnh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bởi ở những vùng này, đại đa số người dân có mức thu nhập thấp và trung bình, cuộc sống còn rất khó khăn, trình độ hiểu biết còn hạn chế. Những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao khi được tư thương đưa về đây thường bị đội giá so với giá của nhà sản xuất, do chi phí vận chuyển, mặt khác mẫu mã lại đơn điệu nên người dân rất khó tiếp cận, đành chọn những mặt hàng khác.

Từ thực trạng trên, một vấn đề đặt ra cho phía các nhà sản xuất trong nước là: Ngoài việc không ngừng cải tiến mẫu mã bao bì, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, cần chú trọng hơn đến đa dạng hóa sản phẩm, nhạy bén nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng kết hợp với hoạt động quảng cáo, khuyến mãi. Phải thuyết phục khách hàng bằng chính sự ưu việt và đa dạng của sản phẩm do doanh nghiệp mình sản xuất, có sự so sánh với hàng ngoại để người dân có thông tin.

Phạm Hà