.

Quảng Trạch: Hệ thống thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng

Thứ Năm, 12/12/2013, 09:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Đợt bão lũ vừa qua đã làm sạt lở hàng nghìn mét kênh mương, kè sông của huyện Quảng Trạch. Hệ thống các hồ chứa, đập dâng, cống tiêu cũng bị hư hỏng rất lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông - xuân sắp tới mà còn đe dọa nghiệm trọng đến tính mạng của người dân nếu không kịp thời khắc phục.

Thiệt hại gần 160 tỷ đồng

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch, do chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 10 và hoàn lưu bão số 11 nên hệ thống thủy lợi trong toàn huyện bị tàn phá rất nặng nề.

Cụ thể, có 17 hồ chứa bị hư hỏng (hồ Khe Nậy xã Quảng Tiên, hồ Hóc Chọ xã Quảng Minh, hồ Thạch Trường xã Quảng Liên, hồ Đồng  Vạt, hồ Bàu Sen xã Quảng Phương, hồ Nước Sốt xã Quảng Lưu, hồ Khe Mái xã Quảng Tiến...), 4 đập dâng bị thiệt hại lớn (đập Bàu Lung xã Quảng Hưng; đập dâng Chùa Thông, đập dâng Hợp Hạ xã Quảng Hợp, đập dâng Khe Bưởi xã Quảng Thạch), 100km kênh mương bị sạt lở, 48 tuyến đê kè bị cuốn trôi...Tổng thiệt hại về nông nghiệp là gần 1.370 tỷ đồng, trong đó thiệt hại hệ thống thủy lợi gần 160 tỷ đồng.

Tại thôn Tân An, xã Quảng Thanh, tuyến kè chống xói lở ven bờ sông Gianh đoạn qua địa phận thôn Tân An đã bị cuốn trôi nhiều đoạn. Từng mảng đất bị nước lũ xói mòn đang từng ngày bị ăn mòn vào sát khu dân cư. Có đoạn mép nước đã giáp ngay mép nhà.

Tuyến kênh mương thôn Lý Nguyên, xã Quảng Châu bị đổ sập, không còn khả năng dẫn nước tưới để phục vụ sản xuất.
Tuyến kênh mương thôn Lý Nguyên, xã Quảng Châu bị đổ sập, không còn khả năng dẫn nước tưới để phục vụ sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Hòa, một hộ dân sống ngay mép bờ sông cho biết: "Hàng năm cứ đến mùa mưa lũ là chúng tôi lại nơm nớp lo sợ, cứ sợ lũ to quá cuốn mất ngôi nhà cũng như vườn tược của mình. Mới chỉ hơn một năm thôi mà nước đã ăn vào bờ hơn một mét. Càng ngày khoảng cách giữa cổng nhà và dòng sông càng thu hẹp lại". Chị nói năm trước, gia đình chị đã thuê xe đổ đất và xây hàng rào bằng đá để chống sạt lở, nhưng cũng không ngăn được tốc độ sạt lở của bờ sông. Hiện cổng nhà chị chỉ còn cách mép nước hơn một mét.

Cùng cảnh ngộ như thôn Tân An, tại thôn Minh Tiến xã Quảng Minh, hàng chục hộ dân sống dọc ven bờ sông Nan đã phải bỏ nhà đi để chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn vì tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng khi không có kè bờ sông. Ông Nguyễn Thế Tình, một người dân sống bên mép sông cho biết, 10 năm trở lại đây, xóm Cồn Thụy (nay là xóm 3) thôn Minh Tiến đã bị sạt lở gần 20m.

Dòng sông đã nuốt chửng nhiều ngôi nhà và vườn tược, vì vậy đã không ít người dân chuyển đến nơi khác sinh sống. Vấn đề này đã được bà con nhân dân nói rất nhiều trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhằm tìm giải pháp tối ưu để bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân. "Đã có nhiều đoàn về khảo sát và nói sẽ xây kè bờ sông nhưng đến nay vẫn chưa được xây dựng", ông Tình chia sẻ.

Người dân huyện Quảng Trạch không chỉ đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông đe dọa tính mạng mà còn gặp muôn vàn khó khăn trong công tác triển khai sản xuất vụ đông - xuân sắp tới khi hệ thống thủy lợi đã bị bão tàn phá nặng nề. Anh Đàm Văn Hường, cán bộ nông nghiệp xã Quảng Châu cho biết, toàn xã có 45 km kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 21km đã được bê tông hóa.

Kè bị sạt lở khiến cho mép sông chỉ cách móng nhà của chị Hòa (thôn Tân An, xã Quảng Thanh) 1,5m.
Kè bị sạt lở khiến cho mép sông chỉ cách móng nhà của chị Hòa (thôn Tân An, xã Quảng Thanh) 1,5m.

Sau đợt lụt bão vừa qua đã làm 400m kênh mương bê tông bị sạt lở nặng. Đặc biệt là hệ thống kênh mương bê tông dài 2km tại thôn Lý Nguyên phục vụ nước tưới cho 100 ha lúa của hai thôn Lý Nguyên và Tùng Giang đang bị hư hỏng nặng. Hiện 100m bê tông nằm giữa tuyến kênh đã bị đổ sập. "Chỉ còn 20 ngày nữa là đến thời điểm gieo sạ vụ đông - xuân, người dân đã tiến hành cày bừa đất để sẵn sàng vào vụ nhưng kênh dẫn nước vẫn chưa được sửa chữa, bà con nông dân đang rất lo lắng không biết phải lấy nước ở đâu để làm mùa vụ", anh Hường lo lắng.

Gia cố tạm để phục vụ sản xuất

Đối với huyện Quảng Trạch, đợt bão lũ lần này đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, để có thể khôi phục lại được như ban đầu phải mất một thời gian khá dài. Trong khi đó, thời điểm để sản xuất vụ đông - xuân đang đến gần nếu không nhanh chóng khắc phục hệ thống đê điều, thủy lợi nội đồng thì vụ đông - xuân này bà con nông dân sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Để bảo đảm đúng thời vụ các xã chỉ còn cách gấp rút gia cố, sửa chữa hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch cho biết: Xã Quảng Thạch có gần 150m kênh mương bị sập và cuốn trôi cần khắc phục gấp để kịp thời vào mùa vụ là kênh Đồng Cau và Đồng Quan. Kênh Đồng Cau phục vụ tưới cho thôn 1, 6, 9 còn kênh Đồng Quan tưới cho thôn 3,8,9.

Hiện tại, UBND huyện chưa có kinh phí để hỗ trợ mà xã thì hoàn toàn không có khả năng để tu sửa, trong khi chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là vào vụ đông - xuân nên trước mắt UBND xã quyết định hợp đồng với nhà thầu tiến hành sửa chữa, gia cố lại tuyến kênh để bà con ổn định sản xuất, rồi sẽ xin kinh phí trả nợ sau.

Ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: Hiện tại, nguồn ngân sách của huyện rất eo hẹp trong khi hệ thống thủy lợi bị hư hỏng rất nghiêm trọng và cần nhiều kinh phí để tu sửa, nên huyện phải chờ kinh phí hỗ trợ của tỉnh mới có thể khắc phục được hoàn toàn. Trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tự khắc phục tạm thời các tuyến kênh mương nội đồng để phục vụ kịp thời cho sản xuất vụ đông- xuân trong thời gian tới.

P.V