.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn: Những bước chuyển dài

Thứ Hai, 09/12/2013, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát triển nông nghiệp, nông thôn được xem là vấn đề then chốt, quyết định sự thành công của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) của mỗi địa phương. Đặc biệt với Quảng Bình, một tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp làm nền tảng thì những đóng góp của nông nghiệp, nông thôn vào sự phát triển chung của tỉnh càng to lớn. Vì thế, nhiều năm qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo ra sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Tạo đà từ phong trào xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) trong tiến trình CNH, HĐH là một chương trình lớn của tỉnh. Kể từ khi triển khai thực hiện chương trình này, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo tiền đề để các địa phương tiến nhanh trên con đường CNH, HĐH.

Trong điều kiện nguồn vốn Trung ương bố trí có hạn, tỉnh đã lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác và nguồn ngân sách địa phương để hoàn chỉnh quy hoạch NTM, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo diện mạo mới cho nhiều miền quê vươn lên làm giàu. Kết quả của chương trình đã làm thay đổi nhận thức trong nhân dân, xã hội hóa được các kênh đầu tư cho nông thôn, vai trò chủ thể của người dân được khơi dậy. Điều dễ nhận thấy là phong trào hiến đất xây dựng hệ thống điện, đường, trường học... xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng quê.

Để xây dựng NTM trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng lớn, tỉnh đã lựa chọn 41 xã để tập trung đầu tư thành các xã NTM trong năm 2015, trong đó có 6 xã điểm. Đây là các địa phương đi đầu trong phong trào hiến đất, hiến tài sản phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng và vận động người dân tham gia xây dựng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, thi đua phát triển kinh tế gia đình.

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã huy động được trên 1.300 tỷ đồng cho công tác quy hoạch, hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đã xây dựng được 573 công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch, trường học, trạm y tế..., thành lập  426 mô hình sản xuất kinh tế có hiệu quả khá cao.

Đến nay, 100% số xã đã tổ chức công bố quy hoạch xây dựng NTM, 136/141 xã đã cắm mốc chỉ giới, đạt 96,45 kế hoạch, trong đó các huyện: Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch và thành phố Đồng Hới đã hoàn thành việc cắm mốc, 71/141 xã trên địa bàn tỉnh hoàn thành quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, chiếm 48,9%. Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các tiêu chí về xây dựng NTM, đến nay, bộ mặt nông thôn ở nhiều làng quê đã có sự khởi sắc.

Hệ thống đường giao thông nông thôn từng bước được kiên cố hóa, các công trình phúc lợi như thủy lợi, trường học, chợ, trạm y tế... được đầu tư xây dựng. Số tiêu chí đạt trong xây dựng NTM ở các xã đều tăng bình quân 6,53 tiêu chí/xã, riêng 6 xã điểm tăng 9,67 tiêu chí /xã và đã có một xã cơ bản thực hiện hoàn thành các tiêu chí NTM, đó là xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn trên lộ trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, nhất là các tiêu chí về đường giao thông, công trình văn hóa, thủy lợi, hộ nghèo... đặc biệt là ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng trong thực hiện CNH, HĐH nông thôn.
Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng trong thực hiện CNH, HĐH nông thôn.

Ngoài ra, do ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 10 và hoàn lưu bão số 11 đã làm không ít công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng của các địa phương bị hư hỏng nặng, nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây cao su bị tàn phá nên tiến độ xây dựng NTM chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Thực tế đó đòi hỏi toàn tỉnh phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tập trung nguồn lực và huy động toàn xã hội tham gia xây dựng NTM, nhằm thúc đẩy các địa phương tiến nhanh trên con đường CNH, HĐH.

Phát triển nông nghiệp toàn diện- “chìa khóa của thành công”

Thời gian qua, phong trào thi đua ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã được các ngành, các địa phương và người dân hết sức chú trọng. Nhờ đó, năng suất cây trồng, vật nuôi ngày một tăng lên. Nhiều mô hình kinh tế mới ra đời, nhất là các mô hình kinh tế trang trại, gia trại với việc đưa vào trồng trọt, chăn nuôi các cây, con giống có chất lượng và giá trị kinh tế cao góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhiều địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác như đậu đỗ, dưa hấu, ớt, lạc...

Một số mô hình sau chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng ớt ở Bố Trạch (200 triệu đồng/ha), trồng dưa hấu ở Hàm Ninh, Quảng Ninh (30-40 triệu đồng/ha/vụ). Diện tích vùng nguyên liệu, nhất là cây cao su, sắn được mở rộng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy, cơ sở chế biến trong tỉnh. Đặc biệt, mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Phong Thủy (Lệ Thủy) bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao với năng suất cây trồng đạt trên 75 tạ/ha. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp được nông dân ở các địa phương hết sức chú trọng.

Hầu hết các khâu làm đất, gặt, đập... đều được bà con sử dụng các loại máy. Trong chăn nuôi, bà con đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên số đàn gia súc, gia cầm phát triển khá tốt, tỷ lệ bò lai, lợn ngoại tăng dần hàng năm. Hiện tại, toàn tỉnh có 85,5%/tổng số đàn lợn là lợn có máu ngoại, 32%/tổng số đàn bò là bò lai sind, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 58.658 tấn, tăng 4% so với năm 2012, nâng tỷ trọng chăn nuôi lên 43,8% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đối với lĩnh vực thủy sản, bà con đã đầu tư mới nhiều loại tàu có công suất lớn phục vụ cho việc đánh bắt vùng biển xa, bám biển dài ngày.

Tổng số tàu khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện có là 5.230 chiếc, trong đó có 989 chiếc có công suất 90CV trở lên. Sản lượng khai thác hải sản là 50.706 tấn, đạt 115,2% kế hoạch. Sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 10.005 tấn (100% kế hoạch).

Để phát triển nông nghiệp toàn diện, các địa phương đã chú trọng đến việc đầu tư nâng cấp và quản lý các công trình thủy lợi, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 159 hồ chứa vừa và nhỏ, 215 đập dâng, 310 trạm bơm với tổng dung tích các hồ chứa 562 triệu m3, bảo đảm tốt công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhiều công trình hạng mục được đầu tư như như hồ chứa nước sông Thai, thác Chuối, kè Quảng Phúc, kè chống sạt lở Kiến Giang, kè Hải Trạch... tạo điều kiện cho các địa phương phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp số lượng sang chất lượng, giá trị nhằm tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao đủ sức cạnh tranh với các thị trường trong, ngoài tỉnh.

Và những định hướng mới

Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng NTM mới là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt của tỉnh ta trên lộ trình mới.

Theo đó, toàn tỉnh sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị trên một đơn vị diện tích, tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tăng cường sự gắn kết giữa các hộ sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng giá trị hàng hoá.

Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đưa tỷ lệ bò lai sind đạt 34,02%, lợn có máu ngoại đạt 88,05%, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 44,3% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các địa phương sẽ tiến hành nuôi thử nghiệm một số giống vật nuôi mới gắn với mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại như: lợn rừng, kỳ đà, bồ câu Pháp... nhằm đa dạng hoá cơ cấu giống vật nuôi, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân.

Ngoài việc chú trọng thực hiện có hiệu quả Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững, phát triển kinh tế thủy sản, toàn tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng CNH, HĐH.

Nhật Văn - Phương Hiền