.

Những người thợ rèn cuối cùng ở Văn La

Thứ Ba, 10/12/2013, 13:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Huyện Quảng Ninh xưa có nghề rèn Quán Hàu (thuộc Văn La, Lương Ninh) nổi tiếng khắp xa gần, tạo thành một "thương hiệu" uy tín riêng có của vùng đất này. Tục truyền, nghề rèn Quán Hàu vốn gốc tích từ làng rèn Hoàng Giang lâu đời ở huyện Lệ Thủy. Những người con vùng đất lúa đã di cư về và lựa chọn Văn La làm nơi phát triển, trao truyền nghề truyền thống của cha ông. Trải qua nhiều thế hệ với biết bao thăng trầm, nay những bể lò rèn Văn La đang dần dần thiếu vắng ánh lửa, người làm nghề mai một dần theo thời gian.

Đến Văn La vào những ngày đầu đông buốt giá, chúng tôi không giấu nỗi vui mừng khi bắt gặp khoảnh khắc anh Lê Văn Tươi (xóm 4, Văn La) đang hoàn thành nốt mẻ sản phẩm của mình với sự chăm chú, tỉ mỉ cao độ. Sinh năm 1976, anh Tươi đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề rèn, chưa kể khoảng thời gian học việc suốt thời niên thiếu. Các sản phẩm của gia đình anh chủ yếu là những nông cụ hay vật dụng gắn liền với cuộc sống người lao động chân quê, như: dao các loại, rựa, búa, lưỡi liềm, cuốc các loại, lưỡi hái...

Là thế hệ thứ 3 trong gia đình tiếp nối nghề truyền thống này, anh Tươi thấu hiểu những nỗi vất vả, gian truân của nghề, như: thức khuya dậy sớm, công việc năng nhọc, độc hại, luôn kề cận lò rèn đỏ lửa... Dẫu vậy, từ mấy năm trở lại đây, khi thị trường tràn ngập nhiều sản phẩm đa dạng, đại trà, giá rẻ, sức cạnh tranh của các sản phẩm "cây nhà lá vườn" hầu như rất hạn chế, thu nhập từ nghề rèn đã khó lại càng thêm khó. Anh phải xoay xở thêm nghề nông và một số nghề phụ khác để kinh tế gia đình bớt vất vả. Một người anh trai của anh Tươi cũng theo nghiệp rèn, nhưng tình hình cũng không mấy khả quan hơn.

Gần 20 năm theo nghề rèn của cha ông, anh Lê Văn Tươi thấu hiểu những vất vả, gian truân của nghề.
Gần 20 năm theo nghề rèn của cha ông, anh Lê Văn Tươi thấu hiểu những vất vả, gian truân của nghề.

Theo anh Tươi, Văn La hiện nay chỉ còn 2-3 nhà còn đỏ lửa lò rèn, nhưng tần suất làm việc cũng không được thường xuyên. Họa hoằn có việc cần, thợ rèn mới bắt tay vào việc. Từ lâu lắm rồi, lớp thanh niên trong thôn không còn hăng hái theo nghề rèn truyền thống. Trong lò rèn gia đình, không có ai muốn học nghề, anh Tươi phải tự mình làm hết tất cả mọi công việc nặng nhọc của cả thợ chính và thợ phụ. Anh trăn trở, rồi mai đây, khi những người thợ rèn cuối cùng của Văn La như anh không đủ sức để theo nghề, nghề rèn có lẽ chỉ tồn tại trong ký ức mà thôi.

Ông Lê Phước Dào (xóm 5, Văn La) vẫn còn giữ quán rèn trong sân nhà, mặc dù ông đã không còn làm nghề một thời gian dài. Thỉnh thoảng, có bà con xóm giềng nhờ cậy, ông lại xăng xái thổi lại bể rèn, dùng lại đe, kềm, búa..., cho khỏi xót xa nhớ nghề. Bước sang tuổi 53, hơn 30 năm làm nghề rèn, ông Dào vẫn tràn đầy năng lượng mỗi khi tự tay rèn một sản phẩm mình yêu thích.

Là thế hệ thứ 6 trong gia đình theo nghề rèn, nay lại phải để nghề trôi đi, ông cũng day dứt, áy náy không yên. Nhưng giờ đây, khi đã có tuổi, gia đình neo người, lại không ai có nhu cầu truyền nghề, ông đành "lực bất tòng tâm". Dẫu vậy, ông nuôi quyết tâm sẽ theo nghề một thời gian nữa, tùy theo sức khỏe và hy vọng, biết đâu đấy sẽ có người vẫn muốn sống với nghề rèn truyền thống của Văn La.

Vẫn biết đã là quy luật của tạo hóa, thì không gì có thể thay đổi, nhưng sự mai một của nghề rèn vang danh một thời ở Văn La cũng làm không ít người chạnh lòng nhung nhớ. Nhà văn hóa Đỗ Duy Văn, một người con của đất Văn La, trong cuốn Địa chí huyện Quảng Ninh đã rất tỉ mỉ ghi lại từng công đoạn, từng khâu chế tác, từng dụng cụ quan trọng... của nghề rèn "độc nhất vô nhị" này. Âu đây cũng được xem như một cách thức hiệu quả và ý nghĩa để nghề rèn Văn La được lưu truyền qua nhiều thế hệ, mặc dù chỉ trong sách vở mà thôi.

                   P.V