.

Ghi từ Tây Nguyên - Bài 2: Xem người dân Tây Nguyên xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai, 16/12/2013, 09:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong khuôn khổ chương trình hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây nguyên được tổ chức tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, chúng tôi đã có dịp được tham quan mô hình xây dựng nông thôn mới của huyện Đắk Hà. Giống như nhiều địa phương khác của tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên, Đắk Hà có những thuận lợi cơ bản về địa hình, thổ nhưỡng để tạo sự đột phá từ cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su… Tuy nhiên, những kết quả mà Đắk Hà có được từ việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới khiến chúng ta phải ngưỡng mộ.

>> Bài 1: Cảm nhận từ một hội thảo

“Anh cả” Hà Mòn

Cách thành phố Kon Tum chừng 30km, xã Hà Mòn của huyện Đắk Hà có diện tích tự nhiên hơn 3.800 ha, trong đó có 1.569 ha cà phê và 252 ha cao su, còn lại là các loại cây trồng ngắn ngày khác. Đây là địa phương được tỉnh Kon Tum chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới với 11/19 tiêu chí đã hoàn thành từ năm 2010.

Thời điểm chúng tôi có mặt tại đây vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Hà Mòn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để làm được điều này, chính quyền xã Hà Mòn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể từng năm đối với từng mục tiêu, tiêu chí, sau đó chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể có phương án tập trung triển khai thực hiện. Một trong những việc làm đầu tiên được Hà Mòn quan tâm thực hiện là tập trung kiện toàn hệ thống chính trị từ xã đến thôn.

Tiếp đó, các chi ủy, chi bộ cùng với các ban, ngành của xã họp bàn với nhân dân thống nhất mức đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, chỉnh trang nhà cửa, tường rào, công trình vệ sinh; đồng thời thành lập tổ kiểm tra để tự kiểm tra, đánh giá thực trạng, phân công cụ thể từng thành viên phụ trách các tiêu chí tại thôn để kịp thời phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, từ ngồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện, Hà Mòn đã xây dựng kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng theo từng năm để tranh thủ nguồn vốn của tỉnh và có kế hoạch huy động nguồn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp...

Theo như lời của đồng chí Đào Anh Thư, Bí thư Đảng ủy xã là tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân cả về tinh thần lẫn vật chất. Một khi đã có cuộc sống ổn định, xã sẽ tiếp tục khuyến khích người dân tích cực xây dựng quê hương bằng việc hưởng ứng các phong trào thi đua.

Nghe qua có vẻ lý thuyết, nhưng khi tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Sen, người mà chúng tôi tình cờ bắt gặp khi đang phơi sản phẩm hạt cà phê ngay trước trụ sở UBND xã thì mọi chuyện quả đúng. Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất rừng trồng 2 ha cà phê và 2,5 ha cao su từ 7 năm trước; bằng kiến thức chăm bón và kinh nghiệm có được trong khoảng thời gian hơn 10 năm là công nhân Công ty Cà phê Đắk Uy, vợ chồng chị đã có vườn cà phê phát triển như ý muốn.Rừng cao su cũng đang độ thu hoạch.

“Mỗi năm, thu nhập từ cây cà phê của gia đình tôi trên dưới 200 triệu đồng, trừ chi phí, lãi ròng hơn 120 triệu. Giá mủ cao su cũng đang ở mức khá cao nên thu nhập của gia đình được nâng lên đáng kể. Khác xa ngày trước, giờ đây cuộc sống gia đình tôi khá hơn nhiều. Hai đứa con đã học xong đại học và có công việc ổn định. Vợ chồng tôi chỉ mỗi việc chăm bón cà phê, vui với cà phê để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp hơn thôi”- Chị Sen nói.

Nhờ có hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư bài bản, người dân huyện Đắk Hà yên tâm khi sử dụng các loại xe kéo có tải trọng vừa để chuyên chở sản phẩm cà phê.
Nhờ có hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư bài bản, người dân huyện Đắk Hà yên tâm khi sử dụng các loại xe kéo có tải trọng vừa để chuyên chở sản phẩm cà phê.

Là xã thuần nông, nhưng nông nghiệp của Hà Mòn lại là phát triển các loại cây công nghiệp, và chỉ có cây công nghiệp mà thôi. Để tránh điệp khúc “được mùa rớt giá” như nhiều địa phương khác vẫn thường gặp phải, Hà Mòn chủ động thực hiện phát triển sản xuất theo hướng đa canh với các loại cây cà phê, cao su, bời lời. Đồng thời vận động người dân hình thành các ngân hàng cộng đồng để chủ động vốn vay phát triển sản xuất trong trường hợp tư thương ép giá sản phẩm trong mùa thu hoạch mà không cần phải bán.

Giờ đây, 1.200 hộ dân với trên 4.500 nhân khẩu của xã Hà Mòn đã có cuộc sống sung túc. Đây là điều hết sức đáng khen ngợi đối với một địa phương vốn có nhiều khó khăn mang tính đặc thù của một xã miền núi. Trên mọi ngã đường của Hà Mòn giờ đây đều đã được nhựa hóa và có điện thắp sáng; hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư xây dựng bài bản, đáp ứng tốt nhu cầu tưới tiêu cho hàng nghìn héc-ta cà phê, cao su hiện có. Đây cũng là địa phương không có tệ nạn xã hội.

Và đặc biệt, dù là ở vùng nông thôn nhưng tất cả các hộ gia đình của Hà Mòn đều đã có số nhà, gắn biển rất đẹp. Đi trên những con đường nhựa phẳng lỳ của Hà Mòn, chúng tôi nhận thấy hầu như không có diện tích đất nào bị bỏ hoang. Thay vào đó là những khoảng sân rộng hàng nghìn mét vuông được người dân khoanh vùng, san ủi phẳng lỳ phục vụ cho việc phơi sản phẩm cà phê.

Nếu Đắk Hà là huyện có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh Kon Tum với 27 triệu đồng/người/năm thì xã Hà Mòn có mức thu nhập bình quân cao hơn nhiều: 38 triệu đồng/người/năm. Quả là một con số đáng nể!

Những bài học rút ra

Bí thư Huyện ủy Đắk Hà Phạm Đức Hạnh không giấu vẻ tự hào khi trao đổi với hơn 100 nhà báo đến từ các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên có mặt tại huyện để tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của địa phương rằng: Có thể ví von thành quả của việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Đắk Hà như một cuộc “cách mạng” trên đồng đất thành công rực rỡ.

Huyện Đắk Hà có 9 xã, thị trấn. Hầu hết diện tích tự nhiên của huyện đều đã được quy hoạch vùng chuyên canh cà phê, cao su. Trên địa bàn hiện có 2 nông trường cao su và 4 công ty chuyên sản xuất, kinh doanh cà phê. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện đạt trên 10%, thu nhập bình quân 27 triệu đồng/người/năm. Cũng bởi địa hình thổ nhưỡng rất thích hợp cho việc đầu tư phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; cùng với đó là một chiến lược phát triển kinh tế hợp lý, Đắk Hà đã có bước phát triển vượt bậc so với các địa phương khác của tỉnh Kon Tum.

“Nếu như năm 2010, mục tiêu phấn đấu của huyện là bảo đảm cho người dân ăn no thì từ năm 2013 và các năm tiếp theo, mục tiêu của chúng tôi sẽ là ăn ngon”. Đó là câu nói vui của đồng chí Bí thư Huyện ủy. Và để làm được điều này, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Hà thống nhất thực hiện phương châm trồng trọt và chăn nuôi phải gắn liền với từng hộ dân, nhưng tiêu thụ sản phẩm phải gắn với mô hình tập thể. Đây chính là điểm mấu chốt nhằm tránh tình trạng “được mùa rớt giá” mà xã Hà Mòn đã cụ thể hóa bằng hình thức xây dựng các ngân hàng cộng đồng như đã nói ở trên.

Thực tế, hiện tại Đắk Hà đã có trên 70 ngân hàng cộng đồng được thành lập và hoạt động rất có hiệu quả, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. “Chủ động được vốn vay sẽ giải quyết được tình trạng bán non sản phẩm hoặc từ chối bán với giá rẻ khi bị tư thương ép giá. Không độc canh, độc con là chìa khóa giải quyết khó khăn cho người dân khi được mùa nhưng bị ép giá”.- Bí thư Huyện ủy Đắk Hà nhấn mạnh.

Từ thực tiễn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh nghiệm mà Huyện ủy Đắk Hà rút ra được đó là quyết tâm chính trị cao của các hệ thống chính trị trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về các mô hình phát triển kinh tế cũng như cách thức thực hiện. Tiếp đến là quan tâm công tác tuyên truyền, vận động nhằm giáo dục ý thức, khơi gợi sức dân để cùng đồng tâm hiệp lực thực hiện chủ trương chung.

Xác định mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cả về tinh thần lẫn vật chất cho dân. Không chạy đua với thành tích để tránh sự khập khễnh trong thực hiện các tiêu chí ở từng thời điểm cụ thể. Phân công trách nhiệm đối với từng vị trí nhằm phát huy vai trò, năng lực sở trường công tác của từng cán bộ ở các địa phương trên cơ sở lắng nghe ý kiến đồng thuận của người dân từng vùng. Điều đặc biệt quan tâm nữa là phải tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hiện tại, Huyện ủy Đắk Hà đã có những nghị quyết chuyên đề về xây dựng đường giao thông nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời tích cực phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để có chính sách bao tiêu sản phẩm hợp lý. “Với khả năng hiện có, chúng tôi sẽ quyết tâm xây dựng thị trấn Đắk Hà trở thành thị xã trong năm 2020”. – Bí thư Huyện ủy Phạm Đức Hạnh nói.

Tây Nguyên, tháng 11-2013
Nguyễn Hoàng