.

Đổi mới ở Cây Bông

Thứ Tư, 11/12/2013, 09:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Hồ Viết Tình, Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy hồ hởi bảo rằng: “Các anh biết đấy, ngày nay đến với các bản đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Kim Thủy, ta không còn cái cảm giác đến với những con người sống trong vùng đất khó, có cuộc sống còn nghèo nàn, lạc hậu mà ta đến với vùng đất có những đồng bào biết vượt qua chính mình, biết đoàn kết, biết phát huy các tiềm năng, nội lực, xây dựng cuộc sống mới để từng ngày làm cho bản làng giữa đất đại ngàn bừng lên những sắc màu tươi mới...".

Chúng tôi đến với bản Cây Bông, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy. Con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn trên những triền đồi dẫn chúng tôi tới nhà trưởng bản Hồ Văn Thìn. Trưởng bản Thìn còn khá trẻ, nhưng là người có uy tín nên được bà con bầu làm người gánh trọng trách cho bản.

Mới “nhậm chức” được 4 ngày nên khi tiếp xúc với người ngoài anh còn khá rụt rè, nhưng khi hỏi về tình hình đời sống bà con trong bản thì trả lời vanh vách: Bản Cây Bông có 107 hộ, 415 khẩu, hộ nghèo 54 hộ, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào làm lúa nước và trồng rừng, bản được công nhận là bản văn hóa năm 2008... Thìn hồ hởi cho biết: Bà con bản Cây Bông bây giờ đổi đời rồi, cái đói, cái nghèo không còn bám dai dẳng nữa. Thấy tôi ngạc nhiên, Hồ Văn Thìn bảo chúng tôi đi theo anh.

Trường học được xây dựng khang trang tạo điều kiện cho con em trong bản học tập.
Trường học được xây dựng khang trang tạo điều kiện cho con em trong bản học tập.

Ngồi sau chiếc xe Win xập xệ, Thìn chở tôi rong ruổi khắp bản như để chứng minh những điều mà anh nói là có cơ sở. Dừng chân cạnh con mương bê tông, Thìn chỉ tay ra về phía xa rồi nói: “Tất cả đấy các anh ạ. Từ làm lúa nước và trồng rừng mà ra cả đấy...”.

Bản Cây Bông là một trong những số ít các bản làng của người Vân Kiều trên địa bàn tỉnh ta đã tự trồng được lúa nước, hiện nay bà con dân bản đã làm được 23ha lúa nước 2 vụ, năng suất bình quân khoảng 1-1,5 tạ/sào. Ngoài trồng lúa nước, bà con dân bản cũng đã nhận đất trồng rừng. Với hơn 630 ha rừng, bình quân mỗi hộ gia đình ở Cây Bông có hơn 3 ha rừng trồng. Nhiều hộ ở bản có cả chục ha rừng như: Hồ Thế, Hồ Hùng... bây giờ rừng đang trong thời kỳ thu hoạch, chắc chắn cho thu nhập cao...

Thìn đưa chúng tôi vào nhà một bà mế Vân Kiều. Đó là nhà bà Hồ Thị Mó, điển hình của bản Cây Bông. Tôi biết đến bà Mó như là một điển hình của người phụ nữ Vân Kiều, hôm nay lại được vinh dự ngồi trò chuyện với bà. Bà bảo, bây giờ miềng 60 tuổi rồi, không theo việc Nhà nước giao nữa, công việc hàng ngày là chỉ quây quần vui chơi bên các cháu nội, ngoại.

Theo bà Mó, trước đây bản Cây Bông là một vùng rừng núi heo hút, hoàn toàn biệt lập với vùng đồng bằng. Ngày đầu, cả bản Cây Bông chỉ có 7-8 hộ gia đình thưa thớt, dần dần phát triển lên đến 107 hộ. Đến nay, cuộc sống bà con Vân Kiều đã đổi thay, không còn cảnh phát, đốt, cốt, trỉa như trước. Người dân trong bản quen với việc làm lúa nước, biết làm chuồng chăn nuôi, biết vươn lên xóa đói giảm nghèo. Trong câu chuyện với bà, tôi còn được biết gia đình bà có sáu người con và tất cả đều được học hành đàng hoàng.

Rừng cao su của gia đình Hồ Thế đang được chăm sóc tốt.
Rừng cao su của gia đình Hồ Thế đang được chăm sóc tốt.

Chúng tôi rời nhà bà Hồ Thị Mó để đến gia đình được coi là giàu có nhất bản Cây Bông, gia đình Hồ Thế. Hồ Thế sinh năm 1957, gốc gác ở Quảng Trị di cư ra Cây Bông định canh định cư. Nhìn cơ ngơi mấy chục năm vun vén của gia đình gồm: 20 ha rừng trồng, 2 ha cao su, 5 con trâu, ao thả cá, 1 mẫu ruộng lúa nước... chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì bà con Vân Kiều ở bản Cây Bông đã dám nghĩ, dám làm, dám vươn lên làm giàu. Hồ Thế tâm sự rằng: Người Vân Kiều phải thay đổi thôi, từ lâu đồng bào cứ theo nếp nghĩ lạc hậu mãi, không vươn lên được, nay mình phải thay đổi để tiến kịp miền xuôi nữa chứ...

Ấn tượng nhất với chúng tôi trong chuyến hành trình lên bản Cây Bông là bà con tại đây không chỉ chú trọng về phát triển kinh tế, nhiều gia đình trong bản đã biết đầu tư vốn quý cho tương lai là chăm lo cho con em học hành. Hiện nay 100% trẻ em trong độ tuổi ở Cây Bông đều được đến trường. Đặc biệt, ở bản có 6 người đã tốt nghiệp đại học và rất thành đạt như: Hồ Văn Thảo đang công tác tại Đồn Biên phòng 601; Hồ Thị Hằng, giáo viên Trường bán trú dân nuôi xã Lâm Thủy; Hồ Thị Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Kim Thủy...

Chúng tôi rảo bước trên những con đường của bản Cây Bông giữa ngút ngàn màu xanh cây lá của rừng núi đại ngàn. Trên những cánh đồng, người dân đang hối hả chuẩn bị cho một vụ mùa, những trẻ thơ nét mặt rạng rỡ tươi hồng, tung tăng trên con đường về bản sau giờ tan học. Chúng tôi cảm nhận được sức sống của một vùng quê đang đổi mới. Một vùng quê đã và đang vững vàng đứng lên từ sự nghèo nàn lạc hậu.

N. Hải-N. Lưu