Mô hình nuôi kỳ đà thương phẩm: Cơ hội cho người nông dân làm giàu

Cập nhật lúc 13:55, Thứ Ba, 20/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhằm mục đích tận dụng nguồn thức ăn phong phú sẵn có ở địa phương, góp phần giải quyết vấn đề môi trường, đa dạng hóa các loại sản phẩm vật nuôi mang tính đặc sản có giá trị hàng hóa cao, đồng thời tăng thêm thu nhập trên đơn vị diện tích và tạo công ăn việc làm cho người chăn nuôi, trang trại anh Đỗ Văn Tùng đã tổ chức thực hiện mô hình “Nuôi kỳ đà thương phẩm tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh” từ tháng 3-2012. Đây là mô hình khoa học và công nghệ thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp cơ sở do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý.

Kỳ đà là con vật ưa nóng, do đó có thể chịu đựng được nhiệt độ 600C nhưng không chịu được lạnh dưới 100C, vì vậy tỉnh ta hoàn toàn có thể nuôi được, đặc biệt là ở những vùng cát. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, kỳ đà mới được đưa vào nuôi ở xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) và thôn Lý Hòa (Hải Trạch, Bố Trạch).

Bên cạnh đó, vốn đầu tư để chăn nuôi kỳ đà ít, trong khi hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Thịt kỳ đà ngon và được ưa chuộng, mật và lưỡi là bài thuốc quý, da còn được xuất khẩu với số lượng lớn. Mô hình nuôi kỳ đà thương phẩm thành công ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh) sẽ là cơ sở để nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh.

Mô hình nuôi kỳ đà thương phẩm của trang trại anh Đỗ Văn Tùng (Hải Ninh, Quảng Ninh).
Mô hình nuôi kỳ đà thương phẩm của trang trại anh Đỗ Văn Tùng (Hải Ninh, Quảng Ninh).

Trang trại anh Đỗ Văn Tùng có tổng diện tích 5 ha, với cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Trang trại nuôi kỳ đà tại chuồng nuôi có diện tích 100 m2, với đầy đủ nền xi măng, lưới sắt bao quanh, hệ thống ống, cây cối, hồ nước cho kỳ đà tắm...

Ngoài ra, trang trại hiện nuôi 150 lợn thịt, 20 lợn nái, 2.000 gà thịt, 500 ngan, 100 cặp bồ câu và có cả lò ấp trứng, có khả năng cung ứng đủ thức ăn cho kỳ đà. Trang trại nằm cách xa khu dân cư 500m, do đó, mô hình không ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cũng như tư vấn, hướng dẫn quy trình triển khai mô hình cho chủ trang trại và các hộ có nhu cầu tham gia. Bên cạnh đó, giống và thức ăn được Sở hỗ trợ 70%, chủ trang trại đóng góp 30%.

Sau gần 8 tháng triển khai, mô hình đã cho nhiều kết quả khả quan và sẽ mang lại một cơ hội làm giàu mới cho nông dân. Anh Đỗ Văn Tùng, chủ trang trại, hồ hởi cho biết từ 100 con kỳ đà giống với trọng lượng 0,8 kg/con, hiện nay tỷ lệ sống đạt 95% với trọng lượng trung bình từ 2,5 – 4,0  kg/con. Mặc dù chưa xuất chuồng, nhưng nhiều mối hàng đã đến đặt giá 420.000 đồng/con. Anh nhẩm tính với tình hình như hiện nay, mỗi con kỳ đà được bán đi sẽ mang lại lợi nhuận từ 700.000 đồng – 800.000 đồng.

Trang trại anh Đỗ Văn Tùng đang xây dựng thêm chuồng trại nuôi kỳ đà sinh sản và nhà ấp trứng kỳ đà để cung cấp giống. Theo anh, nuôi kỳ đà, cái lợi trước mắt của các trang trại và gia trại chính là tận dụng nguồn thức ăn giá rẻ, sẵn có từ biển (nhất là cá nục...) và từ phế phẩm của các gia súc, gia cầm đang nuôi. Thêm vào đó, kỳ đà có tập tính chỉ ăn 2 – 3 ngày/lần, chuồng trại vệ sinh sạch sẽ.

Vào cuối tháng 12 tới, hội nghị đầu bờ nghiệm thu cơ sở và nghiệm thu đánh giá tổng kết mô hình sẽ được thực hiện. Tiếp đó, quy trình kỹ thuật nuôi kỳ đà sẽ được xây dựng và khuyến cáo nhân rộng mô hình ở nhiều địa phương khác. Đây là hướng đi mới hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho bà con nông dân ở tỉnh ta.

                                                                               Mai Nhân



 

,
.
.
.