Văn Thủy “đánh thức” vùng gò đồi

Cập nhật lúc 14:07, Thứ Hai, 02/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Văn Thủy là một trong 15 xã thuộc vùng gò đồi của huyện Lệ Thủy. Những năm qua, bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi của huyện đề ra, địa phương đã chủ động xây dựng riêng cho mình một chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế ở địa bàn. Chính nhờ đó, vài năm trở lại đây, bức tranh kinh tế Văn Thủy đã có những chuyển biến tích cực.

Đến với vùng gò đồi Văn Thủy vào những ngày cuối tháng 6 - 2012, chúng tôi như lạc vào bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng cao su, keo lai, hồ tiêu... Thành quả này do chính người dân nơi đây nỗ lực tạo dựng. “Đánh thức” vùng gò đồi, đời sống của nhiều hộ dân trong xã ngày càng được nâng lên đáng kể...

Ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Văn Thủy nhớ lại, khi mới được chia tách, tỷ lệ hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn của địa phương nhiều lắm. Người dân Văn Thủy vốn có gốc gác tại nhiều xã, thị trấn trong huyện và một bộ phận không nhỏ vốn là người của Nông trường Đại Giang (đã giải thể) chuyển sang. Sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, do yếu tố địa hình, địa lý..., cả xã chỉ có thôn Văn Minh và thôn Đông Xuân là có đất trồng lúa nước (chiếm 80% diện tích lúa toàn xã). Riêng người dân ở các thôn còn lại buộc phải trông nhờ vào việc khai hoang đất đồi để trồng rừng, hồ tiêu, cây lương thực ngắn ngày...

Diện tích cây cao su ở Văn Thủy đang được mở rộng.
Diện tích trồng cây cao su ở Văn Thủy đang được mở rộng.

Thời điểm mới chia tách, diện tích đất trống, đồi núi trọc toàn xã chiếm phần đa, nhưng người dân chẳng mấy chú tâm khai thác. Năm 2005, cả xã có trên 44% hộ nghèo... Ông Phạm Xuân Thủy cho biết thêm, từ khi UBND huyện Lệ Thủy có Đề án phát triển kinh tế gò đồi giai đoạn 2006-2010, chính quyền địa phương chúng tôi đã bám sát và chủ động xây dựng riêng cho mình một chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế ở địa bàn.

Theo đó, UBND xã Văn Thủy xác định, đất đai gò đồi sẽ là thế mạnh để phát triển trang trại, gia trại, chăn nuôi trâu, bò đàn, gà thả vườn, trồng cây công nghiệp như nhựa thông, keo lai, hồ tiêu, cao su... Cũng từ quan điểm đó, đảng bộ, chính quyền, tổ chức đoàn thể trong xã đã khẩn trương tiến hành quán triệt sâu rộng và phát động trong toàn thể quần chúng nhân dân cùng chung tay thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nói trên.

Được chia tách từ xã Trường Thủy (Lệ Thủy) vào năm 1994, xã Văn Thủy hiện có tổng diện tích đất tự nhiên 1.514 ha (trong đó đất nông nghiệp chiếm 1.056 ha). Dân số toàn xã có 902 hộ, 3.168 nhân khẩu, sống phân bố tại 7 thôn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã tính đến cuối tháng 6 năm 2012 đã giảm xuống còn 24,7% (bình quân hàng năm giảm từ 4-5%), mức thu nhập bình quân tăng lên 13,5 triệu đồng/người/ năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế 13,5%.

Với sự quan tâm giúp đỡ và chỉ đạo của tỉnh, huyện cùng với sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân trong xã, những năm qua, xã Văn Thủy đã tận dụng tối đa lợi thế của vùng gò đồi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, toàn xã trồng được 29,5 ha cây hồ tiêu (trong đó 18 ha đang trong thời kỳ khai thác, năng suất bình quân 18 tạ/ha), gần 180 ha cây cao su (trong đó trên 40 ha đã đưa vào khai thác), 17 ha cây ăn quả và 654 ha rừng trồng kinh tế (trong đó có 228,6 ha diện tích cây thông đang thời kỳ cho khai thác nhựa)...

Tại thời điểm này, xã Văn Thủy không còn diện tích đất trống, đồi núi trọc. Song song với việc trồng rừng, người dân địa phương đã mở rộng phát triển chăn nuôi và đến nay toàn xã có 330 con trâu, 377 con bò (trong đó có 110 bò lai sind), gần 1.500 lợn, 12.000 con gia cầm, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 18 ha...

Phải nói rằng, sau 7 năm bắt tay vào triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi, Văn Thủy đã tạo được sự đột phá quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; từng bước tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương; chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn đã có sự khởi sắc...

                                                                                            Văn Minh

 

,
.
.
.