Xây dựng nông thôn mới:

Cần thận trọng khi xây chợ! - Kỳ 1: Chợ bỏ hoang... thực trạng và nguyên nhân

Cập nhật lúc 14:16, Thứ Tư, 27/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, tiêu chí chợ nông thôn đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các địa phương và ban ngành liên quan. Để đạt chuẩn xã NTM theo đúng lộ trình, nhiều địa phương đang ráo riết giải "bài toán" xây dựng chợ. Trên thực tế, không phải đến bây giờ "cuộc đua" xây dựng chợ mới xuất hiện mà từ nhiều năm trước, xây dựng chợ nông thôn đã trở thành một phong trào khá rầm rộ. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khá nhiều chợ nông thôn đã và đang là vấn đề đáng bàn… Với những bài học vẫn còn chưa cũ về đầu tư xây dựng chợ, trong lộ trình xây dựng NTM hôm nay, chúng ta cần có những bước đi thận trọng.

Thực trạng...

Theo số liệu thống kê của ngành Công thương, tính đến thời điểm này, tỉnh ta có gần 120 chợ, quy hoạch đến năm 2020 sẽ đạt 194 chợ. Trong số này, các chợ ở khu vực nông thôn hầu hết đều chưa đạt chuẩn theo thông tư số 31/2009 của Bộ Xây dựng.

Thống kê của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng NTM cho thấy toàn tỉnh hiện chỉ có 17 chợ (12,06%) đạt chuẩn, gồm Bố Trạch 7 chợ, Tuyên Hóa 5, Lệ Thủy 3, Quảng Ninh và Tuyên Hóa mỗi huyện 1 chợ.

Trong số 7 huyện, thành phố toàn tỉnh, Bố Trạch dẫn đầu về số lượng chợ đạt tiêu chí nông thôn mới với 7/24 chợ. Đấy là cái được từ Đề án phát triển mạng lưới chợ giai đoạn 2006-2010 của huyện. Tuy nhiên, tại Bố Trạch cũng có một số chợ bị bỏ hoang hay hoạt động kém hiệu quả.

Chợ Trung Trạch là một ví dụ. Để hoàn thành khu chợ, địa phương đã thu hồi 10 ha đất trồng lúa và đầu tư trên 2 tỷ đồng. Tọa lạc ở vị trí khá đẹp, tuy nhiên khi đưa vào sử dụng vào đầu năm 2007, dù đã có nhiều ưu đãi đối với các tiểu thương nhưng chỉ hoạt động được vài ba ngày thì đóng cửa. Đến nay thì chợ Trung Trạch được một doanh nghiệp thuê làm trụ sở và để vật liệu. Nhiều người dân bức xúc khi đất trồng lúa bị thu hồi, còn công trình chợ thì cho thuê, vừa lãng phí ngân sách, vừa ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân có đất bị thu hồi.

Ở Bố Trạch còn có chợ Nhân Trạch (vốn đầu tư 2,5 tỷ đồng) dù không bỏ hoang nhưng khu đình chợ hiện đang được cho thuê làm...  đám cưới. Qua chuyện trò với các tiểu thương, được biết vào buổi sáng, tầng một của đình chợ còn có khách, buổi chiều thì chỉ còn dăm ba chị em tiểu thương ngồi... đánh bài. Chợ thường chỉ đông đúc khi tầng hai có người thuê để làm đám cưới...

Tại Xuân Ninh (Quảng Ninh) có chợ Nam Long, chỉ họp mỗi ngày 2-3 tiếng đồng hồ rồi tan. Tiểu thương cũng chẳng mấy mặn mà với khu đình chợ nên ngoài những khi họp chợ, trẻ con dùng khuôn viên chợ làm sân chơi...

“Dấu tích” chợ Quảng Hưng.
“Dấu tích” chợ Quảng Hưng.

Còn ở xã Quảng Hưng (Quảng Trạch), hiện đang tồn tại dấu tích một khu chợ bỏ hoang từ nhiều năm nay. Dù diện tích khuôn viên và quy mô xây dựng không lớn, nhưng khu chợ này thể hiện quyết tâm của chính quyền địa phương sau một lần xây dựng chợ bất thành từ gần 30 năm trước. Quyết tâm là thế nhưng rốt cuộc khu chợ thứ hai này cũng trở thành nơi... nghỉ ngơi của trâu bò. Sắp tới, thực hiện CTMTQG xây dựng NTM, xã quyết tâm xây chợ lần thứ ba. “Lần này dự định chợ sẽ được xây ở thôn Tú Loan 1 (Cồn Trọc), gần một chợ xép đang hoạt động!”, ông Bùi Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hưng, cho biết.

Ở Tuyên Hóa có chợ Lâm Hóa được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2002, chợ chỉ họp được một thời gian rồi trở thành... chuồng nhốt trâu bò. Nhiều người dân khi đi qua đây không khỏi xót xa bởi số tiền lớn đầu tư để xây dựng một công trình chỉ sử dụng được vài tháng.

Và ở ngay trong lòng thành phố Đồng Hới, chợ Đồng Sơn (với vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng), cũng cùng chung số phận khi tiểu thương quay lưng lại với chợ, cho dù chính quyền địa phương đã có nhiều ưu đãi cũng như các biện pháp tuyên truyền nhằm thu hút người dân đến đây họp chợ.

Và nguyên nhân

Theo các nhà chuyên môn “Chợ không chỉ nằm trong phạm trù kinh tế đơn thuần, nó còn biểu hiện văn hóa rất đậm nét”. Vì vậy, nếu hiểu theo nghĩa đơn thuần của chợ chỉ là nơi buôn bán, điểm làm ăn của các bà hàng tôm, hàng cá... sẽ là không trọn vẹn. Phải chăng trong “làn sóng” xây dựng chợ thời gian qua, chúng ta đã chưa bao quát hết các yếu tố của chợ, cộng với tư tưởng chủ quan, duy ý chí để rồi gặt hái những thất bại?

Chợ Lâm Hóa (Tuyên Hóa) được xây dựng ở một khu vực dân cư thưa thớt, đời sống kinh tế còn nhiều hạn chế. Nhu cầu mua bán, giao lưu hàng hóa của người dân không lớn, nếu không muốn nói là còn rất nhỏ bé. Chợ Quảng Hưng (Quảng Trạch) cũng tương tự khi được xây dựng ở gần quốc lộ và khá xa khu dân cư. Người dân từ trước tới nay thường quen đi chợ Xuân Kiều (Quảng Xuân), nơi tập trung nhiều hàng hóa và bán buôn sầm uất.

Bên cạnh đó, họ còn có một chợ xép đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của các bà nội trợ. “Tui đi chợ Xuân Kiều nhiều năm quen rồi nên ngại đi chợ mới lắm. Nếu chợ mới có xây thì cần phải hỏi ý dân xem nên xây chợ ở đâu chứ đừng bỗng dưng mọc lên cái chợ rồi lại không có ai sử dụng...”, chị Hoa (xã Quảng Hưng) trao đổi. Chợ Trung Trạch (Bố Trạch), dù tọa lạc ở vị trí khá đẹp nhưng lại không thể cạnh tranh nổi với chợ Hoàn Lão (chỉ cách đó khoảng 500m), vốn là điểm tập trung dân cư của cả thị trấn, nơi mặt bằng kinh tế - xã hội rất phát triển và là chợ trung tâm huyện.

Chợ Nhân Trạch đầu tư lớn nhưng tiểu thương vốn quen với những quầy hàng truyền thống, lại ngại vào đình chợ sẽ phải đóng nhiều loại phí nên cả khu đình chợ gần như bị bỏ hoang. “Ngoài việc sợ phải đóng phí, do đình chợ được xây dựng lớn hơn nhiều so với nhu cầu kinh doanh nên ế là phải...”, một tiểu thương cho biết. Chợ bỏ hoang hay hoạt động kém hiệu quả, ngoài những nguyên nhân nói trên, có một nguyên nhân quan trọng nữa là phong trào “làng làng xây chợ” trong những năm gần đây.

Chúng tôi có mặt tại chợ Cổ Hiền (xã Hiền Ninh, Quảng Ninh), một khu chợ vốn nổi tiếng sầm uất, thu hút tiểu thương và người dân các xã lân cận... về kinh doanh, mua bán, giờ đang lâm vào cảnh “chợ chiều”. Chị Khiển, một tiểu thương đã nhiều năm kinh doanh ở đây, than thở: “Nhớ hồi xưa ở chợ ni trăm người bán, vạn người mua, đông vui sầm uất. Giờ thì trăm người bán mà chẳng có mấy người mua. Tui ngồi hồi sáng tới chừ vẫn chưa bán mở hàng...”.

Lý giải cho sự ế ẩm này, chị Khiển và nhiều tiểu thương trong chợ cho rằng, nguyên nhân là do các xã lân cận hiện nay đều đã có chợ. Không những một xã một chợ mà có xã có đến hai, ba chợ như Gia Ninh, An Ninh, Xuân Ninh, Vạn Ninh... Chỉ cách chợ Cổ Hiền (Hiền Ninh) chưa đầy 2 km, có chợ Nam Long (Xuân Ninh) chỉ họp ngày vài tiếng đồng hồ, người bán, kẻ mua thưa thớt.

Chị Nhàn, hiện có ki ốt trong khu vực chợ, cho biết: Chợ họp từ khoảng gần 12 giờ trưa đến gần 3 giờ chiều rồi tan. Người đến chợ cũng chỉ mua sắm những thứ thiết yếu phục vụ bữa ăn gia đình. Khu đình chợ được xây dựng khá kiên cố nhưng bà con chỉ ngồi loanh quanh bên ngoài. “Chỉ bán ít rau và mít măng trong nhà, vô đình chợ làm chi để phải đóng tiền. Mà có phải ngày nào bọn tui cũng đi chợ mô, nên ngồi tạm ngoài ni cũng được...”, một chị bán rau cho biết. Thế nên khu đình chợ hiện tại chỉ có vài quầy hàng thịt kinh doanh và chủ yếu là dùng để giữ xe...

Có một nguyên nhân nữa không thể không kể đến là bên cạnh việc mỗi xã có một hoặc vài ba chợ, thì việc xuất hiện các quầy bách hóa nhỏ lẻ, những chợ tạm, chợ cóc... cũng khiến cho tình trạng kinh doanh của một số chợ lâm vào cảnh “chợ chiều”. Dọc theo nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, nếu những quầy bách hóa ngày xưa chỉ bán hàng khô, thì nay đã “lấn sân” sang bán cả hàng tươi sống như cá, thịt, rau dưa. Mỗi quầy bách hóa  phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho vài chục hộ dân trong khu vực. Tiện lợi, giá cả cũng chỉ ngang bằng ở chợ nên ngày càng có nhiều người đi chợ tạm, chợ cóc hoặc các quầy bách hóa. Chỉ khi cần những món hàng lớn và ngoài nhu cầu ăn uống, họ mới đi chợ lớn.

Đến thời điểm này, có thể thấy rằng, bên cạnh một số địa phương, nhu cầu xây chợ gần như đã bão hòa, thì cũng có nhiều địa phương chưa thực sự cần chợ. Nếu cứ cứng nhắc thực hiện theo tiêu chí để được công nhận xã NTM, tương lai chúng ta sẽ lại thừa chợ và lãng phí những khoản ngân sách không nhỏ. Vì vậy, ngay từ bây giờ, trước khi bắt tay thực hiện tiêu chí chợ, các ban ngành chức năng và địa phương cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để tiêu chí đạt hiệu quả, góp phần xây dựng NTM thực chất, mang lại sự đổi thay tích cực cho đời sống người dân nông thôn.

                                                                            Ngọc Mai


                                                               Kỳ 2: Những ý kiến tâm huyết


 

,
.
.
.